Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Đò Lèn – kỷ niệm tuổi thơ Nguyễn Duy

Tạp Chí Giáo Dục

Một lần, Nguyễn Duy nói về việc làm thơ của mình, mảng kỷ niệm từ tuổi ấu thơ. Mảng của những vệt mây bềnh bồng, có màu sắc. Sắc đậm của màu đỏ, sắc nhạt của màu xanh, màu trắng thì mơ màng lúc xa lúc gần của nỗi nhớ. Nỗi nhớ của tuổi ấu thơ hiện lên trong lúc chưa ngủ chứ không phải chiêm bao. Nhớ trong lúc đang chơi, chơi gặp lại kỷ niệm cũ, sờ lên thấy kỷ niệm cũ. Đó là lần vào tuổi 34, tay sờ lên tai trâu của một xưởng gốm, ông giật mình thấy rõ hai bàn tay mình nghịch của tuổi 11, 12 và một ý thơ hiện lên trong cảm xúc cùng một lúc: “Bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật/ và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần”. Sắc đậm kỷ niệm hiện đỏ vòng xoáy cứ làm xốn xang mấy ngón tay. Vòng xoáy mấy ngón tay lại sờ thấy cái màu nhạt của khói, của hoa, của điệu hát. Màu nhạt của xanh làm gợn sóng quyện và hình xanh lảo đảo bóng khói lẫn trong chiều lượn của điệu chầu văn. Hai câu thơ rất xanh của kỷ niệm tuổi mới lớn vụt dậy bây giờ lắng lại trầm tư hơn, trải nghiệm hơn: “Mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm/ điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng”.
Bóng cống, bóng cây, bóng chùa, bóng lễ, bóng chợ, bóng đền không còn là tên gọi, tên đất mà là tên nhớ, tên kỷ niệm, tên của hồn, của vía êm đềm, thắm đượm thành quê hương. Hồn vía quê hương đọng lại thành hình, thành ảnh. Hình ảnh của màu trắng lung linh, chập chờn trong bóng bà của tuổi ấu thơ. Bà thực trong máu thịt, bà thực trong tuổi thơ. Câu thơ lay dậycảm động của tuổi thơ rất thực khi được “níu váy bà đi chợ” hay cùng với bà “chân đất đi đêm xem lễ”. Đó là hình ảnh rất thực, rất khổ “bà mò cua xúc tép ở Đồng Quan/ bà đi gánh chè xanh Ba Trại”. Trong giữa cái thực của kỉ niệm tuổi thơ, hình bóng bà cũng có khi hư – giữa bà với mùi hương hoa hương trầm, giữa bà với thế giới thánh thần tiên Phật. “Tôi trong suốt giữa hai bờ hư-thực/ giữa bà tôi và tiên, Phật, thánh thần/ cái năm đói, củ dong riềng luộc sượng/ cứ nghe thơm mùi huệ trắng, hương trầm”. Chữ trong suốt, luộc sượng, cứ nghe thơm trong câu thơ không phải của chữ bình thường, hờ hững mà là chữ của ứ nghẽn, day dứt, tâm sự, sâu kín của tuổi thơ như đã quên bà.
Quên bà cả trong khi tuổi thơ đã được lớn. Cái tuổi ra với đời, làm việc đời, trong khi đời, trong khi con sông đời còn nhớ… bên bồi, bên lở. Tuổi thơ đã lớn… thì sao? Bốn câu cuối như hồi ức, hồi quang. Mỗi câu thơ như dừng lại, như chấm lửng. Rồi như được nhớ ra sự muộn màng khi được thương bà. Chữ thương của ca dao, tục ngữ, cũng là chữ Nguyễn Duy muốn nói đến triết lý, muốn nói đến trữ tình trong thơ tình về đời của mình. Tình trong triết lý của ông thường mở ở đầu như hình ảnh dòng sông, một chữ kết ở cuối bài thơ của chữ nấm cỏ. Cỏ của “Truyện Kiều” cỏ áy ác tà, cỏ của “Cung oán ngâm khúc” một nấm khâu xanh rì và nay Nguyễn Duy tiếp thu có chọn lọc và hợp lý: “khi tôi biết thương bà thì đã muộn/ bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi”.
TRÚC CHI

Bình luận (0)