Chăm lo từng bữa cơm cho bệnh nhân |
Rời Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (TP. Biên Hòa, Đồng Nai) ra về, tôi chẳng sao quên được cái vẫy tay chào tạm biệt và ánh mắt nhìn tha thiết như đuổi theo của những bệnh nhân. Vẳng ngay sau lưng là câu nói với theo của ai đó: “Cho chú cùng về quận 8 với, về để… trồng lúa”!
Bệnh nhân khác cũng tươi cười: “Tôi cũng khỏe đây, sắp được về nhà rồi. Về vào… mùa mưa”.
Trẻ con nhiều… tuổi
Hầu như bệnh nhân nào cũng mong ngóng cái thời khắc “mùa mưa” đánh dấu hạnh phúc trọng đại của ngày trở về. Mong như trẻ con mong tết! Nhưng cái niềm tin ngỡ rất chắc chắn ấy có khi vẫn thật… vô định. Bởi đã bao mùa mưa trôi qua, họ vẫn cùng “đồng đội” trụ lại nơi này. Chỉ có niềm trông đợi là cứ ngày một thêm da diết…
Hơn 1.200 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, có người vừa mới “nhập cư” nhưng cũng có người thâm niên quá trở thành lão làng. Người còn họ hàng gia đình thân thích nhưng cũng lắm bệnh nhân chẳng còn “gia sản” tinh thần nào – không thân nhân, không địa chỉ liên lạc, thậm chí không một dấu tích tên tuổi. Ba Lạc chẳng hạn, cả cái bệnh viện này ai cũng yêu mến người đàn ông “có tuổi” này với dáng người nhỏ nhắn, hiền lành và mộc mạc. Cái tên Ba Lạc cũng do mọi người ưu ái đặt, gắn với câu chuyện về một người đàn ông hơn 30 năm trước đi lạc rồi được người ta thương tình đưa về bệnh viện này. Hỏi thêm về Ba Lạc, chẳng ai biết gì hơn. Ngay cả chính bản thân mình, Ba Lạc cũng không có được sự hình dung rõ nét. Chỉ cười e dè và cho biết mình… 21 tuổi, Ba Lạc ngay sau đó chạy ra sân ngồi nhâm nhi ổ bánh mì hệt như một… đứa trẻ. “Đứa trẻ” lắm tuổi ấy vẫn lặng thầm và rất đỗi cam chịu với khoảng sân bệnh viện mỗi ngày ra vào. Bởi giả dụ có một lần nào đó giữa cuộc đời, trong Ba Lạc trỗi dậy niềm khát khao trở về, tìm kiếm hơi ấm gia đình hay quê hương từng chôn nhau cắt rốn thì hẳn chính ông cũng chẳng thể xác định được đâu là nơi mình có thể đến. Ký ức ngày hôm qua của người đàn ông dẫu vui sướng hay đau buồn, nó cũng giống như vết chân trên cát đã bị sóng biển xóa mất từ lâu lắm rồi!
Cùng nhập viện với Ba Lạc thời trước năm 1975 là những cái tên quen thuộc: Lý Chí Thanh, Bùi Thanh Yên… Khác với Ba Lạc, ông Thanh có thể đọc ro ro địa chỉ nhà trước kia từng sống và liên tục giải thích rằng “tôi không phải mồ côi mà từng có vợ, con nhưng vợ bán nhà theo người khác rồi”… và có lẽ, niềm mơ ước quay về quê nhà để trở lại cuộc sống ngày xưa với ông vẫn quá đỗi xa vời. Bác sĩ Hoàng Thị Phượng (Phó khoa Bệnh xã hội nam) cho biết, nhiều bệnh nhân hầu như đã “tắt” liên lạc với gia đình, người thân; có lẽ một phần vì chính gia đình cũng đã quá mệt mỏi với họ mà “chuyển giao” hẳn trách nhiệm chăm sóc cho bệnh viện. Chính bệnh nhân, khao khát nhiều quá để rồi khi lối về cứ ngày một “dường như nhỏ lại” thì họ dần thôi “mơ về nơi xa lắm”… Không ít bệnh nhân vì thế đã nằm lại mãi mãi với mảnh đất này, nằm lại mãi trong nỗi nhớ vô vàn của những người đang sống.
Những bệnh nhân trẻ và mới “nhập cư” thì vẫn cứ sôi nổi về thế giới mà họ từng sống. Anh Thắng đọc thuộc lòng không nhầm một chữ những bài thơ từng học thời cấp 2, cấp 3 và dưới một cơn mưa bất chợt, anh còn làm thơ đọc cho anh em nghe nữa. Anh Lê Văn Hượt trước kia từng là giáo viên dạy toán, sáng nào cũng bỏ hơn một tiếng đồng hồ để đọc sách báo. Trò chuyện với chúng tôi, anh nhắc hoài tên những cuốn sách toán hay mà anh thường xuyên đọc. Anh còn giúi vào tay tôi tờ giấy ghi đề hai bài toán bảo rằng mang về cho các em học sinh giải cho biết. Anh Tuấn hay thương vợ nhớ con nhưng lại thường leo lên cây… ngủ. Lại cũng có những người đàn ông trung niên khác ngồi đốt thuốc lá trầm ngâm suốt buổi chiều hoặc lặng thầm khóc. Chắc lòng họ cũng đang có thứ lửa đang “cháy” theo nỗi nhớ nhà, cảm giác lạc lõng?… Mỗi bệnh nhân đã mang rất nhiều sắc màu cuộc sống vào không gian nhỏ bé của bệnh viện này, thật và gần đến nỗi có lúc chính tôi cũng đã ngờ ngợ không thể nhận ra sự khác biệt giữa thế giới người điên dưới đôi mắt mình và cuộc đời rộng bên ngoài kia. Một phút nào đó, tôi lắng lòng trở lại, thấy tiếc nuối dâng tràn vì nhận ra những phận người ấy dù thế nào cũng khó tìm được dấu chân mình ở cuộc sống thực tại. Dường như, họ đang phải sống… trên mây!
