Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Huyền thoại bất tử

Tạp Chí Giáo Dục

 Bộ phim làm rung động lòng người

Ngày 14-1-2009, bộ phim Huyền thoại bất tử (kịch bản và đạo diễn Lưu Huỳnh) của hãng phim Phước Sang đã chính thức khởi chiếu. Trong số hàng trăm khán giả đến xem, chúng tôi đã gặp và ghi nhận ý kiến của một số khán giả là thầy cô giáo.
Cô Nguyễn Ngọc Dung – giáo viên ngữ văn (THPT):

Cô Nguyễn Ngọc Dung

Tuy đã đọc một vài bài báo giới thiệu về diễn viên Dustin Trí Nguyễn và nội dung bộ phim Huyền thoại bất tử, nhưng sau khi xem xong thì bộ phim đã cho tôi nhiều điều thú vị và những cảm xúc bất ngờ.
Tôi không am hiểu lắm về kỹ thuật điện ảnh. Tuy nhiên, với tài năng của ông (tôi nghĩ là thế), đạo diễn Lưu Huỳnh bằng ngôn ngữ điện ảnh của riêng mình thông qua diễn xuất của những diễn viên tài hoa như Dustin Trí Nguyễn, Kim Xuân… đã gieo vào lòng tôi sự xúc động mạnh trước hình ảnh một bà mẹ quê chân chất, rộng lượng và đầy tình thương – một bà mẹ Việt Nam – một bà mẹ vô danh nhưng mang trong mình một dòng máu truyền thống vừa nhân ái, vừa kiên cường, vừa nghiêm khắc và vừa bí ẩn: “Ai về Bình Định mà coi/Coi gái Bình Định múa roi đi quyền”. Câu ca dao đủ để nói lên phần nào tính cách của bà mẹ Lan.
Long, người con nuôi của bà mẹ ấy đã trưởng thành – người con trai tật nguyền về thân xác vì chất độc màu da cam, nhưng lại là một con người “hoàn hảo”. “Hoàn hảo” về tâm hồn với khát vọng: “Muốn làm một người tốt mà không hại đến một cành cây, ngọn cỏ thì phải làm sao?” (mẹ Lan vẫn chưa trả lời được). Người thanh niên mang tên Long ôm khư khư bình hài cốt của mẹ tìm đường qua Mỹ chỉ để mong mang mẹ về với cha. Dù từ lúc sinh ra cho đến thời điểm này, Long chưa một lần thấy cha thật sự. Vậy mà em luôn yêu kính người cha của mình. Từ chi tiết này của đoạn phim, tôi nhận thấy tính nhân văn của bộ phim đã được đẩy lên cao trào qua bàn tay “tài hoa” của đạo diễn và diễn xuất tuyệt vời của Dustin Trí Nguyễn. Trên con đường “đi Mỹ” của Long luôn gặp đầy sóng gió, bao sự dối trá và lừa bịp vẫn không làm thay đổi một chàng khờ – “một thằng khùng”. Gặp điều xấu hay chuyện ác, chàng thanh niên Long thể hiện ngay sự bất bình và không làm ngơ. Chuyện bé Trinh bị lừa qua một bạn chat trên mạng vừa mang tính thời sự vừa mang lời cảnh báo và cũng vừa là dịp để Long thể hiện bản chất hào hiệp của “Lục Vân Tiên” thời đại mới.  
Nghệ thuật dẫn truyện bằng phương pháp đan xen giữa quá khứ và hiện tại cũng gợi cho tôi sự lôi cuốn. Những pha võ thật ngoạn mục quay bên những tượng đá, tượng Phật dưới mái ngói rêu phong hay những bãi cát, bờ biển lồng trong nền nhạc rất hay và khá hoàn hảo khi diễn tả nội tâm nhân vật tạo cho bộ phim hoàn thiện hơn về cả nội dung lẫn nghệ thuật.
Những chi tiết kết phim làm cho tôi khóc nhiều. Những giọt nước mắt của tôi rơi xuống ở đây không phải vì buồn mà đó là những giọt nước mắt nhiều ý nghĩa (cho phép tôi không nói ra). Tôi muốn để dành cho những người xem phim tự hiểu: vì sao nước mắt tôi rơi. Hình ảnh tro cốt của mẹ Lan bay dưới cánh phi cơ đủ nói lên bao điều về tình yêu thương cha mẹ của chàng khờ mang tên Long.
Thầy Hồ Văn Khanh (giảng viên Trường Cao đẳng nghề Ispace)

