Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Phim “Nhìn ra biển cả”: Khó nhất là… chọn diễn viên

Tạp Chí Giáo Dục

Cảnh trong phim "Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông" – phim về đề tài Bác Hồ do Hãng phim Hội Nhà văn VN và Hãng phim Châu Giang hợp tác sản xuất – Ảnh: Hãng phim Hội Nhà văn VN cung cấp

Dự án phim nhựa lịch sử của Hãng phim Hội Điện ảnh VN do Nhà nước đặt hàng, để kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đang chạy đua cho kịp tiến độ.

Kế hoạch tuyển diễn viên cho phim Nhìn ra biển cả (kịch bản Nguyễn Thị Hồng Ngát, đạo diễn Vũ Châu, Hãng phim truyện Hội Điện ảnh VN sản xuất) – bộ phim được Nhà nước đặt hàng về đề tài Bác Hồ, vừa kết thúc hôm 13.9. Dù đã có hơn 300 gương mặt cả trong Nam lẫn ngoài Bắc tham gia ứng tuyển, đoàn làm phim vẫn chưa “gút” được diễn viên chính.

Với vai Nguyễn Tất Thành, yêu cầu của phim là phải chọn được diễn viên nam có vóc dáng cao, gầy, mắt sáng, gương mặt hơi xương. Thế nhưng hiện tại, ứng viên có vóc dáng cao ráo thì gương mặt không phù hợp, hoặc diễn không có chiều sâu, và ngược lại.

Chưa hết, ngay cả trong trường hợp “gút” được diễn viên thì cũng không phải đã có thể “quẳng gánh lo” đi. Để tránh sự cố “đứt gánh giữa đường” với diễn viên (như đã từng xảy ra với đoàn làm phim Trần Thủ Độ), hợp đồng giữa diễn viên với đoàn làm phim Nhìn ra biển cả có thể sẽ có điều khoản quy định về đền bù toàn bộ thiệt hại kinh tế. “Nhưng giả dụ họ đền (tiền) rồi thì mình cũng khó làm lại được phim cho kịp tiến độ vì không thể đòi lại thời gian đã mất. Do đó, nếu quyết định chọn diễn viên thì phải cam kết đi với nhau trên một con thuyền cho đến khi tới bến thì thôi”, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát nói.

Ảnh: Đình Toán

“Chấp nhận có một cơ hội làm phim, chúng tôi bị sức ép về tiến độ, về dư luận khi sử dụng tiền nhà nước, vì đến tháng 4.2010 phải xong phim để nộp” – Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát

Chọn diễn viên khó đã đành, chọn bối cảnh, phục trang cho phim lịch sử cũng là một bài toán hóc búa. Bà Ngát cho biết phục trang cho phim Nhìn ra biển cả đang được đặt may. Tuy thời gian chưa xa (hơn 1 thế kỷ) nhưng việc thiết kế trang phục cũng phải dựa trên các nguồn sử liệu xác thực. Dự kiến, cuối tháng 9.2009, đoàn làm phim Nhìn ra biển cả sẽ đến Huế để dựng bối cảnh và tuyển thêm một số diễn viên. Phim kể về thời trẻ của Nguyễn Tất Thành – thời kỳ dạy học trước năm 1911, do vậy cảnh quay chủ yếu sẽ thực hiện ở khu vực miền Trung.

Chỉ có điều, trường Dục Thanh – nơi chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành từng dạy học, giờ đã là di tích lịch sử, cấm xâm hại. Do đó, đoàn làm phim không thể sử dụng hiện vật và bối cảnh của trường mà phải copy mẫu rồi dựng lại trên một khu đất khác. Còn cổng trường Quốc học Huế nay đã sơn đỏ au, trong khi theo sử liệu thì gần 1 thế kỷ trước, cổng trường có 2 tầng với 1 gác chuông được treo trên tầng 2. Vì vậy, để đảm bảo tính chân thực lịch sử, đoàn làm phim đã kiến nghị UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho phục chế lại cổng trường Quốc học Huế đến khi nào quay xong, sẽ trả lại bối cảnh. “Vì không có phim trường nên chúng tôi phải tranh thủ làm ngày làm đêm, sợ trời mưa thì hỏng hết bối cảnh”, bà Ngát cho biết.

Dự án phim Nhìn ra biển cả được Nhà nước quyết định hỗ trợ sản xuất từ tháng 4.2009, nhưng đến tháng 9.2009, mới giải quyết xong khâu thủ tục hành chính. Vậy là đến giờ, Nhìn ra biển cả chỉ còn 7 tháng để hoàn tất các công đoạn quan trọng: từ “gút” diễn viên đến quay, dựng, biên tập…

Y Nguyên (TheoTNO)

Bình luận (0)