Theo một khảo sát hồi cuối năm 2008, trung bình một ngày, một gia đình ở Hà Nội dùng tới 11,3 chiếc túi nilon, tính ra một năm, chi phí cho túi hết khoảng hơn 6 tỉ đồng. Những chiếc túi sau khi bị vứt bỏ sẽ nằm lại trong đất 500-1.000 năm.
Tiện lợi nhưng vô cùng độc hại
Lỉnh kỉnh với hàng chục túi nilon mỗi khi bước ra khỏi chợ, siêu thị… đã trở thành hình ảnh quen thuộc của những bà nội trợ thời hiện đại. Túi nilon được dùng để đựng bất cứ thứ gì, từ thức ăn sống, chín cho tới vật dụng sinh hoạt hàng ngày. Giá thành loại túi này quá rẻ, chỉ từ vài chục đến vài trăm đồng một chiếc nên chúng được những người bán hàng "phát" tran lan. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ đựng đồ, chúng thường bị vứt bỏ vương vãi khắp nơi.
Nhưng túi nilon tiện lợi bao nhiêu trong việc sử dụng thì cũng đem đến bấy nhiêu phiền hà và nguy hại cho con người và môi trường.
Túi nilon góp phần tàn phá môi trường
Không biết bao phen, đội công nhân của Xí nghiệp thoát nước TP Hà Nội phải huy động lực lượng, tìm đủ mọi cách mới giải phóng được những dòng nước thải cứ dềnh mãi, trực bật tung nắp cống. Nguyên nhân được xác định do những mảnh túi nilon bị ném xuống cống, không tiêu thoát được, dồn đống lại gây kẹt cả một đoạn cống ngầm.
Đa số người dân sau khi dùng túi thường bỏ vào thùng rác. Sau nhiều khâu vận chuyển, túi nilon sẽ nằm lẫn trong đất. Và quãng thời gian mà chúng tồn tại là 500-1.000 năm, trở thành một trong những loại rác thải khó tiêu hủy nhất, cản trở sự sinh trưởng của thảm thực vật.
Nhiều cách khắc phục đã được đưa ra, trong đó có phương pháp đốt. Nhưng theo các nhà khoa học, trong một số loại túi nilon có lẫn lưu huỳnh, dầu hỏa nguyên chất, khi bị đốt cháy, gặp hơi nước sẽ tạo thành axit sunfuric dưới dạng các cơn mưa axit, rất có hại cho phổi người và động vật. Tệ hơn, túi ni lông làm bằng nhựa PVC có chứa clo, khi cháy tạo ra chất dioxin và axit clohiđric vô cùng độc hại.
Tiền tỉ mỗi năm để mua “bom”
Cuộc sống càng phát triển thì túi nilon càng được sử dụng nhiều hơn. Sự lạm dụng túi nilon đã đến mức báo động, bất chấp tác hại của nó đối với sức khỏe con người, môi trường sống và thúc đẩy biến đổi khí hậu (do việc chế tạo túi sử dụng nguyên liệu đầu vào là dầu mỏ và khí đốt).
Kết quả khảo sát của Trung tâm Hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu (SCC) vào tháng 9/2008 trên 200 người tiêu dùng tại Hà Nội cho thấy: bình quân mỗi gia đình sử dụng (được siêu thị/cửa hàng/người bán hàng cấp miễn phí) 11,3 túi nilon/ngày và đại bộ phận số túi này chỉ sau một lần sử dụng là bị thải ra môi trường.
Chỉ cần một phép tính đơn giản, mỗi túi nilon có giá trung bình 200 đồng thì với khoảng 800.000 gia đình, Hà Nội cũ sẽ thải khoảng 3,3 tỉ chiếc túi/năm, tương ứng với số tiền bị lãng phí hơn 6,5 tỉ đồng.
Cũng đã có nhiều sáng kiến về việc giải quyết vấn đề túi nilon như thu gom tái chế, thay thế túi nilon bằng các loại bao bì thân thiện mội trường, chế tạo túi nilon dễ phân hủy… Tuy nhiên những sáng kiến này vẫn chưa đạt kết quả như mong đợi bởi khó có loại túi nào có thể cạnh tranh được với túi nilon vừa rẻ vừa tiện.
Một số hệ thống siêu thị lớn như Metro, Big C… tại Việt Nam đã tiên phong đưa vào sử dụng loại túi xách được làm bằng sợi tổng hợp thông thường và có thể sử dụng nhiều lần. Tuy vấp phải không ít khó khăn song đáng mừng là bước đầu một bộ phận người tiêu dùng đã quen dần với loại túi đựng mới.
Mới đây, SCC đã đề xuất giải pháp “thay thế và từng bước tiến tới loại trừ túi nilon ra khỏi đời sống” trong đó bước đầu tiên tập trung tác động vào việc giảm túi nilon trong hoạt động bán lẻ là trung tâm phát ra túi nilon với cách tiếp cận 3W (Win-Win-Win), cung cấp miễn phí cho mỗi hộ gia đình một bộ túi mua hàng đa năng, bền (dùng được trong 1 – 2 năm), gắn mã vạch. Các siêu thị/cửa hàng đăng ký tham gia dự án sẽ quét mã vạch mỗi khi khách hàng mang túi đi mua hàng. Hàng quý hoặc hàng năm, căn cứ vào số tiền tiết kiệm từ việc cắt giảm túi nilon, các siêu thị/cửa hàng sẽ dành 50% để trả cho khách hàng dưới dạng giảm giá, tặng quà hoặc trả bằng hàng. Các túi mua hàng được thiết kế thuận tiện cho việc mua sắm hàng ngày.
5 hệ thống siêu thị chính tại Hà Nội gồm Hapro, Fivimart, Bài Thơ Rosa, Hà Nội Star, Trung tâm thương mại Vân Hồ đã đăng ký tham gia triển khai dự án bắt đầu từ giữa tháng 6/2009.
Thanh Trầm (dan tri)
Bình luận (0)