Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Cổ tích tuổi 17

Tạp Chí Giáo Dục

Năm 1974, khi chị biết chắc chắn anh đã mãi mãi ra đi ở tuổi 20, trước khi trở lại Liên Xô học tập, chị đã tới gia đình anh Nguyễn Văn Thạc nhận bố mẹ, anh em – cuốn nhật kí bên chị từ đó (do người anh cả của anh Thạc chép làm hai cuốn để chị cầm đi)… Và suốt cuộc đời mình, chị vẫn chẳng thể bỏ được điều gì của anh… Đó là người con gái đã đi vào giấc mơ màu xanh của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc – chị là Phạm Thị Như Anh.
Cổ tích tuổi 17
40 năm trước, có một cuộc gặp gỡ giữa cô con gái “rượu” của luật sư nổi tiếng Phạm Thành Vinh (nguyên Chủ tịch Hội Sinh viên Đông Dương, nguyên Chánh văn phòng Bộ Quốc phòng) với anh học sinh nghèo ở làng Bưởi – Nguyễn Văn Thạc.
Chị Như Anh kể: “Khi đó Thạc học lớp 9, tôi học lớp 8 cùng Trường Yên Hòa B. Thạc là Bí thư Đoàn trường, còn tôi cũng là một trong những học sinh A1 (giỏi toàn diện) của trường. Năm 15, 16 tuổi tôi có viết một số truyện ngắn và được NXB Kim Đồng in. Thạc để ý đến tôi từ khi đó nhưng cũng để ý thế thôi. Trong trường, Thạc nổi tiếng học giỏi văn, khi biết tin anh đoạt giải nhất cuộc thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc năm học 1969-1970, chúng tôi phục lăn… Lần đầu tiên gặp nhau, tôi là học sinh duy nhất của trường đạt danh hiệu học sinh giỏi A1 – hôm đó tôi mang đàn Accooc đi chơi trong buổi lễ nhận phần thưởng. Thế rồi, chẳng hiểu sao đàn bị móp, sợ mẹ mắng nên lúc tôi đang thút thít dưới sân trường thì Thạc xuất hiện. Hình ảnh về tôi trong cách nhìn nhận của Thạc khi ấy là “một cô bé cao lêu nghêu, có hai bím tóc đuôi gà ngắn cũn cỡn”. Hồi đó, dù chỉ học lớp 8, lớp 9 nhưng tôi đã có rất nhiều bạn trai để ý. Bình thường bố tôi sẽ xé ngay bức thư hoặc viết thư trả lời thay tôi vì không cho tôi nhận thư con trai, nhưng lần này ông lại cất bức thư. Đến tháng 12 tôi mới tìm được lá thư, ngày 4-3-1971 tôi viết trả lời anh. Chẳng hiểu số phận run rủi thế nào, ngày nhận được lá thư đầu tiên của tôi, anh “tử trận” luôn… Những cơn gió lạnh se se và những giọt mưa nhớ mong. Một sự nhớ nhung kỳ quặc sau những gì xa xăm, mơ hồ… Thạc ơi, Thạc ở đâu, tôi đắm mình trong những tiếng thầm thì xao động trong từng câu văn của Thạc qua hai bài văn năm ngoái (bài văn anh Thạc đoạt giải nhất miền Bắc). Thạc viết câu ngắn, nhẹ nhàng, thường buông dấu chấm lửng. Thạc ơi, phút giây này tôi mới thấy cần Thạc biết chừng nào, dường như chúng ta đã nói chuyện được với nhau nhiều lắm…”.
Ngay sau đó, anh viết một lá thư rất tình cảm: “Nhận được thư của bạn chiều nay, chao ôi cái nắng chạng vạng của buổi chiều cũng run lên… Mình bồi hồi, xao xuyến như gặp một điều gì từ lâu lắm đã nằm sâu trong kỷ niệm ngọt ngào của tâm hồn mình…”. Rồi anh Thạc viết thư liên tục cho chị. Số thư ấy cũng bằng cuốn nhật ký của anh. Anh ví chị như màu xanh của bầu trời, người ta vừa có thể nhìn thấy được nhưng lại không nắm bắt được. Có bức thư anh Thạc viết: “Như Anh có biết câu thơ này của Bằng Việt không nhỉ: Mùi hương mật lẫn mùi hương cỏ đắng, bay thì thào trong không gian xanh”. Thư của Như Anh chính là không gian xanh ấy… Như Anh đem lại cho Thạc một điều gì thật ngọt ngào như mùi hương cỏ đắng… Ngoài vòng tay ôm ấp của mẹ, Thạc chưa bao giờ được những vòng tay vỗ về, an ủi của một người con gái…”.
