Người phụ nữ và đứa con thiếu vắng tình cha của “xóm đợi” |
Tổ dân cư 36, thôn Thạch Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu được mọi người biết đến với tên gọi “xóm đợi”. Bởi trong tổng số 40 hộ dân đang sinh sống ở đây, có đến 22 gia đình do những người phụ nữ “đơn thân độc mã” làm chủ. Họ vừa làm mẹ, vừa làm cha, nhọc nhằn nuôi con ăn học…
Mỗi nhà mỗi cảnh
“Xóm đợi” gồm những nóc nhà lụp xụp, ẩn mình trong vùng đất nghèo khó này. Chị Lê Thị Bình, tổ trưởng tổ dân cư 36, thôn Thạch Long cho biết: “Mỗi người trong thôn có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng các chị đều có điểm chung là phải tự chèo lái “con thuyền” gia đình. Những người phụ nữ này đến từ mọi miền đất nước: người Bến Tre, người Quảng Trị, người Huế… để mưu sinh. Nhiều người đã gắn bó với mảnh đất này gần 40 năm…”.
Chúng tôi ghé thăm nhà chị Nguyễn Thị Hai ở “xóm đợi” vào một buổi sáng. 15 năm trước, gia đình chị từ Huế đến thôn Thạch Long để lập nghiệp. Chân ướt chân ráo đến vùng đất mới, không may người chồng lâm bệnh ra đi để lại cho chị 3 đứa con nhỏ. Cũng từ ngày ấy, không ít đêm dài nước mắt chị chảy ngược vào trong, phần vì thương 3 đứa con nhỏ dại, phần vì tủi cho phận mình. Những tháng ngày vừa làm mẹ, vừa làm cha với chị thật khó khăn và vất vả, giờ đây ngồi nghĩ lại, chị vẫn thấy “rùng mình”. Chị kể: “Hồi ấy, tôi được người quen cho mượn đất dựng tạm căn chòi, hàng ngày đi làm thuê nuôi con. Ít tháng sau, người ta đòi lại đất, mẹ con tôi phải dắt nhau xin ở đậu trong xóm mỗi nhà vài ngày”.
Làm việc cật lực trong khoảng 5 năm, chị mới dành dụm đủ tiền mua nửa sào đất để cất nhà. Bây giờ, tuy con cái đã lớn khôn nhưng cái nghèo vẫn đeo bám người phụ nữ kém may mắn ấy. “Ai thuê gì tôi làm nấy: làm cỏ, nhặt ve chai, bón phân…, miễn sao hàng ngày kiếm được 15-20 ngàn là vui rồi”, chị Hai tâm sự.
“Vắng đàn ông lạnh nhà, vắng đàn bà lạnh bếp”, những công việc của đàn ông trong nhà như lợp lại ngói, nạo vét giếng, sửa điện nước… chị đều phải tự mình xoay xở. Có lần chị trèo lên sửa lại mái nhà bị dột, vô tình trượt chân té xuống dưới đất đau điếng, tủi thân chỉ biết ôm con mà khóc. Điều an ủi lớn nhất là đứa con lớn của chị nay đã đi làm ở thành phố và hàng tháng vẫn đều đặn gửi tiền về phụ mẹ nuôi em ăn học.
Thấy nhà hàng xóm có khách, chị Đặng Thị Thoa ở cạnh bên cũng lật đật sang “góp chuyện”. Từ Quảng Trị, cả gia đình đưa nhau vào đây lập nghiệp được 4 năm thì vợ chồng nảy sinh mâu thuẫn. Người chồng bỏ về quê lấy vợ khác, để mặc chị xoay xở với 4 đứa con. Nhiều khi chị Thoa tưởng mình không thể đứng vững trước những khó khăn trong cuộc sống, nhưng chị vẫn cố gắng chắt chiu, dành dụm để lo cho con ăn học. Có 3 sào đất, chị loay hoay trồng tiêu rồi cà phê, hết vụ thì chuyển sang trồng rau màu, tìm mọi cách để có tiền trang trải cho những sinh hoạt hàng ngày.
Vẫn tin ở ngày mai
20 năm trước, thôn Thạch Long chưa có đến 10 nóc nhà, nhưng hiện nay số gia đình sinh sống ở đây đã gần 40 hộ. Mảnh đất khô cằn ngày xưa nay đã trở nên màu mỡ, các loại nông sản: cà phê, tiêu, điều, cây ăn trái quanh năm xanh tốt. Cuộc sống ở thôn tuy chưa sung túc nhưng cũng tạm đủ cái ăn, cái mặc. Nhưng chẳng hiểu sao những người đàn ông trong xóm cứ lần lượt ra đi. Người mất vì bệnh tật, đi biển, kẻ thì bỏ vợ, bỏ con chạy theo “bóng hồng” khác… Bây giờ trong xóm có đến 22 người đàn bà không chồng, không ít nhà có tới 3 thế hệ đơn thân như nhà bà Bùi Thị Khái, Nguyễn Thị Tố.
Hoàn cảnh của những người bà, người mẹ ở đây tuy không ai giống ai nhưng họ có cùng một sự mất mát để tự tìm đến sẻ chia, đùm bọc lẫn nhau. Cả xóm có 40 hộ gia đình nhưng chỉ có vài cái ti vi để giải trí. Tối đến là khoảng thời gian vui vẻ nhất của người dân khu vực này. Họ góp bánh kẹo, trái cây, tập trung ở những nhà có ti vi để cùng ăn, cùng xem rồi tranh thủ tâm sự với nhau những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Sự tình cờ này đã gắn kết họ lại với nhau như một đại gia đình.
Quỹ tiết kiệm “Bến đợi” được thành lập từ những người đàn bà “cùng khổ”. Tuy mỗi lần chỉ nhận được hơn 1 triệu đồng nhưng số tiền tình nghĩa đó cũng đã giúp cho nhiều chị em vượt qua cơn ngặt nghèo.
Bài, ảnh: Nguyên Hải
Cuộc sống phía trước dẫu còn nhiều vất vả, khó khăn nhưng những người phụ nữ đơn thân ở “xóm đợi” vẫn luôn tin vào một ngày mai tươi sáng. Bởi tương lai của họ chính là những đứa con được trưởng thành từ tình yêu thương vô bờ bến của những người mẹ cô đơn. |
Bình luận (0)