Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Lẽ nào quan họ hết duyên?

Tạp Chí Giáo Dục

Hơn 50 kiều bào tiêu biểu được Chính phủ mời về dự quốc giỗ ngồi chật trong phòng khách của UBND tỉnh Bắc Ninh. “Hôm nay tứ hải giao tình. Tuy rằng bốn bể nhưng sinh một nhà”, sự mở đầu với một câu quan họ cổ của ông chủ tịch UBND tỉnh làm không ít kiều bào xúc động ngấn nước mắt.

Các kiều bào hồ hởi ghi hình nghệ sĩ quan họ trong trang phục… hát chèo tại phòng khách của UBND tỉnh Bắc Ninh (ảnh chụp ngày 3-4-2009) – Ảnh: Hằng Nguyễn

Và rồi đoàn dân ca quan họ Bắc Ninh đi ra sân khấu… Vài kiều bào đứng hẳn dậy, hồ hởi lấy máy ảnh ghi từng khoảnh khắc khi các nữ nghệ sĩ duyên dáng vừa hát Mời nước, mời trầu vừa trao tận tay khách miếng trầu cánh phượng. Với những tấm ảnh đó, lúc về nước nhìn lại mà nhớ mấy ngày ngắn ngủi về nguồn, có thể nhiều bà con sẽ không khỏi băn khoăn.

Dân ca nào… cũng thế!

Không một ai trong số các nghệ sĩ quan họ hôm đó mặc trang phục quan họ (liền chị với áo năm thân, khăn mỏ quạ, bao sồi…), mà mượn toàn bộ phục trang từ sân khấu chèo. Áo năm thân nhuộm nâu non nâu già, có cài khuy đặc trưng của người quan họ được thay bằng áo tứ thân thường được nhắc khi nói về trang phục hội hè của phụ nữ xưa. Chiếc khăn vuông nền nã chít hình mỏ quạ tạo nên những khuôn mặt búp sen đã đi vào văn thơ Kinh Bắc bị bỏ đi và để lại vòng khăn vấn đơn giản. Về cơ bản, nếu không có cái nón ba tầm hôm đó, trông các liền chị chẳng khác gì cô Thị Mầu!

Vấn nạn mặc lẫn lộn trang phục khi hát dân ca không phải chuyện mới, với rất nhiều buổi biểu diễn nghệ thuật cả trên sân khấu chuyên và không chuyên. Nếu với các diễn viên quần chúng, một lý giải hoàn toàn có thể thông cảm được là họ không có sẵn hoặc không tìm được trang phục phù hợp ở các cửa hàng cho thuê quần áo biểu diễn (thường chỉ có áo tứ thân, áo bà ba, quần áo một số dân tộc Thái, Mông, một số phục trang lễ hội khác), cho nên đành mặc váy áo Thái mà hát… Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi. Nhưng với những đoàn dân ca chuyên nghiệp như đoàn nghệ thuật này thì quả là… khó hiểu.

Bảo tồn quan họ như thế nào khi chúng ta muốn quan họ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại? – Ảnh tư liệu

Cứ biểu diễn là phải cải biên?

Giải thích về việc đưa những bài hát mới và các bài quan họ đã sửa đổi để trình diễn theo phong cách mới cho những người xa quê đã lâu nay muốn tìm về bản sắc VN, ông Trần Văn Túy – chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh – cho rằng biểu diễn như thế là “tất nhiên” và người nghe nếu muốn thưởng thức quan họ truyền thống hơn thì phải đi về các làng cổ.

Ông Xuân Mùi – phó đoàn dân ca quan họ Bắc Ninh – lý giải rằng đó là “vấn đề cung – cầu”. Ông Mùi đưa ra nhận xét thông thường khán giả đến chủ yếu để “xem biểu diễn”, còn các khán giả mà ông gọi là “có thứ hạng” chiếm chưa đến 10% và nếu không nhận được yêu cầu đặc biệt, đoàn của ông tự mặc định là sẽ không biểu diễn quan họ theo cách thức truyền thống.

Cũng vì chuyện “cung – cầu” ấy ở ngay chính xứ sở của quan họ nên có lặn lội đến Bắc Ninh, người nghe cũng bị lầm vì tưởng đã được nghe quan họ “đúng chuẩn”, như sự hào hứng của bà Hà Ngọc Lan (50 tuổi, Việt kiều Pháp) tại buổi diễn hôm đó: “Tôi từng được nghe quan họ khá nhiều lần, bởi vì có rất nhiều đoàn nghệ sĩ trong nước qua bên đó biểu diễn cho Việt kiều, nhưng tôi nghĩ phải về đến Bắc Ninh mới được nghe quan họ đúng nhất, chuẩn nhất. Cuối cùng, tôi đã có cơ hội làm điều đó”.

“Không hiểu mà nói yêu thì là yêu giả vờ” – ông Mùi nói và bày tỏ mong muốn được thực hiện những hoạt động để công chúng có thể hiểu hơn về loại hình dân ca này. Nhưng người nghệ sĩ không phải là không có tâm huyết này có lẽ đã vừa mất đi một cơ hội để làm điều đó.

HẰNG NGUYỄN (Theo TTO)

Đừng làm quan họ không còn là quan họ

* “Ở một số buổi biểu diễn hiện nay, ngay khi hát quan họ người ta đã làm cho nó không còn gì là quan họ nữa rồi. Khán giả nếu chưa biết nhiều về quan họ thì không biết phàn nàn ra sao, họ nghe thế nào mà chẳng được. Nhưng làm như thế là lừa bịp khán giả!”.

Bà Nguyễn Thị Hẹn
(Phó giám đốc Trung tâm UNESCO văn hóa
quan họ – người làng quan họ cổ Châm Khê,
xã Phong Khê, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh)

* “Ở buổi biểu diễn này, ngay từ đầu tôi đã có cảm nhận là không phải quan họ cổ rồi. Tôi hoàn toàn thông cảm với những người biểu diễn, có lẽ họ muốn làm thế để thu hút khán giả trẻ của VN, nhưng tôi nghĩ rằng nếu mười bài thì cũng nên xen kẽ 1-2 bài trình diễn đúng lối cổ để người nghe còn biết. Về trang phục, nếu đúng là có nhiều sự cải tiến, có lẽ ban tổ chức đã thiếu sót vì không giải thích rõ chuyện đó. Riêng tôi, tôi muốn thấy các nghệ sĩ mặc và hát thật đúng với truyền thống, vì đó là tôn trọng lịch sử của dân tộc mình”.

Ông Phạm Đăng Quang
(29 tuổi, Việt kiều Bulgaria)

 

Bình luận (0)