Đó là một trong những giải pháp cụ thể được đưa ra tại buổi đối thoại cùng chính quyền thành phố về môi trường, do Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM tổ chức hôm qua 29.5, nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường đang diễn biến phức tạp.
Ngay đầu buổi đối thoại, nhiều người dân đã gọi đến đường dây nóng của chương trình bày tỏ sự bức xúc về tình trạng ô nhiễm môi trường sống. Từ việc xả chất thải các loại không qua xử lý ra môi trường của các doanh nghiệp, bệnh viện…, đến sự thiếu ý thức của người dân làm cho môi trường ngày càng bị ô nhiễm…
Người dân ấp Tiền Lân, xã Bà Điểm (H.Hóc Môn, TP.HCM bất bình chỉ tay về phía doanh nghiệp thuộc da ở KCN Vĩnh Lộc gây ra tình trạng ô nhiễm trầm trọng cho khu vực – ảnh: Minh Nam
Một trong những bức xúc người dân phản ánh nhiều là tình trạng xe hút hầm cầu xả chất thải ra môi trường, gây ô nhiễm mà không thấy cơ quan chức năng xử phạt. Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi ngày có khoảng 100 xe vận chuyển khoảng 210 tấn bùn hầm cầu từ khu dân cư, hộ gia đình trên địa bàn thành phố thải ra, nhưng chỉ có khoảng 50% số xe này vận chuyển bùn hầm cầu về các bãi đổ chất thải đúng quy định, còn lại vận chuyển bùn hầm cầu đổ tùy tiện khắp nơi. Về thực trạng này, ông Nguyễn Văn Phước, Phó giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường (TN-MT), cho biết thành phố đã quy hoạch, xây dựng khu xử lý bùn ở Khu liên hợp xử lý Đa Phước (H.Bình Chánh) và quy định xe hút hầm cầu ở khu dân cư, hộ gia đình thu gom, vận chuyển về Khu xử lý bùn hầm cầu Đa Phước để xử lý. Nhưng thực tế vẫn có nhiều trường hợp lén lút, lựa nơi vắng vẻ không ai kiểm soát đổ chất thải ra môi trường. "Sở TN-MT đang có kế hoạch đầu tư khoảng 2,2 tỉ đồng để gắn thí điểm hệ thống định vị toàn cầu (GPS) cho khoảng 100 xe vận chuyển bùn hầm cầu trên địa bàn. Qua đó giúp nhanh chóng phát hiện, xử lý những trường hợp đổ chất thải không đúng nơi quy định", ông Phước nêu giải pháp và cho biết dự kiến trong tháng 7.2010, thành phố sẽ triển khai lắp đặt hệ thống GPS quản lý các xe hút hầm cầu nói trên.
“GDP của TP.HCM cao nhất nước, nhưng ngược lại chất lượng cuộc sống thì lại rất thấp. Người dân phải sống chung với ô nhiễm không khí, kẹt xe, ngập nước, khói bụi… Xin hỏi cơ quan chức năng, vậy đến bao giờ vấn đề này mới được giải quyết?”, một người dân chất vấn. Ông Nguyễn Văn Phước trả lời: “Với vai trò chuyên môn, sở đã có nhiều cố gắng trong vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường để dần đem đến cho người dân chất lượng cuộc sống tốt, giảm đi mức độ gia tăng ô nhiễm. Cụ thể đến nay, các KCN – KCX đã xây dựng xong nhà máy xử lý nước thải tập trung; hệ thống kênh rạch như Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Kênh Đôi – Kênh Tẻ, Tàu Hủ, Bến Cát, Rạch Nước Lên… đều đã có dự án xây dựng cải tạo…”. Tuy nhiên, ông Phước cũng nhìn nhận vẫn còn doanh nghiệp lén lút xả thải gây ô nhiễm. "Do đó, Sở TN-MT sẽ tiếp tục xây dựng các biện pháp mạnh để chấn chỉnh, khắc phục, xử lý nghiêm minh các cơ sở, doanh nghiệp vi phạm", ông Phước cam kết.
Đối với những lo ngại của người dân TP về việc xử lý chất thải tại các cơ sở y tế, bệnh viện, ông Phước cho biết Sở TN-MT đã phối hợp với Sở Y tế rà soát, buộc các bệnh viện, cơ sở y tế quận, huyện có hệ thống xử lý nước thải mà chưa đạt chuẩn phải cải tạo, nâng cấp, trường hợp chưa có thì phải khẩn trương xây dựng…
Một số người dân ở Hóc Môn phản ánh những hộ nuôi heo thu mua vải vụn từ các cơ sở thải ra về nhóm lò nấu thức ăn cho heo, gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường… Ông Cao Tung Sơn, Phó phòng Quản lý môi trường – Sở TN-MT, khẳng định việc dùng vải vụn, hạt điều, vỏ xe đun nấu là hoàn toàn sai trái. “Khi phát hiện, người dân có thể báo ngay cho chính quyền địa phương xử phạt, buộc cơ sở vi phạm ngưng ngay hành vi sai trái trên”, ông Sơn nói. Khi người dân đã báo chính quyền nhưng vẫn không thấy cơ quan chức năng xuống xử lý thì ông Sơn bảo "sẽ tiến hành kiểm tra, xử lý ngay…".
Lê Nga – Minh Nam/ Thanh Nien
Bình luận (0)