Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Chàng sinh viên nặng lòng với văn hóa dân tộc

Tạp Chí Giáo Dục

 Mang tranh Đông Hồ từ quê hương Kinh Bắc vào Sài Gòn bán rồi giới thiệu với bạn bè quốc tế; đi tìm trò chơi dân gian cho trẻ em giữa TP.HCM, và mới đây là cho ra đời website: maudantoc.com, Trần Văn Bình, SV năm 3 Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, làm nhiều người không khỏi ngạc nhiên.

Từ niềm đam mê

Trần Văn Bình (trái) giải thích về ý nghĩa các bức tranh Đông Hồ trong cuộc triển lãm tranh năm 2008 – Ảnh: Đình Khánh

Sinh ra ở Bắc Ninh, Trần Văn Bình vốn hiếu động. Cái nôi Kinh Bắc với những làn điệu quan họ ngọt ngào, những bức tranh Đông Hồ độc đáo và tuổi thơ với những trò chơi giân gian đã mang lại cho Bình niềm đam mê đặc biệt với những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Vào Sài Gòn học đại học, Bình thấy buồn khi thấy một thành phố to lớn là thế mà sao khó tìm được loại tranh mà cậu hằng yêu thích. Vậy là với lòng yêu nghệ thuật, yêu văn hóa truyền thống quê hương, Bình quyết định giới thiệu tranh Đông Hồ đến với mọi người.

Tranh Đông Hồ là loại tranh được làm từ giấy dó, loại giấy được làm từ cây dó và được phủ lên một lớp bột làm từ vỏ điệp. Tranh không vẽ mà được in từ những chiếc khuôn có sẵn. Mỗi bức tranh Đông Hồ bình thường được in từ ít nhất 4-5 khuôn, còn những tranh cầu kỳ thì phải qua nhiều công đoạn, nhiều khuôn in hơn.

Màu của tranh được lấy từ những màu sắc có trong tự nhiên nên màu tranh rất sinh động và gần gũi. Màu xanh  lấy từ lá cây, màu đen từ tro lá tre, màu đỏ lấy từ gạch non, từ đất đá trên núi Thiên Thai, màu trắng được lấy từ vỏ điệp… Vì thế ngày trước thi sĩ Hoàng Cầm mới viết: “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”.

Nghĩ là làm, Bình về quê lặn lội đi tìm tranh Đông Hồ. Tuy nhiên, càng ngày người làm tranh Đông Hồ càng ít do không có nhiều người mặn mà lắm với dòng tranh này. Sau một thời gian tìm hiểu trên sách báo và lân la hỏi chuyện các cụ già ở quê, Bình tìm được hai nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam và Nguyễn Đăng Chế là hai trong số rất ít nghệ nhân còn làm tranh Đông Hồ hiện nay ở Bắc Ninh. Được hai nghệ nhân “chỉ giáo”, Bình rất thích vì có thể phân biệt được giá trị của những bức tranh đặc biệt này.

Lần đầu về Bình mua được gần 300 bức tranh mang vào TP.HCM. Ban đầu Bình đưa thông tin lên blog của mình và một số diễn đàn và bắt đầu được một số người ủng hộ ý tưởng đặc biệt của mình. “Một số người liên hệ đặt mua vài bức, một số người chỉ vào bình luận nhưng đó chính là nguồn động viên cổ vũ đầu tiên để mình tiếp tục thực hiện ý tưởng” – Bình chia sẻ.

Thành quả tiếp theo của Bình là được hai chủ quán cà phê Hoa Đá (quận 11) và cà phê Thư Giãn (quận 3) cho phép trưng bày tranh Đông Hồ hồi tháng 6-2008. Bình cũng tìm được một doanh nhân yêu tranh Đông Hồ và hai người đã tiếp tục hiện thực hóa một ý tưởng độc đáo tiếp theo: khắc tranh Đông Hồ trên da rồi bán cho khách hàng dán lên điện thoại, laptop… Những sản phẩm độc đáo này nhanh chóng được khách hàng, nhất là các bạn trẻ, tiếp nhận.

Anh Duy Nhất, chủ quán cà phê Hoa Đá, quê ở Bình Định, là chuyên viên gây mê ở một bệnh viện, rất yêu thích văn hóa truyền thống dân tộc, đặc biệt là tranh Đông Hồ. Anh Nhất nói: “Tôi rất thích tranh Đông Hồ. Trước khi gặp Bình, tôi thường cắt những bức tranh Đông Hồ in sẵn trên các tờ lịch, sách báo để treo. Gặp được Bình, tôi mừng như bắt được vàng và gật đầu đồng ý ngay với ý tưởng trưng bày tranh Đông Hồ ở quán cà phê của mình”.

Một điều đặc biệt là trước đó mọi người và cả Bình đều nghĩ mang tranh Đông Hồ vào TP.HCM chỉ để bán cho những người lớn tuổi, nhưng khi cuộc triển lãm diễn ra thì lượng khách đến xem và mua tranh lại chủ yếu là các bạn trẻ.

Đến mong ước “khác người”

Các bạn học sinh Trường tiểu học Tân Phú (Q.9) chơi trò chơi dân gian do Bình hướng dẫn – Ảnh: Trần Bình

Nhìn nhiều bạn nhỏ thành phố với những hệ lụy vì thiếu sân chơi, nghiện game, Bình lại trăn trở, quyết tâm phải làm được điều gì đó cho các em.

Năm 2006, Bình cùng nhóm bạn thực hiện đề tài nghiên cứu “Tìm hiểu trò chơi dân gian của trẻ em đô thị” và mô hình trò chơi dân gian mà Bình đưa ra đã nhận được sự đồng cảm của nhiều bạn bè trong lớp nhân học (Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM). Bình và nhóm nghiên cứu đã sưu tầm được 32 trò chơi dân gian dành cho trẻ em đô thị, đồng thời lập ra khung chương trình giáo dục toàn diện nhân cách trẻ em bằng văn hóa truyền thống.

Công trình nghiên cứu của nhóm bạn và Bình đoạt giải khuyến khích giải thưởng “Khoa học sinh viên – Euréka” lần thứ 9-2007, được ban giám khảo đánh giá là “đã cung cấp một tư liệu giá trị cho việc nghiên cứu văn hóa dân gian, xây dựng một mô hình trường học thân thiện”.

Đã có lúc tưởng như đuối sức vì những lo toan cuộc sống bộn bề, học hành, nhưng đối với chàng sinh viên Trần Văn Bình thì những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc luôn là một niềm đam mê bất tận. Với mong ước lưu giữ và giới thiệu những giá trị truyền thống văn hóa dân tộc đến bạn bè quốc tế, Bình đang hằng ngày miệt mài với những kế hoạch của mình.

ĐÌNH KHÁNH (TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)