Sau một tai nạn ngã từ trên cầu xuống suối, bà Liên bị liệt hai chân, cơ thể có nhiều vết thương lở loét, hôi tanh. Đúng vào lúc tưởng như tuyệt vọng đó, người đàn ông của đời bà đã đến…
Tình yêu nở hoa trong bất hạnh
Bà Hà Thị Liên (xóm Thịnh Văn, xã Sơn Thịnh, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) sinh ra trong một gia đình có 3 chị em. Tuổi thơ của bà là những năm tháng đầy đau thương và bất hạnh. Cha mất khi bà vừa tròn hai tháng tuổi; mẹ gầy gò, đau yếu triền miên; anh trai nhập ngũ rồi hy sinh tại chiến trường miền Nam.
Khoảng giữa 1965, bà Liên ra tỉnh Hoà Bình làm công nhân ở một nông trường. Một ngày giáp tết, bà từ nông trường về nhà, khi đi qua cầu bị ngã xuống suối. Cả người bà rơi thẳng vào những tảng đá. Sau tai nạn đó, hai chân bà bị liệt hoàn toàn.
Sau tai nạn, đã có lúc bà Liên chỉ nghĩ về cái chết (Ảnh: Văn Dũng)
Tỉnh dậy sau cơn mê man suốt một tuần lễ với đôi chân không cảm giác, bà tuyệt vọng về cuộc sống, chỉ nghĩ đến cái chết. Vết thương khó lành, suốt ngày lở loét, hôi tanh, đến bà còn khiếp sợ, nhưng chính những ngày đó, có một người thanh niên luôn bên cạnh cô gái trẻ tuyệt vọng.
Đó là người bạn Đinh Quang Sáu, quê ở huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Tình cờ gặp lại người bạn khi ra Hòa Bình công tác, người thanh niên tên Sáu đã sắp xếp công việc để có thời gian chăm sóc bạn, nấu nướng, giặt giũ, thuốc men và viết thư về động viên mẹ bạn ở quê.
Bà Liên nhớ lại, lúc mới nghe người đàn ông đó bày tỏ tình cảm, bà kiên quyết từ chối. Bà thương mình thì ít, thương người đàn ông tình nghĩa đó thì nhiều. Bà khi đó chỉ có ý định ra sống tại Trại tập trung người tàn tật ở Hà Nội. Nhưng người đàn ông của đời bà không cho phép bà buông xuôi. Ông chăm sóc bà, rồi đưa bà về quê khi sức khoẻ đã phần nào hồi phục.
Câu chuyện cô gái Liên đẹp người, đẹp nết trở về quê sau lần tai nạn với đôi chân không còn cử động và teo dần theo năm tháng mà vẫn có người theo đuổi xin lấy làm vợ trở thành câu chuyện khó tin vượt khỏi làng Thịnh Văn. Bà Liên nhớ lại, chuyện tình của bà hồi đó gặp bao chông gai, trắc trở.
Nhưng sức mạnh tình yêu đã giúp “đôi đũa lệch” vượt qua mọi khó khăn, dị nghị và đơm hoa kết trái.
Hạnh phúc ngọt ngào
Lấy nhau, đôi vợ chồng vừa nghèo vừa khó lần lượt sinh được một trai, một gái. Niềm hạnh phúc ấy đã giúp họ vượt qua mọi vất vả để nuôi con khôn lớn. Để có miếng ăn, cái áo cho con, ông Sáu đã học rồi làm nghề miến dong. Ông hì hục cán bột tráng miến suốt đêm rồi mang hàng ra chợ khi trời vừa sáng. Người làng cảm thương gia cảnh của ông nên ai cũng ghé mua, có người còn chỉ bí quyết làm sao cho ngon.
Nhìn chồng vất vả sớm hôm, bà Liên nghĩ cách giúp chồng. Bà nhớ lại nghề đan lát mà bố mẹ truyền cho khi mới lên 10 tuổi. Hai vợ chồng bà chuyển sang nghề đan lát. Mỗi khi con chìm trong giấc ngủ, chồng chẻ nứa, vợ đan. 10 đầu ngón tay đã nát bét, sưng tấy và vằn máu, nhưng bà không nản.
Hơn 30 năm qua, dẫu bại liệt nhưng bà Liên vẫn lăn lộn với nghề đan tìm miếng cơm, manh áo cho con (Ảnh: Văn Dũng)
Chẳng bao lâu, sản phẩm của 2 vợ chồng bà được lòng người mua. Thu nhập khá hơn, cuộc sống cũng bớt khó khăn. Đúng vào lúc đó thì thì tai ương lại ập đến: ông Sáu mất sau một trận ốm đột ngột. Ngày lại ngày, người dân làng Thịnh Văn lại thấy người đàn bà lắm nỗi gian truân ấy cặm cụi đan nong để vơi đi nỗi đau mất chồng và để nuôi con. Bà đan trong dòng nước mắt, trong nỗi đau thương và niềm mong mỏi hai con khôn lớn từng ngày. Sản phẩm của bà dần tạo được tiếng vang, đan được bao nhiêu tư thương vào tận nhà mua hết; có những người ở tận Nghệ An, Quảng Bình tới mua…
Bà Liên hạnh phúc bên con cháu. (Ảnh: Văn Dũng)
Giờ thì người phụ nữ với đôi tay nát bấy vì tre nứa ấy đã ngoài tuổi 60. Vẫn còn khó khăn vất vả nhưng bà đã có thể nở nụ cười nguyện khi nhìn lại cuộc đời đầy sóng gió của mình. Hai con của bà đều đã dựng xây cửa nhà và đã sinh hạ cho bà 4 đứa cháu chăm ngoan, học giỏi. Đấy cũng là tâm nguyện của người chồng quá cố đã vực cuộc đời bà dậy trước đó.
Văn Dũng – Đất Vũ (dantri)
Bình luận (0)