Thôn Thái Bình, xã Đồng Thái (huyện Ba Vì) – một vùng quê nghèo ngoại thành Hà Nội – có một lớp học đặc biệt đã từng giúp nhiều học sinh nghèo phải bỏ học giữa chừng được học tiếp và trở thành người có ích cho xã hội.
Đặc biệt, người thầy của lớp học này, nay đã bước vào tuổi 90, vẫn luôn khơi lên trong mình ngọn lửa của việc “trồng người”.
Tiếng tăm của thầy Bùi Văn Huyền nổi tiếng khắp huyện, vì vậy tìm nhà thầy không mấy khó khăn. Chúng tôi đến nhà khi thầy đang chấm bài cho học sinh (HS). Thầy kể: “Những năm trước đây, Đồng Thái có nhiều HS bỏ học, vừa do hoàn cảnh nghèo túng, cũng có cả do học kém, rồi sinh ra chán nản. Phải chứng kiến cảnh đó, tôi thấy đau xót lắm”.
Nghĩ là làm. Sẵn với kiến thức trong nghề giảng dạy và niềm đam mê nghề, ngay sau khi về hưu, thầy Huyền đã mở một lớp học miễn phí cho các HS nghèo, HS bỏ học ngay trong ngôi nhà nhỏ 3 gian của ông. Lúc đầu, người dân địa phương biết thầy không lấy bất cứ một đồng học phí của ai, còn tỏ ý nghi ngờ.
Thế nhưng, sau một thời gian, mọi người mới thấy lớp học của thầy Huyền thực sự phục vụ cho mục đích “trồng người”, thế là ai cũng muốn gửi con cho thầy dạy. Những HS không được đi học vì gia cảnh khó khăn, những HS học kém đều được thầy Huyền dạy lại từ đầu cho tới khi đọc thông, viết thạo.
Ngoài việc dạy HS học đọc và làm toán, thầy Huyền còn chú tâm vào việc rèn nét chữ cho các em rất kỹ càng, vì thầy quan niệm “Chữ là người”. Khá nhiều HS của thầy được tham gia cuộc thi viết chữ đẹp cấp thành phố. Không chỉ dạy chữ, thầy còn rèn dạy các em cả tính cách.
Đối với các em có tật xấu như nói bậy, lấy cắp vặt, thầy gần gũi nhẹ nhàng bảo ban để các em dần sửa chữa. Thầy cũng chú tâm theo dõi từng em để hiểu và khuyến khích chúng phát huy mặt mạnh, khắc phục những yếu kém.
Chính vì thế, sau một thời gian, có những bác sĩ, cán bộ công chức, thậm chí có cả một số giáo viên đang dạy cấp I, II cũng gửi con cho thầy Huyền vì cách dạy của thầy hiệu quả. Tất cả đều không phải đóng học phí. Thỉnh thoảng, có vị phụ huynh thương thầy, đem tặng thầy gói bánh, cân đường thì thầy nhận, nhưng tiền thì tuyệt đối không. Người dân nơi đây bắt đầu gọi ông Huyền bằng “thầy Huyền” với tất cả sự kính trọng của mình.
Thầy tâm sự: “Lúc dạy cho các cháu mới thấy nhiều sự đáng buồn. Nhiều cháu đã học đến lớp 3, nhưng khi cho đọc lại chương trình của lớp dưới thì không biết gì, như chưa từng học qua vậy”.
Với bề dày kinh nghiệm và kiến thức trong nhiều năm đứng lớp, thầy Huyền đã tự biên soạn ra cuốn “Dự biên chữ viết Việt Nam” để dâng mừng Đại hội Đảng lần thứ VIII. Đây là công trình mà thầy Huyền đã dành khá nhiều tâm huyết nghiên cứu, đã được Bộ GDĐT đánh giá là một công trình khoa học có giá trị.
Với những thành tích đã mang lại cho vùng quê nghèo, thầy Bùi Văn Huyền đã vinh dự cùng 109 thầy, cô giáo – đại diện cho thế hệ nhà giáo tiêu biểu – được diện kiến Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết năm 2007. Thầy Huyền cũng đã 2 lần được tặng Huy hiệu Bác Hồ.
Tiến Dũng (Theo Lao động)
Bình luận (0)