Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nghệ sĩ Hữu Châu: Con đường không trải… hoa hồng

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Hữu Châu trong vở kịch Nắng chiều. Ảnh: Thanh Hiệp

Hữu Châu là một diễn viên nổi tiếng, có “nghề”, điều đó ai cũng phải công nhận. Ở thời điểm này, ngồi nhớ lại chặng đường đã đi qua với biết bao khó khăn, anh cảm thấy thật hãnh diện. Bạn bè cùng thời với anh như: Hồng Vân, Hồng Đào, Hữu Nghĩa, Quang Minh, Thành Lộc, Phước Sang… đều tự tìm tòi sáng tạo, tự thân vận động để khẳng định được tên tuổi như ngày hôm nay.
Những kỷ niệm “thương đau”
Ngày Hữu Châu tốt nghiệp ra trường, sân khấu kịch vẫn chưa khởi sắc lắm, nhiều sân khấu và các bầu sô chưa thật tin tưởng diễn viên trường sân khấu, nhưng trót đã mang trong người dòng máu nghệ thuật, anh không thể nào có thể “buông” nó một cách dễ dàng được. Để có “thực” mà “vực” và duy trì ngọn lửa đam mê của mình, anh chấp nhận mở một sạp bán báo và cho thuê truyện. Cũng trong thời gian này, anh nhớ mãi một kỷ niệm “thương đau” mà cả cuộc đời anh không bao giờ quên được. Đó là một buổi tối tháng 2-1989, Hữu Lộc (em trai của Hữu Châu) chở anh chạy sô tấu hài trên chiếc “xế điếc” cũ mèm. Vừa diễn xong ở Nhà Văn hóa Lao động, hai anh em tiếp tục đèo nhau qua diễn ở NVH Thanh niên. Đang chạy, bất ngờ cái niềng xe gãy đôi (do quá cũ), lúc đó Hữu Lộc đứng khóc ngon lành, riêng anh không thể bỏ sô vì sợ mất chỗ diễn và mất uy tín, thế là Hữu Châu quyết định chạy bộ. Trên đường, anh gặp một người chạy xe gắn máy một mình, mừng quá anh gọi xin quá giang, nhìn thấy mặt anh đang hóa trang tấu hề, ông ta sợ quá… tưởng gặp “yêu quái” nên… rú ga vọt luôn. Khi anh chạy bộ đến nơi thì không còn kịp nữa, đã trễ sô mất rồi…
Anh còn nhớ cách đó không lâu, do nằm trong tuần lễ phải đóng tiền học cho em trai Hữu Lộc nên cả nhà anh đều phải ăn cháo đậu xanh thay cơm. Một buổi tối, đang diễn ở Nhà hát Hòa Bình, bỗng nhiên anh té xỉu. Hai danh hài Mai Sơn và Thanh Tùng cứ ngỡ anh bị trúng gió nên dìu anh vào cạo gió. Anh nhớ có một người nào đó đã khuấy cho anh một ly sữa nóng, uống xong anh dần dần hồi phục và diễn tiếp. Anh thầm cảm ơn người đã cho anh ly sữa ấy và giấu nhẹm chuyện xỉu… vì đói cho đến ngày hôm nay… Những năm 1985-1986, các nghệ sĩ trẻ mới ra trường như anh với sức trẻ đã không quản ngại khó khăn, đi diễn phục vụ ở tất cả những nơi xa xôi của tổ quốc, không có một đồng. Nhóm bạn thân gồm anh, Hữu Nghĩa, Phước Sang lúc đó ai cũng nghèo rớt mồng tơi, những đêm đi diễn về, ghé qua nhà anh, được mẹ anh nấu cho mỗi người một gói mì tôm ăn là sướng và vui lắm rồi.
Hữu Châu tâm sự: “Tôi thấy các diễn viên trẻ hôm nay nổi tiếng nhanh quá, có người gần như chưa kịp “khổ luyện” đã may mắn đi trên con đường trải thảm nên sớm tự mãn, tự cao, coi thường bạn diễn. Các diễn viên trẻ hôm nay, phải thật sự cảm ơn những lớp đàn anh như chúng tôi, bởi chính sự khẳng định tên tuổi, nhân cách của lớp anh chị đi trước làm nền tảng để các đạo diễn có một cái nhìn khác, tin tưởng khi giao vai cho các diễn viên trẻ vừa mới tốt nghiệp trường sân khấu…”