Trong hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại đông con (Thạc là con thứ 10 trong số 14 anh em), nhưng anh vẫn học rất giỏi. Chị tự hào được anh yêu và không thấy có khoảng cách nào giữa hai người. Chỉ có anh thấy tự ti và hay buồn bã. Lá thư cuối cùng anh viết cho chị ngày 30-5-1972, nhưng phải chờ đợi đến… 33 năm sau mới đến tay chị, do một người bạn thân tình cờ mượn cuốn sách có kẹp bức thư của anh gửi qua gia đình cho chị… “Thạc đã đến Quảng Trạch, Quảng Bình. Đêm nay qua đường 22 pháo địch thả đỏ cả đất trời mà xe vẫn đi… Thạc đã gặp nhiều bạn cùng lớp đánh trận ở Quảng Trị bị thương đi xe ra Bắc. Chúng nó gào lên, sao vào chậm thế, chỉ còn ống bơ thôi. Vào giải phóng Huế nhé, làm bọn Thạc cứ nao cả người lên, vừa vui vừa buồn… Chỉ nay mai thôi, Thạc sẽ được vào giải phóng thành phố mơ mộng của Như Anh, được tròng AK trước ngực và gõ cửa ngôi nhà chúng ta chưa hề biết nhưng vô cùng thân thuộc…”.
Chẳng thể bỏ điều gì của anh…
Chỉ 5 lần gặp mặt, tổng cộng chưa đầy 20h nhưng mọi hình ảnh về anh trong chị không thể xóa nhòa. Lần gặp nào, anh cũng mặc chiếc áo màu xanh da trời. Anh chỉ có một cái áo “cánh” ấy để diện, mỗi lần đi chơi, anh lại để xuống dưới gối cho phẳng phiu. Sau này, trong những lá thư gửi vào chiến trường, chị có dặn anh giữ lại cái áo đó. Và anh Thạc dặn, lỡ một mai anh ấy không thể trở về, Như Anh sẽ nhận được chiếc áo đó, hãy cắt một mảnh nhỏ để dưới gối… Lá thư nào anh Thạc cũng nói, sau này khi Như Anh có một gia đình nhỏ, trong đó có một chút gì hạnh phúc của anh.
Và, trong cuộc đời người phụ nữ đa đoan ấy, 50 lần chuyển nhà từ Nga, Đức, Anh…, trong những chuyến đi lại vất vả ấy, 3 người chồng lần lượt đi qua, trong vali của chị, những kỉ vật của anh Thạc luôn chiếm 1/2 vali. “Tôi rất thương anh Thạc và chẳng thể bỏ đi bất cứ điều gì của anh”. Dường như những gì chưa kịp thực hiện, anh đều muốn chị làm. Năm 1974, khi biết chắc anh đã hy sinh, chị viết ra 5 điều tự nguyện, trong đó có điều sẽ làm việc của anh. Điều kì lạ, trong số 3 người con, cậu út của chị đẹp trai, giỏi giang hơn cả và có cặp mắt buồn lạ lùng. Cậu vẽ giỏi, văn giỏi và đam mê toán học cơ bản, là môn học anh Thạc đam mê. Trong khi, theo xu thế chung hiện nay, rất ít người trẻ theo học toán cơ bản thay vì toán ứng dụng, đặc biệt ở các nước phương Tây. Và cũng vào đúng dịp tháng 7-2005, khi cuốn nhật kí Mãi mãi tuổi 20 ra mắt công chúng, chàng trai trẻ đã vào ĐH Tổng hợp ngành toán cơ tại Đức…
Trong đôi mắt chị, giữa đám đông, vẫn thấy nỗi buồn miên man dọc thời gian. Và cô bé Như Anh ngày xưa của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc đã xa lâu lắm rồi, nhưng chị tin, khi người chiến sĩ ấy nằm xuống, anh là người hạnh phúc vì tất cả những gì họ dành cho nhau là một tình yêu trắng trong, trọn vẹn và cháy bỏng. Anh đã yêu và biết rằng mình được yêu như thế…
Bài, ảnh: Thiên Lam
Chị đã tới nhiều nơi, đã sinh sống ở những đất nước không có điều gì thuộc về mình, nhưng trong sâu thẳm, chị luôn có anh Thạc ở bên để an ủi, sẻ chia. Đi càng xa, chị càng có nhiều suy nghĩ, thấm thía về cuộc chiến tranh của đất nước mình, trong đó có tuổi trẻ, tình yêu của chị – lứa tuổi mà họ đã sống, đã yêu như thế…


Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)