Trước nguy cơ cầu Rạch Chiếc có thể sập bất cứ lúc nào, UBND TPHCM quyết định cho xây cầu mới ngay bên cạnh cầu cũ. Do TPHCM chưa có tiền nên Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) đề nghị ứng vốn, bù lại phải được… thu phí trước?!
Trạm thu phí XLHN hiện hữu.
Trạm thu phí xa lộ Hà Nội (XLHN) hiện hữu nằm tại vị trí gần Metro An Phú, được xây dựng nhằm thu phí cho công trình nâng cấp, mở rộng đường Điện Biên Phủ và Nguyễn Hữu Cảnh. Quyền thu phí tại đây thuộc về CII và dự kiến đến năm 2012, việc thu phí của trạm này sẽ kết thúc.
Tuy nhiên, CII tiếp tục xin UBND TP được đầu tư xây dựng cầu Rạch Chiếc và mở rộng XLHN (đoạn từ cầu Sài Gòn cho đến Ngã ba Tân Vạn) để tiếp tục thu phí tại trạm này và đã được đồng ý.
Theo đó, CII sẽ ứng 1.000 tỷ đồng cho TP để xây cầu Rạch Chiếc mới. Đổi lại, CII được tiếp tục thu phí tại trạm XLHN thêm 12 năm nữa, tính từ ngày 1/1/2014. Ông Bùi Xuân Cường, Trưởng phòng Quản lý giao thông (Sở Giao thông Vận tải TPHCM), cho biết: “CII đã ứng vốn xây cầu Rạch Chiếc nên được dời trạm sang vị trí mới để thu phí thu hồi vốn”.
Điều này không có gì đáng nói nếu CII không đề nghị dời vị trí trạm thu phí XLHN từ chỗ cũ ra ngoài cầu Rạch Chiếc, đoạn gần ngã ba Tây Hòa và bắt đầu thu phí tại trạm mới từ cuối năm 2009. Trong khi đó, dự kiến đến cuối năm 2009 cầu Rạch Chiếc mới khởi công.
Như vậy, với động thái này, CII đã thu phí trước khi xây cầu và ăn chênh lệch một món lợi nhuận lớn từ việc thu phí từ năm 2009 tại vị trí trạm thu phí mới này. Vì vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng được tính toán thu từ năm 2014 (khi cầu hoàn tất) đến năm 2026. Nhưng khi dời trạm ra vị trí bên ngoài cầu Rạch Chiếc từ năm 2009 thì khoảng thời gian từ 2009 đến 2014, CII sẽ thu lợi khoản chênh lệch của vị trí cũ và mới.
Với vị trí hiện hữu, trạm thu phí XLHN chỉ thu phí các xe qua Ngã ba Cát Lát, theo xa lộ Hà Nội vào trung tâm TP. Còn các xe qua Ngã ba Cát Lái, rẽ theo đường Nguyễn Thị Định, vào liên tỉnh lộ 25B đến cảng Cát Lái thì trạm này không thu được. Nhưng khi dời trạm ra ngoài cầu Rạch Chiếc thì sẽ thu được cả số phương tiện đi qua liên tỉnh lộ 25B.
Theo tính toán của Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TPHCM thì số phương tiện vận tải qua Ngã ba Cát Lái vào liên tỉnh lộ 25B mỗi ngày lên đến hàng chục lượt xe container, chưa kể các loại xe tải và ôtô khác. Với mức thu từ 20 – 30.000 đồng/lượt thì mỗi ngày CII đã thu lợi gần cả tỷ đồng từ khoảng chênh lệch số xe qua trạm mới so với số xe qua trạm cũ. Nếu kéo dài hơn 4 năm thu phí trước thì số lợi sẽ là bao nhiêu?
Chính vì khoản lợi nhuận khổng lồ này sẽ đánh thẳng vào túi tiền các doanh nghiệp vận tải nên Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TPHCM kiến nghị ngừng lại việc di dời trạm thu phí XLHN từ vị trí cũ ra vị trí mới trong năm nay. Vì như vậy là không công bằng khi CII được thu phí công trình chưa xây.
Đó là chưa kể khi mở rộng liên tỉnh lộ 25B. Nếu dự án này được đầu tư theo phương thức BT thì TPHCM phải trả cho nhà đầu tư đất và các dự án hạ tầng khác để bù vào vốn làm đường. Còn nếu dự án được đầu tư theo phương thức BOT thì phải xây trạm thu phí mới cho con đường này. Khi đó, xe vào cảng Cát Lái phải đóng phí 2 lần trên một đoạn đường chỉ chừng 10km.
Rồi khi dự án mở rộng XLHN (đoạn từ cầu Sài Gòn đến Ngã ba Tân Vạn) hoàn tất thì lại nảy sinh thêm một trạm thu phí. Phí chồng thêm phí dày đặc tại tuyến đường cửa ngõ Sài Gòn, đón hàng trăm ngàn lượt xe mỗi ngày.
Tùng Nguyên (dantri)
Bình luận (0)