“Duyên nợ” với những vai già
Hữu Châu có “duyên nợ” với những vai già. 23 tuổi, anh đã thành công với vai già – Lỗ Quý trong vở kịch Lôi vũ trên sân khấu nhỏ 5B, vai diễn đã tạo nên dấu son đầu tiên trong nghề của anh. Sau đó, hàng loạt các sân khấu khai thác thế mạnh này của anh trong các vở kịch: Yêu em anh đừng lo, Bão tố ngoài khơi, Ê tắc xi, Nắng chiều, Mùa hè ở ngoài biển, Xóm nhỏ Sài Gòn, Lão ớt, Thử yêu lần nữa, Màu của tình yêu, Quan Thích… thích làm quan… Nhờ đóng vai già mà anh đã làm “chồng” không biết bao nhiêu nữ nghệ sĩ mà anh gọi bằng chị, bằng cô, bằng bác. Trên sân khấu IDECAF hiện nay, tên Hữu Châu là cái tên “bán vé”, những vai diễn của anh trên sân khấu này cũng đa phần là những vai già, nổi bật là vai Nguyễn Trãi trong Bí mật vườn Lệ Chi đã giúp anh đoạt hai giải Mai Vàng của Báo Người Lao Động (năm 1996 và 2007).
 Thần tượng trong nghề của Hữu Châu chính là cố NSƯT Thanh Nga (cô ruột của anh nhưng từ nhỏ, anh vẫn thích gọi bằng hai từ “má Ba”) . “Thời má Ba chưa có Cúc Cu (diễn viên Hà Linh bây giờ), tôi là một trong những đứa cháu mà má cưng nhất. Nhớ năm 1972, sân khấu cải lương bị phim chưởng tấn công ào ạt, cải lương hát rất ít. Ở nhà má làm yaourt, đậu đen đậu đỏ bỏ vô bịch cho tôi và các em mang đi bán. Bán được bao nhiêu thì đưa tiền cho má Ba bỏ ống heo, đến tết thì lấy tiền ra mua tất cả quà cho các con cháu. Riêng tôi tết năm ấy còn được má Ba mua cho một cái áo sơ mi mới và một đôi giày, tôi mừng quá mặc áo và mang giày vô liền đi khoe khắp cùng lối xóm. Năm tôi học lớp 7 ở Trường Trần Hưng Đạo, Ngày Nhà giáo Việt Nam, trường tổ chức một chương trình văn nghệ có tôi tham gia. Đang hóa trang ở bên trong thì tôi thấy thầy cô và học trò nhốn nháo cả lên. Thì ra má Ba hay tin có tôi diễn nên má đến xem, lúc ấy tôi hãnh diện lắm. Niềm hãnh diện vẫn còn chất chứa cho đến bây giờ. Khi vào học ở trường sân khấu, tôi mới phát hiện ra niềm hãnh diện ấy nên để trong lòng. Tôi phải cố gắng hết sức mình chứ không núp bóng của má Ba nữa. Má Ba đã cho tôi cái máu nghệ thuật thì tôi phải đi lên bằng chính đôi chân mình…” – Hữu Châu xúc động kể lại.
Anh bật mí “Người bạn mà tôi thân nhất hiện nay là diễn viên Hữu Nghĩa, cả hai chúng tôi đều không thích ồn ào và nhất là không thích lao vào những cuộc “buôn dưa lê” của giới nghệ sĩ. Với ai, tôi có thể đè nén những tâm sự, nhưng riêng với Hữu Nghĩa thì có chuyện gì buồn, tôi đều gọi điện cho Hữu Nghĩa đi “lai rai” để giãi bày. Ngược lại, cũng nhiều lần, tôi làm “bác sĩ tâm lý” giải quyết những gút mắc tình cảm giùm cho Hữu Nghĩa”
 Đã hơn 40 tuổi, Hữu Châu vẫn là “lính phòng không”. Anh cười bảo “Mẹ tôi cứ hối thúc tôi lập gia đình, thú thật tôi cũng trải qua nhiều mối tình nhưng người bạn trăm năm tôi vẫn chưa tìm ra. Không biết tôi có khó tính lắm không?…”.
MINH – HIỆP

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)