Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

NGƯT Trần Thị Tám: “Làm bao nhiêu tôi vẫn thấy chưa đủ”

Tạp Chí Giáo Dục

Cô Trần Thị Tám

Dù tuổi đã cao, song vì cái tâm cô giáo về hưu vẫn ngày ngày làm bạn cùng chiếc xe đạp cà tàng đi vận động quyên góp tiền để tiếp sức cho học sinh, sinh viên nghèo trong và ngoài quận. Cuộc đời của cô gắn liền với những trang sử vàng, trong thời chiến cũng như thời bình. Nhiều việc nghĩa cô đã làm lại có không ít người bảo “bà già hâm chuyên làm chuyện bao đồng”.
Khát vọng tuổi trẻ
Cô là Trần Thị Tám (bí danh Nguyễn Thị Thanh Hà), thường gọi cô Tám Hà, sinh năm 1941 ở An Lạc Tây, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Năm 1954 (13 tuổi), cô bé Tám ra Bắc học ở Trường Học sinh miền Nam. Tốt nghiệp ĐH Sư phạm, cô về dạy ở Trường Tân Yên, Hà Bắc. Vì lòng yêu nước, ngày 5-11-1966, cô giáo trẻ phải tạm xa mái trường và học trò thân yêu để vào chiến trường B. Mở đầu bài Đường về quê Mẹ in trong cuốn kỷ yếu Học sinh miền Nam trên đất Bắc sống và làm việc tại Tiền Giang, cô Tám đã viết: “Được tin đi B chúng tôi như mở cờ trong bụng; không ăn được, không ngủ được mà chỉ muốn gào thật to “Tôi được đi B!” nhưng tất cả đều nén lại vì “tuyệt mật”. Đi đánh Mỹ là khát vọng của tuổi trẻ thời bấy giờ, là niềm kiêu hãnh của những ai được “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
Nói về những ngày đầu tham gia kháng chiến, cô Tám tâm sự: “Mình trưởng thành từ hạt gạo và tình thương của miền Bắc. Nhờ đó mình càng vững vàng, tin tưởng và trách nhiệm với đất nước càng lớn hơn”.
Cuối năm 1967, cô Tám trở về giảng dạy tại Trường trung học Lý Tự Trọng (Cà Mau – khu 9). Từ ngôi trường này, cô đã đào tạo những thế hệ học trò thành danh như đồng chí Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TP.HCM, Nguyên chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM Nguyễn Thị Hằng Nga… và nhiều y, bác sĩ, kỹ sư, các nhà khoa học hiện đang sống và làm việc ở trong và ngoài nước. Sau ngày giải phóng miền Nam, cô Tám được điều về làm ở Ủy ban quân quản Mỹ Tho, tỉnh Định Tường (nay là Tiền Giang), tiếp quản ngành giáo dục thành phố Mỹ Tho theo lệnh của Trung ương cục miền Nam. Cũng trong thời gian này, cô tiếp tục theo học cao học ngành tâm lý giáo dục, ngoài công việc dạy học ra cô còn đảm trách tư vấn tâm lý cho Báo Ấp Bắc.
Những gì cô Tám đã, đang và sẽ làm theo cô là nhờ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tôi nhớ lời dạy ân cần của Bác khi Bác đến thăm học sinh Trường miền Nam. “Giọng Người ấm áp, từng lời dạy của Bác như lời non nước đọng mãi trong trí nhớ của tôi”. 
“Cô Tám khuyến học”
“Cô Tám khuyến học” là cái tên người dân ở P. An Phú Đông, Q. 12 đặt cho cô mà tôi biết được khi hỏi đường đến nhà cô. Nghỉ hưu, gia đình cô Tám chuyển về Sài Gòn sinh sống hơn 10 năm nay. Tuy thời gian không dài nhưng cũng đủ để cô làm tròn bổn phận của một người lính thời bình, một nhà giáo về hưu hết lòng vì học trò nghèo. Cô đã từng giữ chức vụ Bí thư chi bộ khu phố 2 phường An Phú Đông, quận 12. Căn nhà rộng chừng 30m2 nhưng cô dành hẳn một “phòng làm việc” để tiếp dân. Chỉ trong một thời gian ngắn nhậm chức, cô đã giải tỏa được nhiều nỗi oan ức của dân, những chuyện tréo ngoe, tiêu cực ở địa phương cũng được giải quyết trót lọt. 
Chức vụ cô Tám đã kinh qua: Phó tiểu ban giáo dục Mỹ Tho; Phó phòng giáo dục thành phố Mỹ Tho và trước khi về hưu, cô giữ chức Phó hiệu trưởng Trường CĐSP Tiền Giang. Các danh hiệu được Nhà nước khen tặng: Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhì; Chiến sĩ thi đua; Anh hùng lực lượng vũ trang; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Nhà giáo ưu tú…
Ngôi nhà của cô cũng là nơi để bà con lối xóm trút bỏ những bức xúc, những buồn vui trong công việc, gia đình, xã hội. Nghe ở đâu có chuyện vợ chồng cơm không lành, canh chẳng ngọt là cô tìm đến phân giải. “Nhiều gia đình vợ chồng bất hòa tưởng là hết “thuốc trị” nhưng qua tay mình mọi chuyện lại thay đổi đến khó tin”, cô Tám tâm sự. 
Những ngày đầu về TP.HCM, cô Tám đã theo học nghề ghép, chiết cây cảnh ở trường ĐH KHTN TP.HCM và tham gia vào Câu lạc bộ cây cảnh của trường. Các chương trình phổ biến kiến thức, hướng dẫn bà con trồng và chăm sóc cây kiểng của Hội khuyến nông quận luôn có mặt cô.
Xấp xỉ tuổi 70, cái tuổi đáng lý phải được nghỉ ngơi nhưng cái tâm lại không cho phép. Hằng ngày, cô luôn bận rộn với công việc vận động quyên góp tiền cho Quỹ khuyến học của quận 12, học bổng Nguyễn Hữu Thọ, Lương Định Của, Nguyễn Thị Minh Khai…
Cô Tám chia sẻ: “Thấy mình nghèo mà làm việc nghĩa, tụi nó (tức em gái và người trong gia đình) cũng chia sẻ với mình. Người nghèo cần sự giúp đỡ, mình làm ngơ thì mang tội nhiều. Tôi còn nợ tổ quốc và nhân dân quá nhiều, làm bao nhiêu vẫn thấy không đủ đền ơn đáp nghĩa”.
Trần Tuy An

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)