Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Đi xem công nhân “làm xiếc”

Tạp Chí Giáo Dục

Một “nghệ sĩ xiếc” đang “biểu diễn”

“Làm xiếc”, “nghệ sĩ xiếc”… là tên gọi mà những người thợ xây đặt cho các công nhân làm việc trên cao như đứng máy ép bê tông, đổ trụ cầu… “Nghệ sĩ xiếc”, ngoài việc yêu nghề, khả năng chịu độ cao còn phải có chút máu liều mới dám đối mặt với thần chết.
Xem công nhân “làm xiếc”
Công trình cầu đường dẫn từ đại lộ Nguyễn Văn Linh về cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TP.HCM) đang trong giai đoạn thi công nước rút. Cảnh “nghệ sĩ xiếc” đu dây cáp, treo mình vất vưởng trên những thanh sắt có tiết diện quá nhỏ để ép cọc bảo vệ chuẩn bị đổ trụ cầu không còn lạ lẫm với người đi đường. Không ít người phán: “Thiếu gì việc để làm mà khùng điên gì đi làm cái nghề nguy hiểm đó”.
Tôi đến công trình cầu đường này vào một ngày đầu tháng 5, nắng gay nắng gắt. Lúc bấy giờ, công trình còn đang thực hiện đổ trụ cầu cuối cùng bắc qua rạch Đỉa. Chiếc cầu sắt bắc từ bờ ra đến chiếc sà lan đặt máy móc có chiều dài khoảng 200 mét nhưng bề ngang thì chỉ khoảng 2 gang tay. Tôi ngỏ ý xin anh bảo vệ để được ra xem “xiếc”, anh bảo vệ liền can ngăn: “Ông ra đến nơi là tôi đi đó”. Sao vậy? Tôi hỏi. “Thì bị mất việc chứ sao?”. Anh bảo vệ nói cũng phải, với lại nghe đâu vài hôm trước đã có một người dân hiếu kỳ ra đây xem “xiếc”, trên đường đi vấp phải con bù loong và lọt tỏm xuống rạch. Hơn nữa, khu vực này chỉ dành riêng cho các “nghệ sĩ xiếc” đến giờ “diễn” mới ra, kể cả những công nhân khác cũng không được phép bén mảng tới. 13 giờ 45 phút, tiết mục “xiếc” bắt đầu. Mở màn cho xuất “diễn” là một “nghệ sĩ” với vóc người nhỏ thó, thấp tè. Cần cẩu đưa lên cao để tránh vướng vào chiếc cầu rồi hạ xuống nơi “nghệ sĩ xiếc” đang đứng. Với tay nắm lấy dây cáp, “nghệ sĩ xiếc” nhún nhún vài cái rồi co hai chân lại quấn vào đoạn đây cáp. Cẩu nhấc “nghệ sĩ” lên và đưa ra chỗ trụ cầu. Trước khi cẩu hạ, “nghệ sĩ” buông một tay, đôi chân vẫn còn kẹp chặt dây cáp để lấy thăng bằng đứng trên những thanh sắt. Người đi đường hiếu kỳ đứng lại xem, lặng người với những pha mạo hiểm. Chốc chốc “nghệ sĩ” lại vẫy tay ra hiệu cho người lái cẩu biết chưa thể “đáp”, sau 2 phút lơ lửng “nghệ sĩ” mới buông cáp một cách an toàn. Cẩu lại trở về vị trí ban đầu để tiếp tục đưa “nghệ sĩ” khác ra. Cứ thế, cẩu đưa thêm 3 “bạn diễn” nữa.
Đó chỉ là phần mở màn, chẳng có gì đáng ngại. Đến đoạn, cẩu chuyên dụng chuyển những thanh sắt dài khoảng 50 mét ra đến nơi, “nghệ sĩ xiếc” phải bám chặt vào phần ngọn của thanh sắt để máy ép xuống lòng kênh. Cũng giống như ép cọc nhồi, “nghệ sĩ xiếc” đu theo để khi thanh sắt nghiêng thì hỗ trợ máy điều chỉnh.
Số phận đong đưa theo cáp
