Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Lễ hội – thừa hay thiếu?

Tạp Chí Giáo Dục

Từng có thời điểm người xem ti vi cả nước khổ vì những màn trực tiếp truyền hình sân – khấu – hóa – lịch – sử cứ na ná nhau với hàng hàng lớp lớp diễn viên và quần chúng được huy động chật cứng các quảng trường, hẳn nhiên là với rất nhiều tiền đã được chi ra.

Mọi chuyện lắng đi một thời gian. Có lẽ dần dà các nhà quản lý địa phương cũng nhận ra rằng tự giới thiệu kiểu ấy, tiêu tiền kiểu ấy chẳng khác nào vãi thóc trên đá, chẳng thu hoạch được chút “hoa lợi” nào.

Giờ lại đang rộ lên hoạt động lễ hội ở đủ các cấp độ khác nhau, từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng lên trung du, ra duyên hải… Có vẻ như, bên cạnh việc đánh thức những giá trị lịch sử – tinh thần để con cháu đời sau không lãng quên cội nguồn văn hóa, lễ hội còn là một khát vọng đổi đời qua dịch vụ du lịch. Một số kết quả khả quan thấy được ở vài địa phương đã kích thích những địa phương khác tổ chức lễ hội, liên tục phát triển cả về số lượng và tầm vóc.

Cái được lớn nhất từ “phong trào” này là, người dân được có thêm thông tin, kiến thức về lịch sử – văn hóa của nhiều vùng đất mà trước đó, họ hầu như không biết hoặc chẳng buồn để ý. Du khách quả thật cũng có nơi để mà tìm tới, khám phá, cho dù sau đó có thể thất vọng đôi chút. Và ngành du lịch quả thật cũng khấp khởi mừng, thấy rằng mọi thứ hình như không phải luôn luôn vượt quá tầm tay.

Thế nhưng, lễ hội là một hoạt động văn hóa – kinh tế, nên không thể cứ được đến đâu hay đến đó. Bước đầu tiên có thể còn dò dẫm, nhưng những bước tiếp theo thì không thể cứ “nghiệp dư” mãi được. Không thể lại tiếp tục cứ vãi thóc trên đá.

Mỗi địa phương đều có những câu chuyện riêng, sản vật riêng, tâm tình riêng. Biết cách khai thác thì sẽ không ai trùng ai, và “món hàng” mang ra bán cho khách mới là hàng độc, mới không đụng hàng. Còn nếu các địa phương cứ lặp lại nhau, nơi này lễ hội trái cây thì nơi khác cũng lễ hội trái cây, nơi này hát bả trạo thì nơi khác cũng vẫn hát bả trạo…, nếu đi đâu cũng chỉ có mỗi một “món duy nhất” ấy, thì liệu chúng ta có thể buộc khách hàng phải ăn mãi mà không thấy ngán?

Trên thực tế, hình như đang có một sự ganh đua, cố sao cho bằng chị bằng em, kẻo không theo kịp với “phong trào” lễ hội đang rầm rộ. Nhưng, văn hóa đúng nghĩa thì phải có gốc, có nền, phải có được nét riêng. Lễ hội văn hóa mà lại sao chép thì khó lòng trở thành sản phẩm đắt hàng.

Những nhà tổ chức lễ hội ngoài việc trang bị kỹ năng chuyên nghiệp cho mình, còn cần cộng thêm óc sáng tạo, đủ để tạo được nét độc đáo cho địa phương mình, để đồng tiền bỏ ra không bị sử dụng phí phạm.

Camera (Theo TNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)