Bị cáo Nguyễn Văn Thanh tại phiên tòa |
Đứng trước vành móng ngựa, bị cáo Nguyễn Văn Thanh (sinh năm 1962) co rúm người khi nghe Hội đồng xét xử “điểm” lại những tội danh của mình. Phiên tòa sáng ngày 30-3-2010 tại TAND TP.HCM không những là một phiên xét xử tội ác của Thanh mà còn xét xử cả quá trình “làm người” của y.
Giọt nước làm tràn ly
Trong bản lý lịch trích ngang, “Thanh sống lang thang, nghèo khổ tại khu vực phường 3, quận 11, từng có vợ và ly hôn, có đứa con trai duy nhất đang làm thợ tiện nhưng cũng không muốn nhìn mặt cha”. Có lẽ chính những lý do ấy mà trong phiên xét xử Thanh về tội “giết người”, không thấy bóng dáng một ai đến dự, kể cả phía gia đình người bị hại.
Bản thân Thanh vốn là một tay “giang hồ” với tiền án, tiền sự khá “ấn tượng”: nhiều lần nhận án tù vì tội trộm cắp tài sản hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Thanh cũng từng bị đưa đi cưỡng bức lao động ở nông trường vì hành vi quấy rối, phá hoại trật tự xã hội. Trong quá trình cải tạo, y không những không biết ăn năn mà còn tìm cách trốn trại nhiều lần… Riêng hành vi “giết người” của Thanh lần này, thực chất chỉ là giọt nước cuối cùng làm tràn ly.
Theo điều tra, Nguyễn Văn Thanh hành nghề đạp xích lô để kiếm sống. Với y, chiếc xích lô này không những là phương tiện mưu sinh mà còn là chỗ trú ngụ mỗi khi đêm về. Một buổi sáng thức dậy, Thanh ngỡ ngàng nhận ra “cơ ngơi” của mình cùng với 700 ngàn đồng đã không cánh mà bay. Nghi ngờ kẻ trộm chính là Trịnh Phú Minh – vốn là một kẻ nghiện hút bồ đà – đêm đó có ngồi nói chuyện với Thanh. Trong vài giây phút ngắn ngủi không kiềm chế được sự nóng nảy, ngay sáng hôm đó (15-3-2008), Thanh quyết tâm tìm Minh để “hỏi tội”. Thanh trộm sẵn một con dao giắt vào người, thấy Minh tại một quán cà phê nhỏ trong con hẻm Lạc Long Quân, Thanh hỏi: “Có phải mày trộm đồ của tao không?”. Minh đáp lại bằng một giọng thách thức: “Tài sản của mày không biết giữ, hỏi ai?”. Sự ngạo nghễ của Minh càng khiến Thanh thêm bức xúc, y bất ngờ cầm dao lao về phía Minh. Nhát dao trúng vào ngực trái khiến Minh chết ngay trên đường đưa đến bệnh viện…
Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã đi ngược lại quá trình “làm người” của y và cho biết: “Với bản tiền án, tiền sự của Thanh cộng với hành vi giết người lần này, chứng tỏ bị cáo là một người rất táo tợn, hành động bất chấp hậu quả. Điều này là hết sức nguy hiểm cho xã hội. Bản thân bị cáo cũng nhận thức được hành vi trái pháp luật của mình, nhưng vẫn cố ý thủ tiêu người bị tình nghi chỉ vì một duyên cớ nhỏ nhặt. Vậy nên, cần thiết phải áp dụng khung hình phạt cao nhất mà Bộ luật Hình sự quy định đối với Thanh mới thể hiện sự tương xứng”. TAND TP.HCM đã quyết định tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Thanh mức án cao nhất: tử hình.
Nào ngờ…
Đó là câu nói cuối cùng của Nguyễn Văn Thanh trong những phút giây ngắn ngủi tôi được tiếp xúc với y tại phiên tòa. Khác với suy nghĩ của tôi, thông thường các bị cáo nhận mức án tử hình – họ có một trong hai thái độ – hoặc tỏ ra bấn loạn, sợ hãi hoặc ngông nghênh, bất cần đời thì Thanh lại đón nhận mức án cao nhất bằng một thái độ khá thản nhiên, không biết sợ. Thanh không cần sự sống! Thanh nói cuộc đời y luôn rơi vào sự bế tắc vì túng quẫn. Khi mất đi “khối” tài sản của mình, Thanh cũng liên tục rơi trong cảm giác này, vì nghĩ rằng người ta đã chặt đứt đường mưu sinh – vốn là con đường duy nhất nối y về với cuộc đời. Chính suy nghĩ này khiến cho Thanh bất chấp để y tiếp tục lao vào vòng lao lý như một sự buông xuôi.
Là một tay “giang hồ”, bao nhiêu phen vào tù ra tội, Thanh cho biết bản thân mình cũng đã nhận ra pháp luật Việt Nam đã khoan hồng, xã hội đã bao dung để y được quay về làm một người bình thường như bao con người khác. Nhưng: “Tôi hoàn lương bằng cách dành dụm tiền mua chiếc xích lô để kiếm sống. Mấy năm trời mới tích cóp được 700 ngàn đồng để dành về thăm “bà già” mới mất! Nào ngờ… giờ thì đời bỏ đi rồi!” – Thanh cho biết như thế!
Bài, ảnh: Tuyết Dân
Luật sư Đỗ Hải Bình – đại diện hợp pháp cho Nguyễn Văn Thanh cho rằng, việc mất đi phương tiện hành nghề – cũng là nơi trú ngụ khiến bị cáo cảm thấy áp lực là có căn cứ. Cộng với câu nói thách thức của Minh cũng là nguyên nhân dẫn đến bi kịch. Đây có thể coi là những tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo. Còn Đại diện Viện Kiểm sát nhận định, hành vi giết người của Thanh thuộc loại có tính chất côn đồ. Bản tiền án, tiền sự của bị cáo cho thấy Thanh thuộc vào loại tội phạm không thể cải tạo được, do đó cần phải loại trừ ra khỏi xã hội. |
Bình luận (0)