Bữa cơm đạm bạc của những người sống… trên mây cũng dễ khiến người ta chạnh lòng. Người ăn được muỗng, có người lại dùng tay. Nhìn những vốc cơm rơi vãi dưới đôi tay run run của những bệnh nhân đang bị yếu sức, mấy ai không khỏi nghẹn ngào. Có người ăn chỉ không đầy nửa bát, nhưng cũng có người đầu đã bạc hai thứ tóc vẫn hay… dỗi hờn: “Về nhà ăn cơm vợ nấu ngon hơn, không ăn cơm ở đây đâu!”. Tôi chẳng biết khi nào họ được toại nguyện… mà chỉ thấy cuộc đời này sao quá nhiều nghiệt ngã.
“Những thiên thần áo trắng”
Từ lâu lắm rồi, Ba Lạc đã không còn nhớ gì về gốc tích của mình |
Đội ngũ y bác sĩ chăm sóc bệnh nhân tâm thần có phần đặc biệt. Ban đầu ít ai mặn mà và hiếm người được gia đình ủng hộ để làm việc tại đây. Nhưng phần đông khi họ đã làm thì lại rất gắn bó. Bác sĩ Hoàng Thị Phượng đã có thâm niên gần 20 năm chăm sóc bệnh nhân nơi này. Ngày mới vào làm, cô sinh viên vừa ra trường khi ấy cũng đã từng sợ hết hồn khi bị bệnh nhân hất nguyên bàn dụng cụ khám bệnh vào người. Bác sĩ Đoàn Tố Lan những ngày đầu vào viện cũng từng bị bệnh nhân cầm đồ đập vào đầu đến chảy máu. Tại đây, chuyện bệnh nhân rượt đuổi bác sĩ không còn là chuyện lạ. Sợ nhưng không vội nản lòng, các y bác sĩ cố gắng bình tâm, tìm cách gần gũi với bệnh nhân và thích ứng với môi trường làm việc. Dần dần, tình cảm, sự chăm sóc ân cần chu tất của các y bác sĩ đã cảm hóa bệnh nhân. Sau này, lực lượng y bác sĩ, nhân viên đã tăng lên đáng kể. Riêng tại Khoa H4, nơi tập trung nhiều bệnh nhân mắc bệnh xã hội hiện đã có khoảng 40 nhân viên, 6 bác sĩ và 18 điều dưỡng.
Y tá, hộ lý nữ chăm sóc cho bệnh nhân tâm thần là nam lại càng có nhiều điều đặc biệt, đôi khi bất tiện. Có khi họ phải tắm rửa, bôi xức thuốc cho bệnh nhân; thậm chí còn bị bệnh nhân nam trêu ghẹo. Mới đây, cô Nguyễn Thị Hoa (Đồng Nai) trong lúc làm việc đã bị bệnh nhân bẻ tay giật chìa khóa khiến cô đau quá ngã nhào xuống thềm. Hồi chân ướt chân ráo vào làm hộ lý tại đây, cô Hoa mới chỉ 23 tuổi. Vậy mà giờ, “tuổi nghề” của cô đã lớn hơn cả tuổi đời của một số nhân viên trẻ mới vào. 27 năm buồn vui cùng những người bệnh đủ để gắn bó “sau này về hưu, chắc sẽ nhớ nơi này lắm” (cô Hoa tâm sự). Đào Thu Huyền, một trong những y tá trẻ nhất chỉ sinh năm 1988. Tuổi đời trẻ, nhưng khi tiếp xúc với những nam bệnh nhân, trong đó có những người đáng tuổi chú bác mình, cô y tá trẻ này vẫn giữ được sự ân cần nhưng lại nghiêm nghị một cách đáng nể. Huyền chia sẻ, có bệnh nhân thấy mình “non” quá nên hay trêu ghẹo, nói không nghe; phải làm mặt lạnh một chút mới “phục” được họ. Công tác ở bệnh viện này hơn một năm rồi, những lo lắng, bỡ ngỡ ban đầu cũng đã dần qua, Huyền dự định sẽ gắn bó với nơi này lâu dài hơn.
* * *
Giờ, đôi khi nhớ lại, tôi cứ ôm bụng cười mà lòng nhói đau trước những câu nói vô thức đến hồn nhiên của bệnh nhân. Cả cái vẫy tay và ánh mắt tha thiết ở phía sau lưng nữa, chẳng thể nào quên được…
Bài, ảnh: Mê Tâm
Bình luận (0)