Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Lâm Đồng: Phát hiện xác tê giác Java tại vườn quốc gia Cát Tiên

Tạp Chí Giáo Dục

Vườn quốc gia Cát Tiên và Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) Việt Nam xác nhận: xác một cá thể Tê giác Java vừa được phát hiện tại Vườn Quốc gia Cát Tiên và có dấu hiệu của sự sát hại lấy sừng.

Phục hồi bộ xương phát hiện được tại vườn QG Cát Tiên 
Được người dân phát hiện và thông báo ngày 29/4, một đội tuần tra của Vườn Quốc gia lập tức được điều đến hiện trường và xác nhận đó là xác của Tê giác Java – một trong những loài động vật quý hiếm nhất trên thế giới mà Việt Nam tự hào có được. 
Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu được gần như toàn bộ bộ xương của một cá thể Tê giác (52,5 kg), không phát hiện dấu vết bẫy hoặc hiện tượng giãy chết do bị săn bắn, nhưng tại vị trí đầu mõm trên của Tê giác có dấu vết dao, khả năng sừng của Tê giác đã bị lấy mất. 
Do đó nhiều khả năng cá thể Tê giác này bị giết bởi những kẻ săn trộm. Hiện nay Vườn Quốc gia Cát Tiên đang phối hợp với các ban ngành của tỉnh Lâm Đồng để điều tra làm rỏ nguyên nhân cái chết của cá thể Tê giác và truy tìm chiếc sừng Tê giác nói trên. 
Ông Trần Văn Thành, Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Tiên nói: “Đây thực sự là một bài học đắt giá cho mọi người về việc bảo tồn các loài động, thực vật quý hiếm và môi trường sống của chúng tại Việt Nam”. 
Tê giác Java tại VQG Cát Tiên chụp bằng hệ thống máy ảnh gắn cảm biến hồng ngoại. 
Còn theo ông Huỳnh Tiến Dũng, Trưởng Ban quản lý Chương trình (WWF Chương trình Việt Nam) thì: “Việc cá thể Tê giác này bị giết trộm cho thấy tình trạng nguy hiểm mà các loài thú quý hiếm như Tê giác và hổ đang phải đối mặt hiện nay tại Việt Nam”. 
Theo luật pháp Việt Nam, việc buôn bán và sử dụng bất kỳ một bộ phận nào của động vật quý hiếm như Tê giác Java là bất hợp pháp và có thể bị kết án tù. 
Tê giác Java Việt Nam (Rhinoceros sondaicus annamiticus) là một trong hai quần thể Tê giác duy nhất còn sót lại trên trái đất và đến bây giờ vẫn chưa thể thống kê một cách chính xác số lượng tại Việt Nam mặc dù WWF đã sử dụng chó nghiệp vụ để tìm kiếm phân loại tê giác tại Vườn Quốc gia Cát Tiên nhằm xác định hiện trạng số lượng cá thể, giới tính, tuổi của tê giác tại đây. 
Việt Hưng (dantri)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)