Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Mỹ thuật ứng dụng: Không lép vế

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ nhãn rượu Viogin, hộp quạt xuân hương hoa đậu bạc, bộ logo Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam, poster quảng cáo Fillet cá ba sa xuất khẩu… là những tác phẩm đoạt giải chiếm vị trí trang trọng trong triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc từ.

Tác phẩm trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc. Ảnh: NMH

Triển lãm diễn ra từ 1 đến 7-12 tại Trung tâm triển lãm nghệ thuật Việt Nam.

Đẹp nhưng phải hữu dụng

Gần 400 tác phẩm tham gia triển lãm, có 32 giải được trao, gồm giải thiết kế sáng tạo dành cho nghệ sĩ và sản phẩm có tay nghề cao dành cho nghệ nhân. Các sản phẩm thuộc nhiều lĩnh vực như thiết kế đồ họa, thời trang, tạo dáng công nghiệp, mây tre đan, sơn mài, gốm, chạm khắc bạc, đồng… Nhiều nghệ nhân đến từ các làng nghề nổi tiếng: Gốm Bát Tràng, Phù Lãng, Thổ Hà, Hương Canh.

Xét hai tiêu chí để chấm giải là tính nghệ thuật và tính ứng dụng, ông Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, những tác phẩm đoạt giải cao rất xứng đáng, dù vẫn có không ít sản phẩm dự thi chú trọng 60-70% vào nghệ thuật, còn công năng sử dụng thì vừa phải.

Tác giả Ngô Anh Cơ, giảng viên Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, người giành giải nhất nhờ Bộ nhãn rượu Viogin thực hiện từ năm 2007 theo đặt hàng của cơ quan, phát biểu, một tác phẩm chỉ đẹp không thì chưa đủ. “Tính ứng dụng trong các sản phẩm của Việt Nam bắt đầu được chú trọng, tuy nhiên khi áp dụng thì chưa triệt để”.

So sánh với lần đầu triển lãm cách đây năm năm, ông Trần Khánh Chương nhận xét: “Mỹ thuật ứng dụng đã chứng tỏ sự phát triển không ngừng cả về số lượng lẫn chất lượng, bắt kịp thời đại khiến người xem bất ngờ”.

Cần ra ở riêng?

Trong 32 tác giả đoạt giải lần này, chỉ 1/4 thuộc về hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, số đông lại nằm ngoài hội. Một vấn đề đặt ra, nên hay không nên lập một ngôi nhà riêng cho các nghệ sĩ ngành ứng dụng.

Không ít người cho rằng hiện có độ vênh về tiêu chí đánh giá khi mỹ thuật ứng dụng chung nhà với Hội Mỹ thuật. Bởi một bên đòi hỏi tính tư tưởng, nghệ thuật cao, còn một bên đòi hỏi nghệ thuật và tính ứng dụng.

“Nên thành lập một hội khác vì trong mỹ thuật ứng dụng có cả nghệ sĩ và nghệ nhân- trình độ học vấn, tay nghề, sự sáng tạo… rất khác nhau, lại rải rác ở hàng vạn xí nghiệp, làng nghề, địa phương”, Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN nhận xét.

Ông cho rằng, việc tập hợp và tổ chức mô hình không dễ, bởi: “Nghệ sĩ sáng tác tranh, tượng chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn và sáng tác ở nhà hay chỗ nào cũng được. Trong khi đó, người làm mỹ thuật ứng dụng phải gắn liền với các đơn vị sản xuất, làng nghề”.

Cùng quan điểm này, họa sĩ Huỳnh Văn Mười, TPHCM cho biết: “Lực lượng mỹ thuật ứng dụng hiện gấp đôi lĩnh vực tạo hình. Vì vậy nên có hội riêng dành cho họ và tách ra”.

Tuy nhiên, họa sĩ Ngô Anh Cơ tỏ ra băn khoăn: “Đến một lúc nào đó, mỹ thuật ứng dụng thực sự phát triển thì nhu cầu tìm đến nhau giữa các nghệ sĩ, nghệ nhân sẽ phát sinh. Trong lĩnh vực thiết kế công nghiệp này, không phải ai cũng có thể định hướng cho nhau, mà tự thân mỗi người phải tìm cho mình một hướng đi. Sự định hướng đôi khi lại triệt tiêu sáng tạo, trong khi mỹ thuật ứng dụng phụ thuộc nhiều vào người tiêu dùng và sự phát triển của xã hội”, ông Cơ nói.

Lan Chi (Theo TPO)

Bình luận (0)