Tác giả tại trường quay. Ảnh: C.T.V |
Tôi thật sự bất ngờ khi nhận được cú điện thoại từ Đài Truyền hình VTV3 mời tham dự chương trình Ai là triệu phú? Thì ra năm 2009, tôi đoạt giải báo chí lần thứ 27 của Hội Nhà báo TP.HCM nên được chọn vào danh sách dự thi năm nay. Được đồng nghiệp trong cơ quan khích lệ, tôi nhận lời tham gia.
Không lâu sau, Ban tổ chức gửi cho tôi bản đăng ký dự thi. Tôi bị khựng trước phần đăng ký danh sách 5 người trợ giúp. Biết chọn ai bây giờ khi Ban tổ chức chỉ cho kết nối với điện thoại bàn. Chọn được người giỏi về lĩnh vực văn hóa thể thao lại không rành về lịch sử, địa lý hoặc ngược lại. Cuối cùng, tôi cũng lấp đầy được danh sách này và yên tâm chuẩn bị kiến thức cho kỳ thi sắp tới. Tôi quyết định bớt chút thời gian làm việc để “dùi mài kinh sử”. “Bảo bối” chính là trò chơi Ai là triệu phú trên mạng với nhiều gói 100 câu hỏi thú vị.
Ra Hà Nội, tôi có dịp ở chung phòng với một số đồng nghiệp các tỉnh tại khách sạn của Đài Truyền hình Việt Nam. Lúc này, ai cũng lo lắng vì không phải cứ ra đây là được ngồi ghế nóng mà phải qua một kỳ sát hạch gắt gao – phần thi sắp xếp các ô chữ theo thứ tự nhanh nhất. 10 thí sinh chỉ có tối đa 3 người được lên ghế nóng vì thời gian phát hình chỉ trong 60 phút.
Ra trước buổi ghi hình 3 ngày, ngoài thời gian dạo phố, tôi tranh thủ vào xem các buổi ghi hình trước đó với mong muốn học hỏi thêm kinh nghiệm thi đấu. Rồi cái ngày hồi hộp nhất cũng đến, cuộc thi mà cánh nhà báo chúng tôi tham dự là buổi ghi hình cuối cùng của tháng 6 nhằm kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6. Khi ngồi vào máy, tôi mới biết mình là thí sinh lớn tuổi nhất. Trước hết, chúng tôi thi thử. Lần thứ nhất, tôi cho ra đáp số nhưng quên bấm Enter nên kết quả chỉ là con số không to tướng. Lần thứ hai, tôi đánh đáp án mất 6 giây, trong lúc người nhanh nhất chỉ tốn hơn 2 giây. Kể ra cũng đúng vì những nhà báo tuổi đời còn quá trẻ, bấm máy vi tính nhanh như gió, còn mình sử dụng 3 ngón theo kiểu mổ cò làm sao địch nổi. Đến phần thi thật, vòng 1, đề thi hỏi tên một bài thơ của Nguyễn Bính, tôi cũng sắp xếp được nhưng vẫn theo tốc độ rùa bò nên một anh đồng nghiệp Báo Nông Thôn Ngày Nay đã nhanh chóng giành quyền lên ghế nóng. Vòng 2, dù đã tích cực tăng tốc, tôi cũng phải nhường ngôi cho một phóng viên nữ Báo Pháp Luật vì khả năng sử dụng bàn phím tuyệt chiêu của đối thủ. Xong phần dự thi của hai người, Ban tổ chức giải lao 30 phút. Lúc này, tôi khá lo lắng vì hy vọng bây giờ quá mỏng manh bởi chỉ còn lại một cơ hội. Áp lực càng đè nặng hơn khi tôi lại là người có số cổ động viên đông nhất (20 người). Quay trở lại cuộc thi, mọi người cổ vũ cho tôi rất nhiệt tình. Có lẽ đó chính là động lực giúp tôi thêm tự tin trong phần thi kế tiếp. Khi MC Lại Văn Sâm công bố tên tôi được lên ghế nóng, phía dưới khán đài rộn ràng tiếng vỗ tay. Chưa bao giờ tôi vui sướng như lúc đó. Lúc giao lưu với tôi, nhà báo Lại Văn Sâm rất hóm hỉnh nên tôi cảm thấy bớt căng thẳng phần nào. Cuộc thi bắt đầu, tôi trả lời được 8 câu hỏi và biết dừng đúng lúc khi đã hết quyền trợ giúp. Tuy số tiền thưởng không lớn nhưng cuộc thi đã cho tôi thêm nhiều niềm vui mới.
Tôi nghĩ cuộc thi nào cũng vậy có thắng, có thua nhưng điều quan trọng là nó rèn cho con người được ý chí chinh phục đỉnh cao trí tuệ, tạo cho mình một bản lĩnh vững vàng và đặc biệt là tinh thần quyết đoán trước mọi tình huống.
Phan Ngọc Quang
Bình luận (0)