Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Người thu phục học trò

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Cô Hoàng Liên Minh và học trò cũ Nguyễn Văn Lộc - Ảnh: T.V.HàCó những học trò không trường nào dám nhận, những học trò rơi vào cảnh cùng cực không chỗ dựa tinh thần đã được cô giáo Hoàng Liên Minh (Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội) đón nhận, chỉ đơn giản vì “chúng là những đứa trẻ cần được giúp đỡ”.

Chuyển từ Hà Tĩnh về Hà Nội năm 1993, cô giáo Hoàng Liên Minh vào dạy ở Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, một địa chỉ tiếp nhận những học sinh cá biệt, có hoàn cảnh khó khăn của Hà Nội. Lương giáo viên ít ỏi, cô Minh vừa đi dạy vừa phải làm thêm nhiều việc để có thu nhập nuôi hai con. Xoay xở với cuộc sống thường nhật, mãi khi các con khôn lớn gia đình cô mới có được căn nhà rộng chưa đến 14m2. Vào thời điểm đó không ít người nghĩ cô Minh bị “khùng” khi nhận một học trò nghèo về nuôi, yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ như con ruột.

Chuyện từ căn nhà 14m2

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Anh Nguyễn Văn Lộc nói về cô giáo của mình: “Cô biết hết chúng tôi nghĩ gì, định làm gì. Những đứa học trò trông ngông nghênh, phớt đời nhưng thực chất đều là những đứa thèm tình cảm, thèm được tin yêu. Có lẽ cô hiểu điều đó và sẵn sàng chia sẻ những gì học trò của mình cần, thiếu thốn nên cô có thể thu phục được những học trò ngổ ngáo nhất, phá phách nhất”.

Đứa con nuôi cũng là học trò của cô Minh là Nguyễn Văn Lộc, quê ở Nam Định. Nhà Lộc nghèo lại đông anh em, các anh chị của Lộc đều là công nhân Nhà máy Dệt Nam Định đang thất nghiệp. Với gia cảnh ấy, Lộc đứng trước nguy cơ phải bỏ học giữa chừng. Lộc theo bạn lên Hà Nội, ở nhà một người họ hàng và xin vào học Trường Đinh Tiên Hoàng.

Thấy nét mặt lúc nào cũng buồn, lủi thủi một góc lớp của Lộc, cô Minh đã lặng lẽ tìm hiểu hoàn cảnh của em. Người bất đắc dĩ cho Lộc ở trọ đang muốn đẩy em ra đường. Cô Minh lặn lội về Nam Định, gia đình Lộc đã không cầm được nước mắt trước đề nghị của cô giáo: “Tôi muốn em về ở nhà tôi để học hết lớp 12. Tôi sẽ coi Lộc như con tôi”.

Từ đó gia đình cô giáo Minh thêm một thành viên. Lộc bây giờ đã là một kỹ sư và có gia đình riêng. Lộc kể: “Chúng tôi thời đó không bao giờ có khái niệm ăn sáng vì gia đình cô giáo nghèo lắm, thêm tôi càng khó khăn hơn”. Giải thích với đồng nghiệp, cô Minh nói: “Hai con tôi trước đây đều thuộc diện học sinh nghèo vượt khó cả, nên giúp thêm một học sinh nghèo vượt khó khác cũng là chuyện bình thường”.

Nhưng có những chuyện với người khác thì không thể xem là bình thường. Thay vì dành tiền mua xe đạp cho con, cô Minh đã san sẻ số tiền ít ỏi để lo cho nhiều học trò của mình, còn con phải đi bộ đến trường, phải phụ giúp mẹ làm việc nhà. Khi con vào đại học, cô vẫn không có tiền mua xe đạp cho con. Nhưng ngoài Lộc cô còn giúp đỡ rất nhiều học sinh khác. Lộc cho biết: “Thời gian ở với cô có nhiều buổi tối tôi cùng cô đến nhà các học sinh khác. Có khi đến để trao đổi với cha mẹ các em, có khi đưa một học sinh đi cấp cứu, giải quyết một vụ ẩu đả của học sinh với nhau, hay không ít lần chỉ rong ruổi đi tìm những nơi mà học sinh của cô hay tụ tập chơi bời để khuyên nhủ”.

Có một học sinh là Nguyễn Văn Chuyên, quê Vĩnh Phúc, bố mẹ bỏ nhau, mẹ Chuyên là bệnh binh, nhà trong diện giải tỏa phải thuê nhà ở bãi Phúc Xá, Hà Nội. Hai anh em Chuyên một buổi đi học, một buổi đi bán nước, đánh giày. Không thể nhận thêm một học trò nữa về nhà ở nhưng cô Minh thường xuyên mua sách vở, quần áo, cho tiền để động viên Chuyên vượt lên khó khăn. Tết đến, mấy mẹ con cô hì hụi gói bánh chưng, làm mứt tết mang cho mẹ con Chuyên đang tá túc ở gầm cầu Long Biên. Tình cảm của cô giáo đã giúp Chuyên vượt qua hoàn cảnh khó khăn để tốt nghiệp THPT, thi đỗ Trường cao đẳng Thái Nguyên.

