Một trong những điểm giao dịch của “cò” nhà đất |
Thị trường bất động sản không còn sôi động như trước nhưng cũng tạm đủ thị phần để “cò” nhà đất không thất nghiệp. Thu nhập của “cò” lên đến vài trăm triệu đồng/ tháng cũng có khi cả năm chẳng được đồng nào.
Nghề bán… nước bọt
Trong vai người đi mua đất, tôi tìm đến khu dân cư Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM để thăm dò. Nguyễn Thanh Phương, tay “cò” đất lâu năm ở đây hồ hởi: “Ông yên tâm đi, giá đất tăng nhưng tiền cò không tăng đâu. Tôi chỉ lấy tiền “cò” từ 1-2% thôi còn với những “cò” khác thì ông đừng có mơ, họ lấy từ 2,5-3% mà họ lấy cả bên mua và bên bán nữa”. Tôi đề nghị tìm mua miếng đất lớn nằm sát con hẻm, Phương chỉ tay về phía cánh đồng còn ngút ngàn cỏ xanh: “Đó, ông muốn bao nhiêu cũng có, đó là đất nhà từ lâu, được bán cho người mau mắn như ông thì tôi nỡ lòng nào lấy tiền cò chứ”. Phương báo giá đất 8,5 triệu đồng/m2, lo tất tần tật các loại giấy tờ liên quan. Thế nhưng tìm hiểu qua một vài người dân thì đó không phải là đất của Phương mà Phương chỉ là “cò”. Tôi cũng được biết giá đất ở đây thời “hoàng kim” cũng chỉ khoảng 6,5 triệu đồng/m2.
Chủ đất cũng không biết “cò” là ai và đã “xử” đất của mình như thế nào đó cũng là nguyên nhân khiến nhiều chủ đất đau đầu. Chị Minh Thanh nhà ở quận 11 kể: “Tôi có khoảng 1.000m2 đất ở xã Hiệp Phước huyện Nhà Bè, chưa một lần có ý định bán nhưng “cò” tự ý đưa ra giá để rao bán, khi người giao dịch đồng ý mua (cao hơn giá thị trường) thì “cò” gọi điện báo. Như một quy luật tất yếu, chủ đất không chịu “làm ăn chung” với “cò” thì khó mà bán được ngang với giá thị trường hoặc cao hơn nữa. Nếu không tạo quan hệ tốt với “cò” thì “cò” cố ý phá hôi là chuyện thường ngày ở huyện. Hễ có người đến giao dịch thì chúng mặc sức hét giá trên trời để không ai dám quay lại lần thứ hai.
Cũng có thâm niên trong nghề “buôn nước bọt”, bà Mười ngụ Bình Chánh phải chào thua đám “cò” trẻ làm ăn theo kiểu chụp giựt. Tự xưng mình là người nhà của chủ đất để viết giấy cầm cọc nhưng không biết chủ đất đã bán hay chưa hoặc chưa thỏa thuận giá cả với chủ mà chỉ chú trọng đến “sở hụi” của mình nhiều hay ít. Thậm chí chủ đất không biết mặt “cò” mập, ốm ra sao nhưng chúng hiểu rõ gia cảnh của chủ đất và nắm cả số điện thoại nhà riêng. Theo bà Mười, đó là “điều kiện” cần để đến với nghề.
Coi chừng “cò” dỏm
Cò dỏm chính là những tay thường xuất hiện gạ bán với giá thấp hơn, đất đẹp khi người đi giao dịch đang tiến hành đặt tiền cọc. Tệ hại hơn, cò dỏm còn phán rằng đất ấy còn đang tranh chấp hoặc giấy tờ nhập nhằng… Người mua nghe vậy cũng “dội”, nếu chưa đặt cọc thì cao chạy xa bay còn đã đặt rồi thì chấp nhận mất tiền cọc để nghe theo lời rao bán của chúng.
“Cò” Quang Hùng (quận 9) nhiều năm trước đi lại giao dịch bằng xe hơi và chỉ làm ăn lớn chứ những miếng đất nhỏ lẻ thì chẳng thèm để ý. Theo Hùng: “Đã tốn công sức, tốn nước bọt thì phải ăn cho đáng đồng tiền. “Cò” bán được một miếng đất phải kiếm được vài chục chai (vài chục triệu – PV) chứ năm ba chai thì có đáng gì”. Thế nhưng gần đây, Hùng phải mở miệng xin các anh, các chị cho làm ăn chung để có cơ hội kiếm tiền. Không nói thì ai cũng biết, “cò” phải biết điều, chia nhau ăn mới tồn tại, mới nuôi nghề của mình lâu dài.
“Trời cho thấy chứ không cho ăn”, đó là lời tiếc rẻ của bà Hoàng (huyện Cần Giờ) sau khi bị nhóm “cò” khác cùng huyện “phá hôi”. Khách đồng ý mua nhà thô (có cả đất) với giá 3 tỷ đồng và đồng ý đặt cọc 100 triệu đồng trong khi đó chủ nhà ra giá chỉ 2 tỷ 9. Khi người mua về lấy thêm tiền để đủ đặt cọc theo cam kết thì bà nhận điện thoại không mua nữa. Do trước đây, Hải, con trai bà Hoàng đã quá nhiều lần chơi “xỏ” anh em và đây là cơ hội tốt để chúng trả thù. Chiêu thức “cò” thường dùng trả thù là tung tin: nhà đang xây thì có người chết, nhà và đất nằm trên gò mả, đêm lại có nhiều ma…
“Nếu chủ đất chơi không đẹp với các “cò” bên ngoài thì lập tức bị tẩy chay ngay”. Bà Nguyễn Thị Oanh (quận Bình Tân). Bà Oanh hành nghề “cò” đất hơn chục năm rồi, phạm vi hoạt động rất rộng từ huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, quận 6, quận 7 và các tỉnh lân cận như Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh… Hễ thấy một “cò” khác là người địa phương (nơi có đất) xuất hiện thì phải “làm mát mặt” bằng cách hỏi thăm, gửi gắm thậm chí ăn chia khi “trúng đậm”. Bà Oanh giãi bày: “Ăn ít no lâu còn hơn bị “phá”, với lại mình bán đất giá bao nhiêu, bán cho ai thì chúng nắm rõ mồn một, khó mà nuốt được”.
Có không ít “cò” là nạn nhân của chủ đất có những lời hứa suông, đành kìm nén nỗi đau làm không công để chờ cơ hội trả thù. Dù bị chủ đất lừa nhiều cú quá mạng nhưng vì công việc “cò” không hề than vãn hoặc có động thái tiêu cực, chính vì thế chủ đất càng tin tưởng hơn. Lợi dụng sơ hở này, nhiều “cò” cố tình “chơi cho bõ ghét” chủ bằng cách nhận tiền cọc từ nhiều khách hàng cùng một thời điểm nhưng chỉ trên một miếng đất. Khi mọi chuyện vỡ lẽ thì “cò” đã cao chạy xa bay…
Trần Tuy An
Bình luận (0)