Chương trình “Can thiệp sớm” là một mô hình thành công mà Trường Hy Vọng (dạy trẻ khuyết tật – Q.6) áp dụng từ năm 2005. Bằng sự nỗ lực của mình, cô Nguyễn Thị Xuân Mai (ảnh) đã giúp không ít học sinh khiếm thính ở đây hòa nhập vào cộng đồng.
Phụ huynh là nền tảng
Là giáo viên chính trong chương trình “Can thiệp sớm”, cô Mai chưa bao giờ nghĩ mình sẽ thay thế vai trò của phụ huynh trong việc dạy các bé mà cô luôn đặt phụ huynh là nền tảng cơ bản. Bởi theo cô Mai “phải nâng cao vai trò của phụ huynh trong việc giúp con mình phát triển thì mới mong các bé đạt được kết quả tốt”.
Những người đến đây lúc đầu thường không ổn định về tâm lí bởi họ không tin con mình lại như thế, lúc này cô Mai phải là người giúp đỡ, định hướng cho họ. Cô Mai nói “Đứa con mình đã tạo ra rồi, cuộc đời bé như một chuỗi thời gian nó phải tiến chứ không lùi được, mà có dạy bé mới phát triển”. Vì vậy cô Mai luôn cố gắng hết sức mình để chia sẻ với phụ huynh và giúp đỡ các bé. Cô Mai luôn sáng tạo trong từng bài giảng dù là dạy bé hát hay đọc chữ “nếu không đổi mới bài học các bé sẽ chán không chịu học” – cô Mai tâm sự. Những dụng cụ giảng dạy của lớp “can thiệp sớm” đều do cô Mai tự làm hết. Biết được điều đó chị Nguyễn Huỳnh Ngọc Trang (phụ huynh bé Lê Thiện Nhân) đã làm những bộ đồ chơi hình con vật, chữ cái bằng vật dụng gia đình… đem tặng cho cô Mai.
Hiện nay lớp cô Mai có 12 bé (trong đó bé Ngọc Linh là một trường hợp đặc biệt, bé không chỉ bị khiếm thính mà còn mang trong mình nhiều căn bệnh). Đôi lúc cô Mai nhìn bé Ngọc Linh mà cảm thấy nản lắm nhưng chính sự đồng cảm với nỗi đau của bé cô lại cố gắng.
Và đúng là trời không phụ lòng người mỗi năm lớp cô Mai có đến 3, 4 bé được ra ngoài học hòa nhập ở các trường bình thường, số lượng này luôn thay đổi tùy theo mức độ phát triển của bé.
Nói về cấp dưới của mình cô Võ Ngọc Thúy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Cô Mai có tính tình tốt và chuyên môn giỏi, đây là lực lượng kế cận đáng tin cậy”.
Nghề chọn người
Tốt nghiệp CĐ Sư phạm Mầm non và gắn bó với nghề được 2 năm thì cô Mai phải nghỉ vì bị giảm biên chế (1995). Đúng lúc này thì Trường Hy Vọng được thành lập, sau một thời gian đắn đo, do dự vì bị gia đình chồng phản đối nhưng cuối cùng cô đã quyết định “đầu quân” cho trường. Cô Mai cho biết: “Học mầm non mà dạy khuyết tật là điều tôi không bao giờ nghĩ đến nhưng có lẽ vì nghề đã chọn mình”.
“Cô Mai đã dạy cho tôi những kỹ năng để tôi có thể dạy cho con tôi. Nhiều lúc có những tình huống ngoài ý muốn xảy ra tôi gọi điện cho cô Mai, dù bất cứ lúc nào, khi nào cô đều nhiệt tình chỉ cách cho tôi giải quyết”. Chị Phan Thị Một – phụ huynh bé Đào Kim Bảo Trân cho biết. |
Dạy một đứa trẻ bình thường đã rất vất vả huống hồ đây lại là những đứa trẻ khuyết tật phải nói con đường để cô, trò hòa hợp là một chặng đường khó khăn, bởi vậy cô Mai luôn buộc mình phải lắng lại nghe bé nói và dùng trái tim của mình để hiểu các bé muốn gì. Qua trò chuyện với cô tôi biết để làm được điều này hoàn toàn không phải dễ, cô Mai phải học tập rất nhiều (học qua đồng nghiệp, qua sách báo…).
“Giáo dục là một nghề đặc biệt và dạy trẻ khuyết tật lại càng đặc biệt hơn, đây là một công việc khó khăn nên người giáo viên phải luôn chuẩn bị về tâm lí, không chỉ tâm lí để đối diện với các bé mà còn là tâm lí đối diện với mọi người xung quanh mình, họ vốn rất kì thị vì “hết việc gì làm sao lại phải đi dạy những đứa trẻ không bình thường”” – cô Mai tâm sự.
Khi tôi hỏi cô có ý định trở lại dạy ở trường mầm non không? cô Mai mỉm cười “Với tôi hạnh phúc là khi thấy các bé phát triển dù phải trải qua một chặng đường khá dài và đầy khó khăn”.
Cô không trả lời câu hỏi của tôi nhưng tôi biết cô sẽ luôn gắn bó với ngôi trường này vì cô nhìn thấy ở những đứa trẻ khiếm thính này có một nghị lực sống mãnh liệt. Và cô Mai sẽ là người góp phần thắp sáng niềm hy vọng ấy trong mỗi bé.
NGỌC THỦY
Bình luận (0)