Lộc vừa cưới vợ và cô Minh là người đứng ra tổ chức lễ cưới cho anh. Lộc nói: “Trong cuộc đời tôi có một khúc quanh co, nhưng theo tôi, đó là khoảng ký ức đẹp nhất trong cuộc đời vì tôi luôn có cô Minh bên cạnh”.

Người cô – người mẹ

Cô Hoàng Liên Minh: “Giúp thêm một học sinh nghèo vượt khó cũng là chuyện bình thường” - Ảnh: T.V.HàKhông bao giờ cho phép mình từ chối giúp đỡ một học trò nào và theo đuổi đến cùng đến khi các em nên người là điều cô Minh lựa chọn. Cứng rắn, nghiêm khắc, song lại là người có thể hiểu thấu suy nghĩ, nỗi niềm của các em, chính vì thế mà nhiều đứa trẻ ngỗ nghịch tưởng “hết thuốc chữa” đã đổi thay khi giao cho cô.

Một học sinh được cô Minh lôi từ chốn chơi bời về là em D.T.T. – hiện là một giáo viên. T. là con một gia đình khá giả, được nuông chiều nên chơi bời, phá phách, tiêu tiền như nước và bị trường đuổi học. Không nói được con, cha mẹ T. cũng chán nản, bỏ mặc. Không ai tin T. nên em càng tiếp tục cuộc sống tiêu cực. Cô Minh kiên trì hết ngày này qua ngày khác đến những nơi T. chơi bời, tìm gặp những người em giao du, thuyết phục T. từ bỏ cuộc sống buông thả. Cô Minh đã chủ động đi tìm thầy để T. học bù những kiến thức bị hổng. Niềm tin và sự kiên nhẫn của cô giáo đã khiến T. thay đổi. Em thi đỗ đại học và cũng chọn nghề dạy học để trả ơn người đã mở cho em con đường quay về.

Nguyễn Quang Hưng – học trò của cô Liên Minh, học lớp 12 Trường Đinh Tiên Hoàng là con của một tử tù, hiện sống với bác ruột. Mặc cảm vì hoàn cảnh, chán chường khi không còn cha mẹ ở bên, Hưng đã nghĩ đến việc bỏ học. Nhiều đồng nghiệp của cô Minh can: “Đừng nhận cậu học trò ấy”, nhưng cô Minh không nghe. Cô nhận Hưng với một “thành tích” học tập đầy u ám ở lớp 10 một trường bán công tại Hà Nội: toán 3,8 điểm, lý 2,2, hóa 2,7, văn 3,9… Và với sự sẻ chia đầy cảm thông, sự kèm cặp mưa dầm thấm lâu, chỉ sau một năm học Hưng đã tiến bộ hẳn. Vốn không phải học sinh chậm tiếp thu, Hưng chấp nhận học lại những gì đã bỏ qua và đạt kết quả đáng ngạc nhiên: học sinh tiên tiến ở học kỳ 1, học sinh giỏi học kỳ 2 của lớp 11.

Nguyễn Quang Tiến, một học trò khác từng có một “bộ sưu tập” những trò phá phách bất tận, kể: “Cô Minh không giống thầy cô giáo khác là hễ em có một lỗi ở trường liền điện thoại cho bố mẹ để bố mẹ đánh mắng. Trước đây em quen với việc không được tin tưởng, luôn bị mắng mỏ, rồi bị đuổi học, các thầy cô không ai muốn nhận em. Mọi cánh cửa đều đóng lại. Nhưng cô Mình thì khác, ngày cô chính thức nhận em về lớp, nhận sẽ giúp đỡ em là ngày em không bao giờ quên. Cô không bao giờ điện thoại mách tội với bố mẹ em, nhưng từ khi nào chẳng biết cô đã biết tất cả về em, đã gặp những người thân của em… Cô cho em làm lớp phó phụ trách kỷ luật. Và em đã không thể không thay đổi”.

Thầy Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng Trường Đinh Tiên Hoàng, nhận xét: “Cô Liên Minh có biệt tài nắm tâm lý học trò và sử dụng những phương pháp giáo dục linh hoạt. Thời nay hiếm thầy cô giáo ở thành phố đến nhà học trò nhưng đó lại là công việc thường xuyên của cô”. Không chỉ là người thầy trên bục giảng, cô thật sự còn là một người mẹ của nhiều đứa trẻ khó khăn, lạc đường.

TRỊNH VĨNH HÀ (Theo TTO)

Bình luận (0)