Từ đầu năm đến nay, bệnh tay chân miệng (TCM) đã làm 114 trẻ tử vong và lây lan ra 61 tỉnh, thành phố. Bệnh không chỉ " khai thác” sức khỏe trẻ em mà còn "hành” cả người lớn. Báo cáo của Viện Pasteur Nha Trang (Khánh Hòa), thời gian qua đã có 8 người lớn mang virus bệnh TCM (4 người ở Ninh Thuận, 2 ở Quảng Ngãi và 2 ở Bình Thuận, nâng tổng số người lớn mắc bệnh TCM từ đầu năm đến nay lên 12 trường hợp.
Dịch bệnh TCM ở nước ta tiếp tục diễn biến phức tạp trong những tháng tới, tăng số mắc và tử vong
Điều đáng lo ngại là dù mang virus nhưng ở họ đều không xuất hiện triệu chứng thần kinh như giật mình mà chỉ có những triệu chứng về hô hấp và tim mạch, nên bệnh dễ lây lan trong cộng đồng và khó kiểm soát. Với nhiều chuyên gia y tế, việc phát hiện những người lớn mắc bệnh không gây "sốc”. TS Nguyễn Văn Bình – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế khẳng định, qua báo cáo giám sát hằng năm, bệnh TCM ở người lớn vẫn chiếm một tỉ lệ rất nhỏ, khoảng dưới 1%. Vì thế việc người lớn mắc TCM thời gian qua không phải là điều bất thường. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – Phó Trưởng khoa Cấp cứu điều trị tích cực – Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết: Bệnh TCM do virus gây nên, có thể lây lan qua tiếp xúc. Và khi người lớn tiếp xúc với virus gây bệnh thì cũng có thể mắc bệnh. Song virus này ít gây nên triệu chứng sốt, nổi bóng nước và mức độ nguy hiểm cũng không cao như ở trẻ. Tuy vậy, người lớn cũng không được phép chủ quan, cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của ngành y tế. Các bác sĩ khoa Nhiễm – Thần Kinh (BV Nhi Đồng 1) cho rằng, để xác định bệnh TCM có gây bệnh cho người lớn không, cần phải theo dõi một thời gian từ các bệnh viện. Đồng quan điểm này, các bác sĩ Khoa Y tế công cộng – Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh thống nhất, việc nghiên cứu chủng virus, sự thay đổi độ tuổi mắc bệnh, là rất cần thiết cho công tác phòng chống dịch. Muốn làm điều này cần phải lấy mẫu định kỳ trong mỗi năm để nghiên cứu thì mới có thể đánh giá sự thay đổi của bệnh.
* Theo nhận định của Bộ Y tế, năm nay số ca mắc và tử vong do bệnh TCM là cao nhất từ trước đến nay (66.000 trường hợp mắc TCM tại 61 địa phương, trong đó có 119 ca tử vong tại 25 tỉnh thành phố). Từ giữa tháng 9 đến nay số người mắc hàng tuần luôn dao động từ 2.000 – 2.500 ca. Chỉ tuần đầu tháng 10, cả nước có thêm 2100 trường hợp mắc TCM, trong đó 3 trường hợp tử vong tại Tây Ninh, Cà Mau, Kiên Giang. Nguyên nhân sự gia tăng của bệnh là do virus đường ruột và tiếp xúc trực tiếp, chưa có vắc xin phòng bệnh, không có thuốc điều trị đặc hiệu. Nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy, tỉ lệ người lành mang trùng cao không có biểu hiện ra ngoài. Đây là nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan nhanh và diễn biến phức tạp. Theo TS Nguyễn Văn Bình – Cục Trưởng cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), các địa phương đã nắm rõ những điều kiện trong Quyết định 64 của Thủ tướng về điều kiện công bố dịch. Bộ chỉ công bố dịch khi các tỉnh công bố và khi đó Bộ Y tế sẽ phải dành hết nguồn lực vào phòng chống dịch. Bộ nhận định, dịch bệnh TCM ở nước ta tiếp tục diễn biến phức tạp trong những tháng tới, tăng số mắc và tử vong.
Theo ĐN
(daidoanket)
Bình luận (0)