Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Dạy võ và làm từ thiện

Tạp Chí Giáo Dục

Võ sư Hồ Hoa Huệ

Đó là hai công việc chính hiện nay của nữ võ sư Hồ Hoa Huệ (sinh năm 1944, ủy viên Ban chấp hành Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam, Chưởng môn phái Tinh Võ Đạo). Bà là nữ võ sư duy nhất của Việt Nam từng 4 năm liền đoạt ngôi vô địch kỹ thuật võ cổ truyền toàn quốc độ tuổi 50-60, đồng thời mang võ Việt Nam truyền bá khắp 15 nước châu Âu và châu Phi.
Võ đường của võ sư Hồ Hoa Huệ nằm trên đường Lâm Văn Bền, quận 7, TP.HCM được xem là hiện đại bậc nhất Việt Nam. Mồ côi cha năm lên 2 tuổi, nhà quá nghèo nên bà phải lăn lộn đi bán trà đá ở bến phà Mỹ Thuận (Tiền Giang) kiếm tiền phụ mẹ trang trải cuộc sống. Sau đó, bà được ông nội đưa về Tây Sơn (Bình Định) nuôi dưỡng. Năm lên 10 tuổi thì ông nội qua đời, bà may mắn gặp một người thầy võ Tây Sơn nhận làm con nuôi và truyền nghề. Được một thời gian, bà theo mẹ về lại Tiền Giang, rồi lên Sài Gòn, di chuyển chỗ ở liên tục từ quận 4, qua quận 8, quay sang quận 10… Chính nhờ vậy mà bà được gặp, thọ giáo nhiều võ sư kỳ tài của nhiều môn phái. Khi công việc kinh doanh phát triển, có một số vốn ổn định, năm 41 tuổi, bà đã chính thức ra mắt môn phái Tinh Võ Đạo do mình sáng lập. Từng đi dạy võ khắp 15 nước châu Âu và châu Phi, bà đúc kết được rất nhiều kinh nghiệm giảng dạy cũng như có rất nhiều học trò. Hàng năm vào mùa hè, võ đường của bà có nhiều nhóm thanh niên nước ngoài lũ lượt về tập dượt, tu nghiệp võ thuật. “Trong con mắt họ, võ cổ truyền Việt Nam có một điều gì đó huyền bí, thiêng liêng lắm. Họ muốn khám phá những điều bí ẩn của võ thuật Việt Nam mà cha ông họ kể lại” – bà nói.
Bà thường dạy các học trò trong và ngoài nước rằng: “Học võ không phải đơn giản, đòi hỏi người học phải có sự kiên trì, phải biết tự hạn chế những đam mê thông thường để tập trung dành sức lực cũng như tâm trí vào sự học võ. Sau khi đã nắm vững những kiến thức cơ bản của môn võ mà mình theo học, sự sáng tạo riêng để phát huy những tinh hoa của môn võ mà mình lãnh hội được là vô cùng quan trọng. Người học võ trước tiên phải có đạo đức tốt, không tự phụ, không dùng võ lực để ức hiếp kẻ yếu, khi gặp chuyện chướng tai gai mắt ngoài xã hội, nếu thấy có khả năng thì can thiệp để giúp người…”.
Ngoài là một võ sư lừng danh, bà còn nổi tiếng là người siêng năng làm công tác từ thiện xã hội. Bà không thể nhớ nổi đã có bao nhiêu chuyến đi cứu trợ nạn nhân bị thiên tai lũ lụt, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh trên toàn quốc. Ngay cả những lần đi truyền bá võ học ở nước ngoài, có tiền bồi dưỡng, bà đều dành để làm từ thiện. Bà cho biết: “Làm từ thiện là xuất phát từ sự đồng cảm, vì tuổi thơ của tôi cũng rất vất vả. Khi làm những việc này, tôi thấy thanh thản trong tâm hồn. Tôi nghĩ khi mình đã có của ăn của để thì cần phải san sẻ, đùm bọc những hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là trẻ em nghèo, khuyết tật…”. Chính vì những suy nghĩ đó mà thời gian qua, bà cùng với võ sư Thu Vân đi dạy võ cổ truyền miễn phí cho các trẻ em khuyết tật ở Trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu, Trường câm điếc Hi Vọng, Trung tâm nhân đạo Quê Hương, Trung tâm chắp cánh cô Tim, Mái ấm Thiên Phước, giúp các em có được niềm vui trong cuộc sống đồng thời cũng để giữ gìn bản sắc dân tộc Việt Nam.
Bài, ảnh: THẢO VÂN

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)