Nghề trông trẻ tại gia ngày càng cần lao động (ảnh chỉ mang tính minh họa) |
Không ít lần phải “khóc dở mếu dở” vì nay người trông trẻ đòi tăng lương, mai lại tự ý đòi nghỉ việc… nên sau khi nghỉ sinh đi làm trở lại, chị Trần Thị Việt (Q.9) nhờ tôi “lùng” người trông trẻ giúp.
Từ nhận thức sai lầm
Linh làm công nhân ở một công ty điện tử thuộc Khu công nghiệp Biên Hòa II (Biên Hòa) với mức lương 1 triệu đồng/tháng. Gặp tôi, Linh than trời vì năm nay công việc ở công ty bấp bênh, chẳng biết tương lai thế nào, cô ngỏ ý nhờ tôi tìm cho một việc làm ở thành phố. Thấy vậy, tôi đề nghị với Linh: “Hay chị tạm thời xin nghỉ việc hưởng trợ cấp phần trăm lương cơ bản, lên thành phố trông trẻ cho chị Việt. Trẻ sinh thiếu tháng, mà chị Việt thì đi cả ngày nên đang cần tìm một người trông trẻ và giúp việc nhà. Mỗi tháng chị Việt gửi tiền công 1 triệu đồng, còn ăn uống sinh hoạt thì chị Việt dùng như thế nào chị cũng dùng chung với người ta. Mỗi tuần vào chủ nhật, chị có thể xin nghỉ về quê thăm gia đình tùy thích”. Thật không ngờ khi tôi vừa ngỏ lời xong, mặt chị Linh buồn hẳn, và nói với tôi bằng giọng gay gắt: “Chú bảo tôi đi làm ôsin cho người ta à, tôi khó khăn thật nhưng chưa đến mức phải đi làm con ở đâu. Tôi cám ơn chú!”. Nói xong chị bỏ về, khiến tôi hết sức ngỡ ngàng về sự phản ứng của chị. Chẳng lẽ giúp việc gia đình lại là một công việc thấp kém đến vậy sao?
Rút kinh nghiệm từ chuyện của Linh, tôi đóng vai đi tìm người trông trẻ. Lân la ra tận vùng ven quận 9, tôi cũng tìm được một phụ nữ ở tuổi trung niên để đặt vấn đề. Đó là chị Vân sống đơn thân (Long Bình, quận 9), chị có hơn 2 sào ruộng để canh tác, ngoài ra không làm gì thêm. Tôi nhẩm tính nếu chị trông giúp con cho chị Việt, mỗi tháng đương nhiên sẽ có 1 triệu đồng để tiết kiệm, số tiền này bằng chị chắt chiu cả mấy tháng trời ở vùng ven nơi chị chỉ làm mỗi nghề nông. Những tưởng với công việc và mức thu nhập ấy chị sẽ đồng ý ngay, nhưng chị đắn đo một hồi rồi cũng từ chối với lý do: “Chị không ngại khổ ngại cực, vả lại trông trẻ trong nhà còn sướng hơn gấp mấy lần so với việc đồng áng. Thực tình chị rất muốn giúp em, nhưng thôi, rồi hàng xóm người ta biết, người ta lại nói ra nói vào rằng chị đi ở cho người ta để kiếm tiền thì ngại lắm”. Và rốt cuộc, gần cả tuần tôi không thể tìm đâu ra người trông con cho chị Việt, có một vài người đồng ý thì đòi giá quá cao.
Cần thay đổi nhận thức
Qua tìm hiểu, được biết mặt bằng giá thuê người giúp việc nhà hiện nay tại TP.HCM dao động từ 800.000 – 1,2 triệu đồng/tháng, cơm nuôi ba bữa, chưa kể tiền thưởng lễ, tết… trong khi đó, mức thu nhập của một công nhân lao động phổ thông tại các khu công nghiệp ở thành phố cũng chỉ chừng này, thậm chí còn thấp hơn. Trong thời buổi suy thoái kinh tế, nhiều doanh nghiệp gặp phải khó khăn, hàng trăm ngàn lao động bị cắt giảm biên chế rơi vào cảnh thất nghiệp nhưng nghề trông trẻ tại gia thì vẫn luôn trong tình trạng cầu khát cung.
Cùng với tốc độ phát triển kinh tế và xu hướng chuyên nghiệp hóa sự phân công lao động trong xã hội, nhu cầu về lao động người giúp việc nhà sẽ ngày càng phát triển mạnh. Không chỉ có người giàu, các gia đình khá giả mới có nhu cầu tìm người giúp việc mà ngay cả những gia đình thu nhập không cao nhưng do đòi hỏi thực tế vẫn rất cần có người trông con để đi làm.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực lao động việc làm, tại TP.HCM và các thành phố lớn có đến trên 60% gia đình có con có nhu cầu thuê người trông trẻ tại nhà. Đây quả là một lĩnh vực việc làm dồi dào, có thể mang lại công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục ngàn lao động nữ. Vậy tại sao, nghề giúp việc gia đình là một nghề lao động chân chính, có thu nhập ổn định, môi trường làm việc thuận lợi với lao động nữ nhưng người lao động lại không hề mặn mà?
Qua tìm hiểu và “lý giải” những điều “nghịch lý” chúng tôi được biết: vẫn còn đó những rào cản tâm lý và quan niệm cổ hủ rằng nghề giúp việc gia đình nói chung và trông trẻ tại gia nói riêng là công việc thấp kém, được xem là đi ở cho người ta. Chính những quan niệm mang tính định kiến này đã dẫn đến tình trạng người lao động dẫu nghèo, cần việc nhưng lại “chê” nghề giúp việc gia đình. Bởi thế, cũng có không ít tình trạng xảy ra tuy cùng một nghề giúp việc, một lao động nữ nhưng khi sang nước ngoài làm nghề giúp việc gia đình thì không sao, thậm chí rất “tự hào” trong mắt gia đình, bạn bè được đi làm ở nước ngoài trong khi ở trong nước lại mang tính tự ti, xấu hổ.
Nguyên Hải
Bình luận (0)