Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nghệ An: 30 tượng người, cổ vật “náu” dưới gốc đa

Tạp Chí Giáo Dục

Trong lúc đào cây đa trước nhà để bán, ông Bùi Văn Hải, ở bản Cửa Rào 1 (huyện Tương Dương, Nghệ An) đã phát hiện 30 tượng người cổ.

Số cổ vật nói trên nằm ngay dưới gốc đa của gia đình ông Hải ở độ sâu 2m, với 30 bức tượng người bằng kim loại, một số dụng cụ sinh hoạt bằng đồng, bằng đá, trâm cài tóc, mũi tên… Số cổ vật này được mọi người xem là của quý mà gia đình ông Hải được trời phú.
Hay tin phát hiện cổ vật quý, UBND huyện Tương Dương đã cho kiểm tra, nhưng vẫn chưa thể xác định được hiện vật có niên đại bao nhiêu, giá trị thế nào. Số cổ vật hiện đã được ông Hải chôn trở lại dưới gốc cây đa. 

 Một số hình người và các vật dụng khác như trâm cài tóc… được ông Hải phát hiện dưới gốc đa

Cũng liên quan đến cổ vật, vào trung tuần tháng 8/2008, một người dân ở bản Pà Ang, Cửa Rào 1 (huyện Tương Dương) trong lúc đi vào hang đá Pà Ang đã phát hiện nhiều tượng đồng và một số tấm vải vẽ hình bản đồ, cùng những hình vẽ tựa như hình con rồng, người dân đang sinh hoạt, muông thú…
Trên tấm bản đồ bằng vải cũ này còn có chữ viết rất rõ đường nét, nhưng đến nay chưa xác định được chữ đó là của tộc người nào.
Theo một số cán bộ huyện Tương Dương, đây có thể là những cổ vật quý. Hiện cơ quan chức năng huyện Tương Dương đang đề nghị các ngành liên quan xác định xem số cổ vật nói trên thuộc niên đại nào.
Tấm bản đồ với nhiều hình nét, hoa văn, chữ… vẫn đang được lưu giữ tại huyện Tương Dương
Được biết, khu vực Cửa Rào 1 đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa gắn liền với di chỉ khảo cổ học Đồi Đền. Đền Cửa Rào được khởi dựng vào thời Vua Trần Anh Tông, là nơi thờ vị Đốc tướng đời Trần là Đoàn Nhữ Hài, người có công lớn trong cuộc chiến đấu dẹp giặc Ai Lao bảo vệ bờ cõi, đã hi sinh tại vùng đất này.
Tại khu vực này còn có đền thờ Tam toà Thánh Mẫu, trong tín ngưỡng dân gian là những người có công lớn trong việc hộ quốc trị dân, đem lại thái bình, ấm no cho đồng bào các dân tộc nơi đây. Nơi đây cũng ghi dấu cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm và xây dựng nền thái bình, thịnh trị của vương triều nhà Trần.
Vào những năm 90 của thế kỷ trước, các nhà khảo cổ học đã tổ chức khai quật di chỉ Đồi Đền và phát hiện khá nhiều đồ vật bằng đá, đồng, đặc biệt có rất nhiều xương người hoá thạch cùng các loại binh khí.
Nguyễn Duy (dantri)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)