Nồi cháo đặc quánh, dậy mùi thơm như mùi bánh đúc đang tỏa hơi khi vừa giở nắp nồi hấp.
Cháo có màu nâu hồng, do được nấu bằng gạo lứt (hay gạo lức, tuỳ theo cách phát âm của mỗi vùng miền). Người vùng Huế gọi là gạo rằn, loại gạo chỉ xay bỏ vỏ trấu, không xát bỏ lớp cám bọc hạt gạo để giữ lại vẹn nguyên giá trị dinh dưỡng.
Cháo gạo rằn ăn với cá bống kho rim rất tuyệt. Cá mua từ chợ về còn tươi roi rói, làm sạch vảy, ướp gia vị: tiêu, hành, ớt, đường bánh, nước mắm ngon, cho thêm ít thịt heo ba chỉ.
Cá bống rim khô (trái) và món ớt xắt lát kho ngọt ăn với cháo gạo rằn.
Chừng 30 phút sau cho vào trách đất, hoặc nồi gang đã lót lớp mỡ, hay dầu ăn, phi thơm. Sôi đều thì cho thêm nước vừa xăm xắp, hạ lửa liu riu, rim từ từ cho đến khi con cá cong quéo, ngả màu nâu sậm, bóng nhẫy, săn chắc, không cứng, không khô, dai vừa phải, ăn vừa miệng là đạt chuẩn.
Vị mặn hòa quyện với vị ngọt, bùi và béo của cá tạo ra món ngon đặc trưng, ăn mãi mà không chán.
Cháo gạo cá bống là món ăn buổi sáng. Món ăn dân dã và rẻ. Thời buổi gạo châu củi quế, trong vòng một năm giá xăng, giá ga tăng vọt ba, bốn lần, nhưng tô cháo gạo cá bống chỉ mười ngàn đồng; tô nhỏ năm ngàn đồng.
Đừng tưởng món ăn cho người bình dân giá tăng lên thì khó bán. Giới thượng lưu mỗi tuần một hai lần tìm ăn cháo gạo rằn như Trạng Quỳnh tìm mầm đá đổi món cho nhà chúa trong vương phủ.
Dân nhậu lai rai cả đêm, sáng ngày tìm ăn bát cháo gạo rằn cho mát ruột mát gan, cân bằng lượng đạm và tinh bột trong cơ thể.
Dân Huế tha hương, đi làm ăn xa nhớ con cá bống quê nhà kho rim, như người xứ Bắc nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương, nên mỗi khi trở về tìm ăn cháo gạo cá bống cho bằng được.
Người cao tuổi, thích điểm tâm bằng bát cháo gạo rằn cho dễ tiêu, lành tính. Người lao động nặng nhọc cần ăn chắc mặc bền thì bên cạnh nồi cháo gạo đã có nồi xôi ủ nóng.
Cháo gạo rằn ăn với cá bống kho rim là món ăn vô cùng đơn giản. Ấy vậy mà từ lâu đời nó đã trở thành một đặc sản của Huế. Một kiểu ăn vừa ngon miệng vừa khoa học.
Cháo nhạt, vì chỉ có hai thành phần là gạo và nước lã, làm trung hòa vị mặn mòi và thấm tháp của con cá đã rim khô.
Dân Huế vốn là “người Việt gốc ớt” nên bên cạnh nồi cá bống phải có thêm bát ớt kho ngọt. Ớt trái xắt lát, kho lâu nên chỉ cay vừa phải.
Cá bống con nhỏ bằng ngón tay út, bằng đầu đũa, kho vừa miệng; mỗi muỗng (thìa) cháo ăn kèm một miếng ớt, hay cắn cá nửa con, ăn tới đâu thấm tới đó. Người Huế có từ dùng rất hay: ăn ngậm mà nghe.
Ở Quảng Ngãi có sông Trà Khúc cá bống nhiều vô kể. Cá bống sông Trà là món ngon đặc sản làm quà, thương hiệu vang xa hơn cá bống kho rim của Huế. Nhưng món cháo gạo rằn ăn với cá bống kho rim, đi kèm ớt trái kho ngọt thì chỉ có ở Huế.
Một biến tấu khác của Huế là cá bống rim với tôm. Cháo gạo rằn ăn kèm cá bống rim với tôm gợi nhớ câu ca dao: Tôm rằn lột vỏ bỏ đuôi/Gạo de An Cựu mà nuôi mẹ già.
Ở Việt Nam mùa nào ra chợ cũng có tôm tươi. Nhưng giống tôm rằn là đặc sản ở vùng đầm phá nước lợ của Huế, thịt mềm, ngọt và thơm hơn các loại tôm khác, lại có giá trị dinh dưỡng rất cao.
Gọi là tôm rằn vì nó có những vằn đen trên mình. Phụ nữ Huế xưa hiếu thảo, đã chọn loại gạo và loại tôm ngon nhất của đất, của nước quê mình để nuôi dưỡng mẹ già là nguyên cớ của câu ca dao nói trên.
Thanh Tùng (TPO)
Bình luận (0)