Thoát chết trong vụ sập cầu Cần Thơ xảy ra hồi năm 2007, công nhân Nguyễn Văn Hoàng theo người thân lên TP.HCM tìm việc làm. Thử hết việc làm này đến việc làm khác cũng không thích hợp. Hoàng lại lân la đến các công trình xây dựng để xin việc. Có tay nghề, sức trẻ… chẳng lâu sau, Hoàng được chủ thầu tin tưởng và chuyển Hoàng sang khâu đóng cừ bê tông. Nhiệm vụ của Hoàng là hỗ trợ cho người đứng máy ép (cừ) và người lái cẩu (cẩu cừ lên) để điều chỉnh và đưa cừ vào đúng vị trí cần ép. Sau sự cố sập cầu Cần Thơ, Hoàng không sợ sao? Hoàng vừa nhún vai vừa nói: “Sợ chứ sao không, những khối cừ bê tông nặng hàng tấn, hàng ngày cứ đong đưa trên đầu mình, rất ái ngại”. Vậy có khi nào cần cẩu đứt cáp chưa? Tôi hỏi tiếp. “Chuyện đứt cáp xảy ra như cơm bữa, mạng mình lớn chứ không cũng đã tiêu đời rồi”. Hoàng trả lời.
Những “nghệ sĩ xiếc” làm việc ở một môi trường hết sức nguy hiểm, khắc nghiệt thế nhưng chẳng có ai sử dụng dụng cụ bảo hộ lao động. Hỏi chuyện, hầu hết các “nghệ sĩ” đều lắc đầu, nói: “Trời kêu ai nấy dạ chứ có bảo hiểm, bảo hộ gì cũng chết”.
Theo thống kê của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, trong quý 1/2009, trên địa bàn thành phố xảy ra 20 vụ tai nạn lao động chết người, làm chết 20 người và bị thương 2 người; tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2008. Phổ biến vẫn là các loại tai nạn lao động do điện, ngã cao và vật rơi từ trên cao xuống, máy móc ép… Sở LĐ-TB-XH xác định: trong hầu hết các vụ tai nạn, người sử dụng lao động đã không thực hiện đúng các quy định của pháp luật lao động về an toàn lao động; không thực hiện đúng các quy định kỹ thuật an toàn, không có bộ phận kiểm tra, giám sát an toàn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh theo quy định.
Anh Trần Anh Kiệt (quê Vĩnh Long), lái cẩu cừ bê tông đã gần chục năm, chứng kiến nhiều vụ tai nạn thương tâm do đứt cẩu. Anh Kiệt kể và diễn tả nghe mà rùng mình: “Cách đây 2 năm, tôi còn đứng máy thuê cho một công trình xây dựng chung cư cao tầng của một tập đoàn địa ốc tại TP.HCM. Khi cẩu cừ lên (2 tấn – NV) khoảng 15 mét thì dây cáp đã bị đứt. Mọi người chạy tán loạn. Tôi chỉ kịp nghe tiếng cần cẩu mất thăng bằng, va đập mạnh và khối cừ lún sâu xuống đất hơn 0,5 mét. Dưới khối cừ là một thợ phụ (có nhiệm vụ móc dây cáp vào khối cừ cho cần cẩu cẩu lên) nằm chèm bẹp như một con thằn lằn. Sở dĩ công nhân chết một phần là do chủ quan không kiểm tra dây cáp, với lại sau khi cẩu câu lên đã không rời khỏi vị trí mà đứng ngay trên đống cừ”.
Nhiều công trình, công nhân làm việc ở các công đoạn vẫn còn xem nhẹ công tác an toàn lao động. Hình ảnh những công nhân đứng, ngồi vắt vẻo trên những cây cọc nhồi để cẩu câu đi ở một số công trình là không hiếm. Hoàng cho biết: “Người đứng hoặc ngồi trên cọc nhồi khi đang cẩu là để giữ thăng bằng, cũng có thể là người thợ ấy cần di chuyển từ nơi này sang nơi khác mà không phải đi bộ”.
Những vụ tai nạn lao động xảy ra vừa qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng người lao động và người sử dụng lao động đã không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về an toàn lao động; không thực hiện các quy định kỹ thuật an toàn. Vụ sập dầm cầu chợ Đệm (thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP.HCM) và vụ sập cầu Trà Ôn (thị trấn Trà Ôn, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) do đứt dây cáp là điển hình.
 Trần Trọng Tri

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)