Công viên Lam Sơn, quận 1 thu hút khá đông người đến đọc và đổi báo |
Để thỏa “cơn ghiền” báo, “con nghiện” chỉ bỏ ra khoảng 3.000 đồng để mua một tờ báo mà có thể đọc được nhiều tờ… thông qua “dịch vụ” đổi báo. Không tin thì theo chúng tôi đến các quán cà phê vỉa hè tại TP.HCM sẽ tìm thấy “dịch vụ” này.
Trong thời đại công nghệ thông tin, người ta có thể đọc báo trên mạng mọi lúc mọi nơi. Ra đường có thể xem báo trên điện thoại di động, đến cơ quan có thể đọc báo online miễn phí… Tuy nhiên, cái thú vừa nhâm nhi ly cà phê vừa đọc báo giấy vẫn được nhiều người ưa chuộng.
Có ai đổi báo không?
Tôi đang ngồi nhâm nhi ly cà phê ở quán vỉa hè trên đường Trương Định, quận 1. Một phụ nữ ôm chồng báo bước đến gần, chỉ tay vào tờ báo trên bàn, hỏi: “Cháu có đổi báo không?”. Tôi giả vờ ngẩn tò te, người phụ nữ nở nụ cười đôn hậu, tiếp: “Cháu đọc tờ này xong chưa, nếu xong rồi cháu gửi lại cô, cô sẽ đổi một tờ khác theo sở thích của cháu”. Vậy có trả thêm tiền không? Tôi hỏi. “Những tờ báo có giá bằng nhau thì cháu không phải bù, còn những tờ có giá cao hơn thì chỉ cần bù vào khoản chênh lệch thôi”. Người phụ nữ trả lời. Tôi đồng ý đổi tờ Tuổi Trẻ để lấy tờ Thanh Niên mà không phải bỏ thêm đồng nào. Như thường lệ, chờ người đến để đổi báo, bàn bên cạnh tôi mọi người để sẵn báo và tiền lẻ để bù khi đổi. Theo “lịch trình”, người phụ nữ chỉ ghé vào quán cà phê này 5 phút rồi phải sang quán khác. Người bán báo phân trần: “Họ chờ mình để đổi báo, nếu đến trễ sẽ mất khách hết”.
Theo tìm hiểu, “dịch vụ tận răng” này xuất hiện đã khá lâu nhưng mới rộ lên trong thời gian gần đây. Có nhiều lý do để ra đời “dịch vụ” này. Trước hết, người bán báo đã bán hết tờ này nhưng số lượng tờ báo khác còn nhiều. Họ đổi như vậy là để tiêu thụ báo nhanh. Hơn nữa, tờ báo đổi từ khách, người bán vẫn có thể bán được. “Tiền lãi từ đổi báo không nhiều nhưng lợi cả đôi đường. Người bán báo bán được nhiều tờ còn người đọc có thêm nhiều thông tin”. Người phụ nữ lúc nãy nói.
Nếu khách không có nhu cầu đổi báo thì chính những người bán lại đổi cho nhau. Các quán cà phê vỉa hè gần Nhà hát Thành phố có khoảng hơn chục người bán báo dạo. Sở dĩ người bán thì đông mà người mua ngày càng ít đi mà họ vẫn sống được đó là nhờ “dịch vụ” đổi báo. Chị Thu Hạnh, chủ quán cà phê gần đó nói: “Họ nghĩ ra cách tiêu thụ báo như vậy là hay lắm. Nhờ vậy mà khách mua “mối” ngày một đông. Nếu họ chỉ tập trung đến đây để bán báo, chào mời sẽ gây phiền toái ở khách. Còn có “dịch vụ” này, khách biết và rỉ tai đến uống cà phê, đọc báo rồi bàn chuyện thế sự”.
Sống nhờ “dịch vụ” đổi báo
Chị Võ Thị Bé (quê Đức Phổ, Quảng Ngãi) có thâm niên hơn 20 năm bán báo dạo ở khu vực trung tâm thành phố cho biết: “Ngoài những người khách mua báo hàng ngày, tôi có hơn 20 mối đổi báo. Có khi mình đổi nhưng khách quen rộng lượng vẫn trả tiền tờ báo ấy, coi như mình bán thêm một tờ mà không phải trả tiền vốn”.
Cứ 5 giờ sáng, chị Bé đã có mặt tại nơi bán. Khách của chị đủ mọi thành phần, sớm là khách vừa ra ca ở các nhà hàng, khách sạn, trễ chút nữa là công chức nhà nước hay bác xích lô, xe ôm… Đang trò chuyện với chúng tôi, nghe có tiếng gọi cộc lốc: “Ê, báo” từ bên kia đường, chị Bé bỏ chồng báo xuống ghế, cầm tờ báo Công An len lỏi qua dòng người và xe chật như nêm để đổi báo cho bác xe ôm. Chị Bé thuộc nằm lòng sở thích và thói quen của khách nên chỉ cần khách ra hiệu là chị biết khách cần đổi báo gì. Chị Bé tâm sự: “Bán báo mà không đổi thì biết bán cho ai bây giờ. Khách đọc báo giấy ngày một ít đi, nhờ vậy mà tụi này làm ăn được”.
Dù người đọc mua báo ở đâu đều có thể đổi được ở người bán báo dạo bất kỳ. Tuy nhiên người bán chỉ đổi cho khách những tờ báo dễ bán trên thị trường. Địa bàn bán báo của anh Nguyễn Văn Chính ở Công viên Tao Đàn. Khách hàng của anh đa phần là người đến tập thể dục mỗi sáng. Có khi anh bán cho khách cả tuần mới lấy tiền một lần mà không sợ khách “xù”. “Hơn chục năm rồi, tôi chưa bao giờ bị người khách nào “quỵt” 500 đồng. Có người nợ cả tháng tiền báo và tiền bù khi đổi nhưng mình không sợ mất. Họ cho mình không hết, có khi trả gấp đôi số nợ…”, anh Chính nói về những người khách của mình.
Sạp báo Khánh Phương trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1 là nơi người bán dạo đến lấy báo với giá gốc (giá của tòa soạn quy định). Anh Dũng, chủ sạp báo này cho hay: “Từ lúc họ nghĩ ra cách đổi báo thì số báo người bán mang về trả ít đi, thậm chí không có. Không chỉ người đọc được lợi mà giữa những người bán giúp nhau tiêu thụ báo. Đổi báo còn thể hiện tinh thần đoàn kết, chia sẻ, giúp đỡ nhau, từ người bán dạo đến các đại lý, điểm phát hành báo”.
Bài, ảnh: Trần Tuy An
Chị Bé chia sẻ: “Hình ảnh người bán báo dạo lân la chào mời làm khó chịu trong mắt không ít người. Có khi tôi cuốc bộ cả ngày mà không bán được tờ nào. Gặp người dễ tính thì không nói gì, không may gặp vị khách khó tính, họ quát nạt, tủi thân lắm. Đổi báo cũng là một hình thức mời chào ban đầu, không gây cho khách cảm giác khó chịu. Hôm nay họ không mua mà chỉ đổi thì có thể hôm sau họ mua giúp mình”. |
Bình luận (0)