Nghề mây tre đan đát đang là “cứu cánh” cho người dân thu nhập thấp tại KP9, P. Tân Phong, Biên Hòa) |
Vừa bước ra khỏi cổng Khu công nghiệp AMATA (Biên Hòa), chị Thủy vội vàng lên xe rồi quay mặt nói vọng lại với tôi: “Em từ từ về, chị phải về nhà đan cho kịp còn hai chiếc giỏ, tối họ đến lấy, không có thì…”. Tôi chỉ còn biết lên xe cố chạy theo chị về khu trọ.
Người đưa mây tre “đi Tây”
Chúng tôi không ngờ ngay ở giữa trung tâm của một thành phố sầm uất (KP9, P.Tân Phong, TP. Biên Hòa) lại có một “khu công nghiệp” mây tre đan đát. Không ồn ào náo nhiệt, nhưng hằng ngày những “công nhân” ở đây cho ra gần 1.000 sản phẩm để xuất khẩu. Và hiện đây cũng là nghề cứu cánh đối với những gia đình có thu nhập thấp, những gia đình công nhân ở ngay tại thành phố sầm uất này có tiền trang trải cuộc sống và đưa con đến trường, nhất là trong giai đoạn kinh tế khủng hoảng hiện nay.
Được chị Thủy chỉ dẫn, tôi ghé đến cơ sở mây tre đan đát Thu Mai, mở đầu câu chuyện, chị Mai – chủ cơ sở giải thích: “Người Tây rất thích sản phẩm do nước ta làm ra vì giá cả thì rẻ mà mẫu mã lại đẹp. Hàng thủ công này hiện đang bán rất chạy, có bao nhiêu tiêu thụ cũng hết…”.
Được biết, cơ sở chị Mai là một trong những cơ sở mây tre đan đát thuộc loại “ăn nên làm ra” hiện nay ở Biên Hòa. Ngoài việc mở cơ sở và mướn nhân công về nhà làm, chị còn cung cấp nguyên liệu và mẫu mã cho từng hộ gia đình, sau đó đến tận từng hộ gia đình thu sản phẩm về “tuốt” lại cho bóng đẹp để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Với khu đất rộng trên 1.000m2 chất đầy hàng mây tre, chị Mai tâm sự: “Để có được nguyên liệu làm (từ cây lục bình, mây, cói…), chúng tôi phải nhập từ ngoài Bắc và dưới miền Tây về. Tại cơ sở của tôi chuyên tạo dáng sản phẩm bằng sườn gỗ, mây… nên đòi hỏi đội ngũ thợ phải giỏi, thạo việc và đặc biệt phải có con mắt nghệ thuật. Sau đó người dân đến nhận hàng về chỉ làm mỗi nhiệm vụ là đan thôi. Còn mẫu mã của sản phẩm như thế nào là phụ thuộc vào yêu cầu của khách hàng, nhưng ở đây chúng tôi chủ yếu làm thùng, túi, bàn ghế…”.
Chị hồ hởi khoe: “Cơ sở của tôi đã tạo công ăn việc làm cho gần 20 người lao động. Nhằm giúp họ có cuộc sống ổn định, mỗi tháng tôi trả lương từ 1,5 – 2 triệu đồng/ người (tùy theo năng lực của từng người)… Còn bản thân tôi, trừ tất cả mọi chi phí, trung bình thu nhập khoảng từ 5 – 8 triệu đồng/ tháng. Từ nguồn tiền đó đã giúp cho gia đình tôi có được một cuộc sống ổn định và tôi cố gắng chi tiêu sao cho phù hợp để còn lo cho con cái sau này…”.
Đan đát đưa con đến trường
Chị Vân tâm sự: “Làm nghề mây tre đan đát không đòi hỏi phải bỏ công sức nhiều, thao tác lại đơn giản nên bất cứ ai cũng có thể “học nghề” kể cả người già lẫn trẻ em. Đây chính là nguồn thu nhập đáng kể giúp những gia đình như tôi có tiền nuôi con ăn học”. |
Tại KP9 đường Phi Trường (Tân Phong, TP. Biên Hòa), có gần 100 hộ gia đình là công nhân, người lao động thấp, nhận làm thêm nghề này. Chị Phạm Thị Vân (Thanh Hóa) vào Biên Hòa lập nghiệp đã gần 20 năm, hiện đang là công nhân của một công ty dệt may khăn ở Khu công nghiệp Biên Hòa với mức lương ổn định trên 1 triệu đồng. Cuộc sống ngày một khốn khó với bao nhiêu thứ tiền phải chi tiêu. Năm nay đứa con út của chị cũng vừa hết cấp 1 nên chị đã nhận hàng mây tre về tranh thủ làm vào buổi tối hay những ngày nghỉ cuối tuần để kiếm thêm nguồn thu nhập. Chị Vân tâm sự: “Thời gian rảnh không biết làm gì, trong khi mình thì cần tiền mà nghề chỉ đòi hỏi bỏ công ra làm thôi nhưng thu nhập lại rất cao. Trung bình mỗi tháng một mình tôi làm thêm cũng kiếm được từ 500 – 600 ngàn đồng. Mình còn khỏe phải cố gắng làm để có tiền trang trải cuộc sống gia đình và nuôi thằng út ăn học chú ơi!”. Cách dãy trọ chị Vân không xa, gia đình chị Linh (công nhân Công ty Thêu dệt khăn) cũng tận dụng những ngày “nhàn hạ” để đan. Cô con gái đầu lòng của chị một buổi đến trường, một buổi ở nhà giúp mẹ đan, hai mẹ con tranh thủ một ngày cũng đan được hai chiếc giỏ. Chị cho biết: “Tiền lương ở công ty chỉ vừa đủ trang trải phí sinh hoạt gia đình. Từ khi biết nghề này, chị nhận hàng về nhà làm vào buổi tối cũng có “đồng ra đồng vào” để lo tiền trường, tiền sách vở cho các con”. Riêng đối với những người chưa có công việc ổn định và xem nghề mây tre đan đát là “nghiệp chính” mang lại nguồn thu nhập ổn định cũng đã giúp họ vượt qua khó khăn. Anh Đình Thắng (người làm công cho chị Mai) thổ lộ: “Tôi ở ngoài Bắc mới vào trong này để kiếm việc thì thấy nghề này phù hợp với sức của mình nên tôi xin vào làm luôn ở đây… Trung bình mỗi tháng tôi nhận được 2 triệu đồng tiền lương, với số tiền này ngoài chi tiêu bản thân tôi còn gửi về quê nhà cho vợ con…”.
Bài, ảnh: Thái Khuê
Bình luận (0)