Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Văn học nghệ thuật chưa áp sát hiện thực xã hội

Tạp Chí Giáo Dục

Sau hai ngày diễn ra, hội thảo khoa học toàn quốc chủ đề “Văn học, nghệ thuật (VHNT) phản ánh hiện thực đất nước hôm nay” do Hội đồng lý luận, phê bình VHNT trung ương tổ chức đã kết thúc chiều 13-7 tại TP Đà Lạt.

Ủy viên Bộ Chính Trị Tô Huy Rứa phát biểu chỉ đạo tại hội thảo – Ảnh: N.H.T.

Hội thảo diễn ra sau bảy tháng chuẩn bị, quy tụ gần 200 nhà nghiên cứu, phê bình, lý luận trong cả nước.

Gần 20/57 tham luận đã được trình bày trước hội thảo.

Các tham luận đã nhìn thẳng vào bức tranh VHNT nước nhà hiện nay, với những tác động, thành tựu và hạn chế, sáng và tối, những thuận lợi và khó khăn đối với cả nền VHNT…

Cụ thể VN khi ra khỏi chiến tranh, cả nước giáp mặt với nền kinh tế tập trung bao cấp, rồi lại sang nền kinh tế thị trường… tất cả đã làm xã hội chuyển đổi và biến đổi mãnh liệt, dồn dập, khẩn trương từ đời sống đến nhân tâm. 

Các tham luận đã cho đó là hiện thực xã hội và cũng là chất liệu của sáng tạo VHNT.

Tuy nhiên, một số nhà khoa học cho rằng đến nay nền VHNT nước nhà vẫn tụt hậu so với kinh tế, chưa áp sát thực tế xã hội, không phản chiếu được bức tranh nhiều màu của đời sống, những buồn vui của con người trong xã hội; không có được những tác phẩm đỉnh cao, xứng tầm thời đại, mà nguyên nhân do giới hạn của nỗ lực, tài năng ở văn nghệ sĩ nước nhà lẫn môi trường sáng tạo.

GS Phong Lê (Hà Nội) nhận định: “Con người hiện thực hôm nay có diện mạo và số phận thế nào vẫn còn là thách đố sáng tạo đối với nền văn học VN".

Một trong số các nhà khoa học khác là PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn (Viện Văn học, Hà Nội) cho rằng: “Chỉ khi nào cái nhìn hiện thực được tôn trọng, ngòi bút nhà văn có được tính khách quan trong sáng tạo thì khi đó mới có thể nảy sinh những tác phẩm lớn, tạo được mối quan tâm của dư luận và có sức sống bền lâu”.

GS.TS Phùng Hữu Phú, phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương,chủ tịch hội đồng lý luận, phê bình VHNT T.Ư, trưởng ban chỉ đạo hội thảo, đánh giá là kết quả hội thảo đã vỡ ra và gợi mở một loạt vấn đề rất có giá trị để giúp việc hoạch định, kích hoạt phát triển nền VHNT nước nhà.

Ông Phú nói mối quan hệ giữa hiện thực đời sống xã hội với VHNT là mối quan hệ gốc, nguồn cảm hứng “mẹ”, nếu thoát ra thì không còn gì để nói.

Do đó, những kiến nghị của các nhà khoa học, nhà phê bình và văn nghệ sĩ như: tầm vĩ mô cần đổi mới mạnh mẽ hơn về VHNT, tạo cảm hứng, cơ hội tiếp cận, tôn trọng sáng tạo, bồi dưỡng tài năng, tạo môi trường cho văn nghệ sĩ cống hiến… là những kiến nghị có trách nhiệm, phải suy nghĩ và cần tiếp tục làm chuyển biến để xây dựng một nền VHNT dân tộc lớn mạnh, mang dấu ấn thời đại.

N.H.T (Theo TTO)

Bình luận (0)