Ai cũng biết ngày 20/11 là Ngày Nhà giáo Việt Nam, tôn vinh những con người đang cần mẫn giáo dục và đào tạo những thế hệ tương lai. Thế nhưng, có làm giáo viên giáo dục đặc biệt thì mới thấy nó còn có ý nghĩa khác…
Nhân ngày 20/11, được sự tài trợ của Ngân hàng Deutsche, ngày 16/11, Hội Khuyến học TPHCM đã tổ chức một ngày hội dã ngoại tại Đầm Sen cho giáo viên và học sinh 4 trường giáo dục khuyết tật trên địa bàn TPHCM là Trường Giáo dục đặc biệt Gia Định, Trường Khuyết tật thính giác Hy Vọng 1, Trường Khiếm thính Bình Thạnh, Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu.
Gặp gỡ các cô giáo tại ngày hội này, lần đầu tiên mới thấy một ngày hội tôn vinh sứ mệnh nhà giáo không hoa nhưng đầy tiếng cười, người được tôn vinh thì mướt mồ hôi vì vất vả nhưng trong lòng vẫn ngập tràn hạnh phúc.
Anh quản trò hô vang: “Khi nào anh hô Amen thì các em để tay thế này, hô Adi thì để tay thế này, Alô thì thế này, Ala thì…”. Chỉ một trò chơi tập thể đơn giản, nhưng tại khuôn viên của 4 trường chộn rộn hẳn lên.
Ở khu vực trường Giáo dục đặc biệt Gia Định, cô Lương Thị Thanh Tâm nhắc đi nhắc lại lời hướng dẫn của anh quản trò cho các em thuộc; vì các em là trẻ thiểu năng trí tuệ. Còn ở trường Hy Vọng 1 và Gia Định, hai cô giáo không chơi mà đứng múa tay tíu tít; để phiên dịch cho các em ấy mà, các em vốn bị khiếm thính (điếc).
Tại khu vực của trường Nguyễn Đình Chiểu, cô Trần Thị Tuyết Loan nắm tay từng em chỉ vẻ, “khi hô Adi thì để tay thế này, thế này, đừng cao quá nhé…”. Đơn giản vì các em ở trường này là học sinh khiếm thị, có em mù hẳn.
Sau 4-5 trò chơi tập thể, mặt mũi các cô ướt đẫm mồ hôi. Các cô cười cho biết: “Phải hướng dẫn từng tí các em mới chơi được. Với lại, nếu các cô không chơi thì các em cũng không chơi. Cho các em chơi một mình mà không kèm cặp cũng không an tâm, nhỡ xảy ra chuyện gì thì khổ”.
Cô Thanh Tâm, năm nay đã gần 70 tuổi, tâm sự: “Chăm các em cực lắm, chỉ mong cho tụi nó làm sao biết được cách sinh hoạt hàng ngày là mừng lắm rồi. Chứ còn học hành thì khó lắm. Có một phép tính đếm từ 1 đến 10 mà có khi phải mất mấy tháng mới nhớ được”.
Đó chỉ là một câu cảm thán. Còn khi chứng kiến cảnh các cô hướng dẫn từng em chơi mới biết chăm sóc và dạy dỗ trẻ khuyết tật khó khăn đến mức nào. Cô Tâm kể: “Tụi nó lớn vậy nhưng chẳng biết gì, nhiều khi còn tiêu tiểu ra quần bắt mình phải dọn. Nhiều lúc tụi nó bướng lên cáu xé thầy cô cũng phải nhịn, vì mình mà phản ứng lại thì tụi nó càng làm dữ. Tội nghiệp, tụi nhỏ có biết gì đâu!”.
Còn cô Tuyết Loan, một cô giáo trẻ chỉ mới ra trường 2 năm kể: “Hồi đi học, mình thấy trường có khoa mới là Giáo dục đặc biệt nên tò mò học thử. Khi đi làm rồi mới thấy là mình chọn không sai lầm, dù công việc rất khó khăn, thu nhập cũng chẳng được bao nhiêu. Vì… tình cảm của các em chẳng thể dứt ra được”.
Đó cũng không phải là sáo ngữ. Bởi với những học sinh khuyết tật, đặc biệt là các em khiếm thị, khiếm thính và thiểu năng trí tuệ, người thầy dạy dỗ đồng thời cũng chăm sóc các em cứ như một người mẹ, các em bám lấy và hỏi han mọi chuyện. Nó chính xác với câu: “Cô giáo như mẹ hiền”. Bởi, “nếu không có tình cảm với các em, không thể nào làm được”- cô Tuyết Loan tâm sự.
Và vì thế, trong ngày vui tôn vinh nhà giáo, các cô vẫn phải vất vả như chăm con mọn. Nhưng các cô vẫn “hạnh phúc vì có một ngày 20/11 thật ý nghĩa”, ý nghĩa vì “được thấy học trò mình chơi rất vui”. Đó là ý nghĩa của ngày 20/11 đối với các giáo viên giáo dục trẻ khuyết tật.
Nói như cô Lê Minh Ngọc – một cựu giáo viên dạy văn, nguyên Phó giám đốc Sở GDĐT TPHCM, nay là Phó giám đốc Quỹ Khuyến học Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Khuyến học TPHCM: “Hạnh phúc là được phục vụ”, có lẽ rất đúng với nghề giáo, càng đúng hơn với giáo viên giáo dục trẻ khuyết tật.
Tùng Nguyên
Theo Dân trí
Bình luận (0)