Thầy Hồ Văn Khanh

Có một thời gian dài, tôi không “mặn mà” lắm với phim Việt Nam. Nhưng mấy ngày vừa qua, một vài bài báo giới thiệu về bộ phim đăng trên báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Giáo Dục TP.HCM, Người Lao Động và cả báo mạng cũng có bài viết gợi cho tôi sự tò mò. Bởi, nội dung giới thiệu bộ phim Huyền thoại bất tử đề cập nhiều đến tình mẹ, tình người. Thêm vào đó, với đạo diễn Lưu Huỳnh, tôi cũng đã biết qua bộ phim Áo lụa Hà Đông. Khi xem xong bộ phim này tôi rất thích ở nội dung, ở những điều đạo diễn muốn gửi gắm. Bộ phim thể hiện rất rõ tính nhân văn qua các nhân vật chính. Đồng thời bộ phim phản ánh rất đúng thực trạng xã hội hiện nay như hiện tượng học sinh lo chat hơn lo học; bị gạt gẫm từ chat; nạn buôn bán phụ nữ; góc tối ăn chơi của một vài người “thừa tiền”… Hình ảnh và góc quay trong nhiều đoạn của bộ phim rất đẹp. Tuy nhiên, tôi cảm thấy vẫn còn một vài “hạt sạn” (có thể bỏ qua) làm thiếu sự “tròn trịa” cho bộ phim. Tôi tự hỏi: Có cần thiết lắm không khi cứ phải có chi tiết cậu bé bị thiểu năng trí tuệ do bị nhiễm chất độc màu da cam? Hay như việc Long phải đánh nhau với những tên ma cô của băng nhóm khác mới biết được chỗ cô bé Trinh đang bị giam giữ? Dẫu sao, bộ phim Huyền thoại bất tử mang tính giáo dục (nhẹ nhàng) có rất nhiều điều để xem và để suy ngẫm. Trong xã hội hiện nay, điều này rất cần thiết – cần thiết không chỉ cho lớp trẻ mà cho cả chúng ta.
Cô Chu Thị Phương (giáo viên Trường TH Nguyễn Vĩnh Xuân Gò Vấp)
Ngay ngày đầu tiên khởi chiếu bộ phim Huyền thoại bất tử, tôi và gia đình đã tìm đến rạp mua vé đi xem. Thật ra, ban đầu đi xem vì tò mò. Thêm vào đó đã quá lâu, gia đình tôi chưa có dịp cùng đi xem phim. Nhưng, sau khi xem xong, không riêng tôi mà các thành viên còn lại trong gia đình đều cảm thấy bất ngờ. Bất ngờ trước sự diễn xuất tài tình của các diễn viên; bất ngờ trước thông điệp đạo diễn Lưu Huỳnh muốn gửi đến người xem. Nhưng trên hết, tôi nhận thấy tính giáo dục cao của bộ phim. Xuyên suốt bộ phim, gần như mỗi thước phim đều toát lên rất rõ tình cảm, sự quan tâm giữa con người với con người. Và cao hơn hết là tình mẹ – tình mẫu tử. Dàn diễn viên của bộ phim không là những “sao” hay những diễn viên tên tuổi, nhưng họ diễn xuất quá hay. Họ diễn như thật làm người xem cảm thấy sự việc đang diễn ra trước mắt và ta cùng hiện diện với họ trong phim… Bé Long (cháu Lục Bá Thêm) khi nhỏ diễn rất tuyệt vai đứa bé bị thiểu năng; nghệ sĩ Kim Xuân trong vai bà mẹ rất thật. Nhìn cô chăm sóc từng ly từng tí cho đứa con tật nguyền, tôi quá xúc động. Hình ảnh chân chất, khù khờ và trọng đạo nghĩa của anh thanh niên Long làm tôi thương cảm và kính phục.
Trần Thanh Quang (ghi)

 

Bình luận (0)