Một bộ sưu tập địa bạ gồm trên 16.000 quyển do gần 20 ngàn con người soạn thảo trong vòng 35 năm mới hoàn thành nhưng hiện đang bị cất một xó, chẳng ai đoái hoài.
Sau khi thống nhất cả nước và lập nên vương triều nhà Nguyễn, vua Gia Long đã cho soạn thảo bộ địa bạ này. Khởi công từ năm 1805, mãi hơn 30 năm sau (năm 1839) nó mới hoàn thành.
Với số lượng ban đầu là gần 18.000 quyển do gần 20.000 nho sĩ soạn thảo trong hơn 30 năm, bộ địa bạ về các làng xã Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ 19 được xem như là bộ địa bạ cổ nhất và đầy đủ nhất nước ta. Nó ghi rõ vị trí từng làng xã, diện tích từng mảnh đất, chủ sở hữu là ai, nhờ đâu mà được sở hữu mảnh đất ấy, mảnh đất ấy trồng gì, thu hoạch ra sao…
Nhưng sau khi hoàn thành không lâu, đất nước rơi vào cảnh binh đao chiến loạn, bộ địa bạ ấy bị xếp xó trong Tàng thư lâu ở kinh thành Huế, và nó bị người đời lãng quên. Hàng ngàn cổ vật của kinh thành bị đánh cắp trong thời gian ấy, nhưng chẳng ai muốn đánh cắp một bộ sưu tập lớn tương đương một cái thư viện làm gì. Nhờ đó, nó còn đến nay.
Mãi đến năm 1959, nhận thấy giá trị của bộ sưu tập này, chính quyền Miền Nam lúc ấy đã chuyển toàn bộ bộ sưu tập cùng một số tấu chương có bút phê của các vua triều Nguyễn (châu bản) về bảo quản tại Đà Lạt. Nó tiếp tục bị lãng quên vì những biến động liên miên của chính quyền Miền Nam. Đến tháng 3/1975, những tài liệu này được vội vã đưa về Sài Gòn, giấu kín dưới mật thất của Dinh Độc Lập (lúc ấy là Dinh Tổng Thống).
Rất may, khi nó được đưa về Sài Gòn thì nhà nghiên cứu lãnh thổ quốc gia Nguyễn Đình Đầu biết được. Là một người say mê nghiên cứu bản đồ, địa danh, địa bạ từ nhỏ, khi thấy một tác phẩm địa bạ đồ sộ đến thế, ông sướng đến run người. Đó có thể gọi là “duyên kỳ ngộ” giữa một người đam mê nghiên cứu và những tư liệu sống động, quý giá nhất.
Nhưng ông Nguyễn Đình Đầu chưa kịp làm gì thì giải phóng. Chính quyền bận rộn công tác tiếp quản nên cũng chưa có thời gian để ý đến những việc như thế. Gần một năm sau, dựa vào mối quan hệ với các ông Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng, ông Đầu đã xin được phép nghiên cứu số tư liệu này (lúc đó, nó được chuyển về Trung tâm Lưu trữ quốc gia).
Từ đó, ông bắt đầu quãng thời gian hơn 30 năm nghiên cứu bộ địa bạ khổng lồ, nay chỉ còn hơn 16.000 quyển. Nhưng như thế cũng đáng để người đời trầm trồ thán phục.
Những giá trị không ngờ
Để rõ bộ sưu tập này quý đến chừng nào, xin dùng lời của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, người đã có hơn 30 năm trăn trở, nghiên cứu bộ sưu tập này: “Cứ xét một góc cạnh “nhỏ bé” mà tôi nghiên cứu được thôi, khi thống kê những số liệu ở đây, chúng ta có thể nhận ra và giải thích một cách khoa học nhiều vấn đề của xã hội phong kiến triều Nguyễn cũng như đời sống người Việt cách đây hàng trăm năm”.
