Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nghề nuôi ngựa đua đã hết thời!

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Nguyễn Bá (bên phải) bên con ngựa giống mà ông quyết giữ lại

Nghề nuôi và chăm sóc ngựa đua đang dần “chết” vì thú chơi ngựa đua không còn thịnh hành. Giờ đây, các nơi nuôi ngựa đua nổi tiếng một thời chỉ còn trong quá khứ.
Nghề nuôi ngựa đua không còn “đất” sống
Xóm Đình, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An là địa phương nổi tiếng với nghề nuôi ngựa đua. Đây còn là nơi cung cấp cho trường đua Phú Thọ nhiều thế hệ nài ngựa nổi danh. Đặc biệt, nghề chăm sóc ngựa (nghề mã phu) là cái nghề “cha truyền con nối” được nhiều chủ ngựa từ khắp nơi về “săn” đón. Ông Phan Văn Minh, chủ một lò cung cấp ngựa đua có tiếng ở xóm Đình nói: “Chỉ mới năm ngoái, nghề nuôi và chăm sóc ngựa còn có giá mà nay lại rẻ như bèo”.
Khi mới rẽ vào xóm Đình, tôi cũng cảm nhận được sự hiu quạnh đang bao trùm cái xóm lâu nay luôn vồn vã với cái nghề nuôi ngựa. Tôi vẫn nhớ như in lời nói gần chục năm trước của các bậc tiền bối trong nghề: “Tương lai nghề nuôi ngựa đua sẽ phát triển tốt đẹp”. Vậy mà…
Giải thích nguyên nhân vì sao nghề nuôi và chăm sóc ngựa “chết”, người trong nghề cho rằng thú chơi ngựa đua không còn là thú chơi thời thượng. Hơn nữa, các trận đua hàng tuần cũng đã giảm đáng kể so với trước. Nghề nuôi ngựa đua dần “chết”, nhiều chủ ngựa chuyển đổi mô hình làm kinh tế khác kéo theo nghề mã phu vàng son ngày nào cũng không còn “đất” sống. Ông Minh có ba người con trai, đứa nào cũng học đến lớp 5 là đi làm mã phu. Em Phan Văn Hùng, con trai đầu của ông Minh mới 23 tuổi nhưng đã có hơn 10 năm trong nghề mã phu. Khi mới 15 tuổi, Hùng đã được nhiều chủ ngựa “săn đón” với mức lương hậu hĩnh, nhưng nay phải chuyển sang làm phụ hồ. Cậu em út của Hùng cũng chẳng kém anh nhưng rồi cũng đã rời xóm Đình lên TP.HCM tìm việc làm. Ông Minh tâm sự: “Gia đình tôi nuôi ngựa đua mấy đời, chính tôi cũng không ngờ cái nghề này lại sớm mai một như thế này”.
Giống tình cảnh nhà ông Minh, gia đình ông Nguyễn Bá, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An đành chịu lỗ để cố giữ hai con ngựa giống nhưng không cho đẻ. Ông Bá phân trần: “Ngựa con đẻ ra, nuôi lớn đẹp và tốt chẳng kém trước nhưng không ai mua chú à. Cách đây một năm, ngoài việc nuôi ngựa giống tại nhà, tôi còn nhận chăm sóc và nuôi dưỡng hơn chục con ngựa đua ở TP.HCM. Nhưng bây giờ, cái nghề chăm sóc ngựa không ai cần đến nữa. Không chỉ mất đi một khoản thu nhập lớn của gia đình mà gần chục người làm thuê suốt nhiều năm cho mình phải thất nghiệp”.
Quyết giữ nghề!
Lò ngựa đua của ông Nguyễn Tấn ở phường Thạnh Xuân, quận 12, TP.HCM có 5 con ngựa đua của các “đại gia” gửi ông Tấn chăm sóc. Nhưng trước lúc tôi đến một tuần, chỉ còn hai con. Chỉ tay về hướng chú ngựa to cao đang ăn cỏ sau nhà, ông Tấn cho biết: “Đó là con “Đại Chiến”. Nó đua trăm trận trăm thắng và mang lại cho ông chủ biết bao nhiêu tiền từ cá cược. Vừa rồi ổng nói giải thể, tôi nghe mà buồn chẳng muốn ăn. Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi năn nỉ ông chủ để lại với giá rẻ để được gần gũi nó. Thấy tôi thương con “Đại Chiến” quá nên ổng tặng luôn”.
Trầm ngâm hồi lâu, ông Tấn tiếp: “Không giấu gì chú, nhà tôi thiếu trước hụt sau, lo cái ăn cho các con chưa đủ nhưng phải lo thêm cái ăn cho ngựa. Nghề mã phu là nghề cha truyền con nối, dù khó khăn cách mấy cũng ráng giữ cho hết cái đời của mình”.
Chỉ còn vài hôm nữa là mã phu Võ Hoàng Khanh (làm thuê tại trại ngựa của ông Tấn) phải xa con “Lục Sắc”. “Lục Sắc” là tên con ngựa mà Khanh đã gắn bó từ hơn 7 năm qua. Khanh tâm sự: “Bất đắc dĩ phải bỏ nghề chứ trong lòng không vui chút nào. Những hôm ngựa sắp ra trường đua, mã phu làm việc quá sức, đêm nằm nghĩ phải bỏ cái nghề khó nhọc này để kiếm một nghề khác nhàn hạ hơn khó lắm, nghỉ một ngày đã thấy nhớ. Không ít người chê cười, bảo hết chuyện làm hay sao mà đi hốt phân ngựa, cắt cỏ, tắm ngựa… nhưng mình bỏ ngoài tai. Làm nghề nào mình yêu thích, có thu nhập ổn định là hạnh phúc rồi”.
Không còn làm mã phu gần năm nay nhưng trò chuyện với tôi, mã phu Hùng không ngăn được nỗi buồn lộ rõ trên khuôn mặt. “Những đêm ngựa đau ốm, sinh nở… mã phu phải thay phiên trực ở chuồng ngựa tiện bề trông coi. Lúc ngựa đau mã phu cũng bỏ ăn, không may ngựa chết cũng xin được chít khăn tang… Vốn đã quen với công việc, gần gũi với ngựa như thế thử hỏi khi bỏ nghề ngang xương ai chẳng buồn”, mã phu Hùng tâm sự.
Bài, ảnh: Trần Tuy An
“Với mã phu, ngựa nào mình từng chăm sóc đều xem như con của mình. Cứ nghĩ đến chuyện ngựa phải về với chủ mới, mã phu mới và cũng có thể bị xẻ thịt là lòng tôi đau nhói”.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)