Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Sàn kịch chuyển mùa

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Tiểu Bảo Quốc và Bảo Châu trong vở "Thám tử siêu hạng"
Mùa kịch mới này sẽ là cuộc cạnh tranh giữa các sàn kịch TPHCM bằng việc chọn dàn dựng nhiều vở diễn được đánh giá là có chất lượng cao về mặt nghệ thuật.

Sau mùa kịch Tết, các sàn kịch TPHCM chuẩn bị cho một mùa kịch mới với nhiều vở diễn mang tính đột phá cả nội dung lẫn hình thức thể hiện đang được công diễn và dàn dựng.

Lần đầu nhạc kịch lịch sử lên sàn diễn

Sau thành công của vở Bí mật vườn Lệ Chi, sân khấu IDECAF đã đưa lên sàn tập từ cuối tháng 2 vở nhạc kịch Tình sử ngàn năm của tác giả Nguyễn Quang Lập, do đạo diễn-NSƯT Thành Lộc dàn dựng. Nhạc sĩ Đức Trí là người sáng tác nhạc nền và bài hát miêu tả tâm trạng của nhân vật Lý Thường Kiệt, hoàng hậu Thượng Dương và Tô Hiến Thành. Ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Sân khấu Thái Dương, cho biết: “Đây là điều tâm huyết của sân khấu chúng tôi khi quyết định thực hiện một tác phẩm nhạc kịch viết về nhân vật anh hùng trong lịch sử Việt Nam. Vở nhạc kịch này đã được đạo diễn -NSƯT Thành Lộc trao đổi rất chặt chẽ với tác giả Nguyễn Quang Lập và đi đến thống nhất một số tình tiết hư cấu, chỉnh sửa để vở diễn đạt chất lượng nghệ thuật như mong muốn. Phối hợp giữa diễn xuất với âm nhạc, trang phục, cảnh trí, chúng tôi rất tự tin khi thể hiện những tác phẩm nhạc kịch. Các diễn viên của chúng tôi hát rất hay nên vở diễn sẽ gặp nhiều thuận lợi. Vở diễn được đầu tư khoảng từ 350 triệu  đến 400 triệu đồng. Hiện các diễn viên đang gấp rút tập dượt để kịp ra mắt vở nhạc kịch này theo kế hoạch vào đầu tháng 4”. 

Làm mới kịch văn học chuyển thể

Phong phú kịch cho thiếu nhi

Sân khấu IDECAF còn dàn dựng chương trình Ngày xửa, ngày xưa lần thứ 18 với  tên Chàng lang thang và nàng tùy tiện (tác giả Minh Phương, đạo diễn Vũ Minh) có nội dung ca ngợi lòng tốt của con người, hướng con người biết đấu tranh trước những thói hư tật xấu nhưng không bằng vũ lực mà bằng trí thông minh. Vở được dàn dựng theo hướng nhạc kịch kết hợp với náo kịch, sẽ diễn  vào đầu tháng 4 tại Nhà hát Bến Thành.

Sân khấu Kịch Kim Châu của NSUT Hồng Vân cũng đã đưa lên sàn tập vở Cuộc chiến ẩm thực của đạo diễn Minh Nhí. Vở diễn khai thác chất dí dỏm giữa các tình huống và các nhân vật hài kịch được hư cấu bằng tên gọi các món ăn. Vở diễn khuyến cáo nạn béo phì của trẻ em và sự chiều chuộng quá mức của các bậc phụ huynh khiến con em dễ mắc bệnh béo phì. Sân khấu Kịch Kim Châu sẽ dàn dựng chương trình Những người thích đùa do nghệ sĩ Xuân Hương làm đạo diễn, trong đó có một phần nói về đề tài giáo dục trẻ em hiện nay trước thực trạng ghiền chơi game của một bộ phận học sinh do thiếu sự quan tâm của gia đình.

Sàn diễn sân khấu Kịch Phú Nhuận đang ráo riết dựng vở Giông tố, tác giả Lê Chí Trung chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Vũ Trọng Phụng, do NSƯT Hồng Vân đạo diễn. Nói về ý đồ dàn dựng, Hồng Vân cho biết: “Sân khấu sẽ phục hiện đúng cảnh trí của làng quê miền Bắc, tôi muốn khán giả cùng với các nhân vật bước vào đời sống xã hội miền Bắc những năm thập niên 30 của thế kỷ trước,  nơi mà những thân phận cùng đinh, nghèo khổ đã phải sống cam chịu trước bao bất công. Vẫn với cặp diễn viên chính Bình Minh (vai Long – tác giả Vũ Trọng Phụng) và Mịch (Lan Phương), vở diễn này sẽ nằm trong kế hoạch tổ chức biểu diễn phục vụ học sinh, sinh viên tại Kịch Phú Nhuận trong chương trình đưa sân khấu vào trường học, do Sở GD-ĐT TPHCM kết hợp với Kịch Phú Nhuận thực hiện, song song với việc phục vụ công chúng rộng rãi”.