Chỉ cần thống kê các con số, ta có thể khái quát toàn bộ tài nguyên, nhân vật lực và sản vật cả nước trong giai đoạn ấy. Từ đó, ta có thể biết được người dân ta thời ấy dùng chất liệu gì để may y phục là phổ biến, dựa vào số liệu tơ tăm, cây đay… trên toàn quốc. Từ đó ta có thể biết từng mảnh đất cha ông đã gầy dựng nên từ hàng trăm năm trước nay đã dời đổi ra sao. Từ đó, ta có thể biết được lãnh thổ ta từng rộng lớn thế nào…
Hay như vấn đề nữ quyền thời phong kiến. Các nhà văn hóa, lịch sử đều cho là người phụ nữ Việt
Còn quan điểm tầng lớp quan lại và tổng lý là những kẻ chiếm hữu ruộng đất nhiều nhất thì bị những con số bác bỏ hoàn toàn. Vì thống kê cho thấy: Riêng huyện Bình Dương (nay là địa bàn TPHCM) có 368 quan lại và tổng lý, thì 272 người (gần 74%) không có đất cắm dùi, 86 người có từ 1 sào đến dưới 10 mẫu, chỉ có 9 người có trên 10 mẫu. Ngay Tả quân Lê Văn Duyệt – người quyền thế nhất miền Nam cũng chỉ có 50 mẫu.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu cho rằng: “Ở miền
Giáo sư Trần Văn Giàu cũng nhận định: “Dựa vào nghiên cứu của Nguyễn Đình Đầu, chúng ta nhận thấy xưa nay đã quy kết không chính xác quan lại, tổng lý là “cường hào ác bá” chiếm đoạt ruộng đất của nhân dân. Thực tế, những tên “cường hào ác bá” thực sự là những kẻ ẩn mặt; quan lại, tổng lý chỉ là tay sai của chúng”.
Và còn nhiều, còn nhiều giá trị khác mà nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu chưa nghiên cứu hết như ông có lần tự trách: “Do trí lực và nhiều hạn chế khác nên chưa nghiên cứu thấu đáo hết được”.
Thế mà chẳng ai đoái hoài…
Trò truyện với ông Nguyễn Đình Đầu dạo gần đây, ông hay nhắc đến hai từ “cuối đời”. Tháng 3 vừa rồi, sau lễ thượng thọ 90 do các nhân sĩ, đồng nghiệp miền Nam tổ chức cho ông, ông ra Hà Nội nhận giải thương Phan Chu Trinh, ông cũng gọi đây là “niềm an ủi cuối đời”.
Tháng 4 vừa rồi, ông ngất ngay trên bàn làm việc khi đang định viết một bài nghiên cứu mới. Mãi đến tháng 5 ông mới xuất viện, nhưng đến nay vẫn còn yếu lắm, không tiếp khách được.
Nhưng ngay khi còn nằm trong viện, ông vẫn không thôi trăn trở về số phận của 16.000 quyển địa bạ yêu quý. Ông kể: “Năm 1993, Chính phủ Nhật có nhã ý muốn hỗ trợ chúng ta xây dựng một kho lưu trữ với các trang thiết bị hiện đại trị giá đến 8 triệu USD để bảo quản bộ sưu tập quý giá này. Thời điểm ấy, 8 triệu USD lớn lắm.
Vì họ cũng là đất nước có nền văn hóa giấy bản nên họ hiểu được giá trị của bộ sưu tập hàng ngàn cuốn sách giấy bản này. Nhưng cán bộ ngành văn hóa chúng ta muốn xây dựng kho lưu trữ này ở Hà Nội. Do đó, bộ sưu tập được chuyển ra Hà Nội”.
Từ đó, bộ sách nằm yên vị trong cái kho lưu trữ ấy, chẳng thấy ai đả động đến. Ông cũng có hẹn với các nhà nghiên cứu phía Bắc là ông sẽ thống kê lại phần ông đã biên dịch (11.000 quyển) và soạn thảo thành sách cho các tỉnh từ Nam trở ra miền Trung, còn phía Bắc thì nghiên cứu các tỉnh từ miền Bắc vào để hoàn tất tác phẩm này. Hơn 10 năm qua, ông đều đặn cho ra gần 20 cuốn sách, nhưng phía Bắc thì chẳng thấy gì.
Những giá trị bộ sưu tập ấy, một nhà nghiên cứu “tay ngang” như ông Đầu (như ông tự nhận) còn nhận ra, thì làm sao hàng ngàn học giả đầy bằng cấp lại không thấy. Chủ yếu là do: “Đó là một công việc khô khan, tỉ mỉ và ít lợi ích kinh tế nên người ta nhường cho tôi làm”, như ông Đầu có lần tâm sự.
“Đừng vì lợi ích, danh tiếng của một cá nhân, một địa phương nào đó mà để những tài liệu quý giá như thế bị lãng quên” – nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu cảm khái. Bởi ông đang lo, nếu không có ông, biết có còn ai nhắc đến 16.000 quyển sách vô giá ấy…
Tùng Nguyên (Dan tri)
Bình luận (0)