Nét độc đáo mang tính đột phá của Kịch Phú Nhuận trong thời điểm này là khâu hoàn chỉnh về thiết kế mỹ thuật các vở diễn của mình.

Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TPHCM vẫn gấp rút tập vở Lôi vũ (tác giả Tào Ngu, đạo diễn-NSƯT Việt Anh), với cách thể nghiệm cảnh trí mang tính ước lệ gắn với diễn xuất hình thể. NSƯT Việt Anh cho biết: “Các bạn diễn viên trẻ có ưu thế thể hiện hình thể và dùng ngôn ngữ hình thể để thể hiện nội tâm nhân vật. Do đó nét mới trong dàn dựng kịch bản kinh điển đậm chất văn học này chính là đi sâu vào việc tạo nét đẹp hình thể kết hợp biểu hiện nội tâm nhân vật trên sân khấu. Vở Lôi vũ đã được nhiều ê-kíp đi trước sáng tạo, do đó khi dựng cho các diễn viên trẻ, chúng tôi phải tìm chìa khóa sáng tạo mới”.

Kịch dân gian, hài thời sự hứa hẹn hấp dẫn

Ra mắt tối 12-3, vở Thám tử siêu hạng của sân khấu Kịch Sài Gòn, mang đậm chất hài kịch trinh thám, có nội dung nhẹ nhàng, gần gũi với khán giả bình dân. Vẫn trung thành với dòng kịch sinh hoạt đời thường, vở hài kịch này kể về chàng xe ôm chuyên chở các bà vợ đi bắt ghen chồng, khi làm ăn khấm khá, anh quyết định lập công ty chuyên “hỗ trợ các vụ đánh ghen”. Không ngờ, nghề thám tử đã gây ra cho anh nhiều phiền toái trong cuộc sống. Nhờ cô vợ thông minh, ứng biến kịp thời trong mọi tình huống nguy hiểm mà anh đã thoát khỏi bi kịch do chính mình tạo ra. Với kinh nghiệm là một diễn viên hài, nghệ sĩ Hữu Nghĩa đã tạo được tiếng cười đậm chất đời thường qua vở diễn.

Kịch trinh thám đang có xu hướng quay lại với người xem, khi sân khấu Kịch Kim Châu đưa lên sàn tập vở Điệp viên không không… thấy của tác giả Lê Văn Nghĩa, Thế Ngữ, do NSƯT Hồng Vân đạo diễn. Vở kịch này được ghép lại từ 5 bài phiếm luận của nhà báo Lê Văn Nghĩa đăng trên báo Tuổi Trẻ Cười, mà theo NSƯT Hồng Vân: “Bút pháp chuyển thể của tác giả Thế Ngữ thật sự hấp dẫn nghệ sĩ chúng tôi. Vở diễn sẽ đặt trọng tâm khai thác sự hồi hộp, xen lẫn những tình huống gây tò mò, gay cấn nhưng mang lại những tiếng cười sảng khoái. Nghệ sĩ đất Bắc nổi tiếng Đức Sơn (Nhà hát Kịch Hà Nội) vào cộng tác với chúng tôi và sẽ có mặt trong chùm hài kịch này”.

Kịch IDECAF có thêm một vở diễn mới sắp ra mắt khán giả, đó là vở Trai làng (tác giả Mỹ Dung). Câu chuyện khai thác đời sống Nam Bộ vào thập niên 30 thế kỷ trước, kể về hai gia đình sui gia đi tìm kho báu để rồi xảy ra những xung đột giữa họ. Đạo diễn Vũ Minh cho biết anh chưa hài lòng với tựa Trai làng, do đó, anh sẽ đổi lại tựa và cách dàn dựng của anh thiên về việc tả thực với bối cảnh làng quê nông thôn đúng với thời điểm xảy ra vở kịch.

Đạo diễn Trần Minh Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, nhận định: “Khán giả đã quen với những thương hiệu kịch của TPHCM, do đó đã qua rồi cái thời cứ ra vở mới ắt sẽ có khán giả, thời điểm này là lúc các sàn diễn nỗ lực hết mình để tạo uy tín cho thương hiệu của mình. Tôi nhận định mùa kịch này sẽ có nhiều vở mới đúng tầm, tạo bước đột phá”.

Theo Thanh Hiệp / NLĐ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)