Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Liên hoan bộ gõ Cracking bamboo: Sức mạnh của sự kết nối

Tạp Chí Giáo Dục

Francoise Vanhecke - diễn viên, giảng viên thanh nhạc, ca sĩ người Bỉ - đã truyền cho khán giả rất nhiều cảm hứng cùng với ấn tượng về sự sôi nổi khi xem nhóm của chị biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội - Ảnh: Na SơnChiếc thùng đựng dầu bịt bằng màng loa, một bình đựng nước bằng nhựa mà các gia đình, công sở vẫn sử dụng hằng ngày, những chiếc lọ thủy tinh đựng mứt hoặc hoa quả ngâm… là những nhạc cụ độc đáo được các nhạc công bộ gõ và các nghệ sĩ Á, Âu mang đến VN.

Sự xuất hiện của họ trong liên hoan bộ gõ quốc tế Cracking bamboo(*) đã đem đến luồng gió mới mẻ của sự sáng tạo. Người xem học được rằng nhạc cụ có ở khắp mọi nơi, điều quan trọng hơn để làm ra âm nhạc chính là sự sáng tạo và phương pháp làm việc.

Liên hoan có một không hai trên thế giới

Giáo sư Bernhard Wulf, chỉ đạo nghệ thuật của liên hoan, cho biết: “Ở Cracking bamboo, các nghệ sĩ phải kết hợp với nhau. Tại Mông Cổ, chúng tôi đã kết hợp giữa văn hóa Trung Á và phương Tây, giờ đây là Đông Nam Á với châu Âu. Tôi chưa từng tổ chức sự kiện nào theo cách này và trên thế giới cũng chưa từng có liên hoan tương tự như Cracking bamboo”.

Ông tiết lộ bí mật thành công của liên hoan, bắt đầu từ tên gọi Cracking bamboo: “Bamboo – cây tre – là một loại cây đặc trưng ở Đông Nam Á. Còn “cracking” (tiếng rạn nứt, tiếng kêu răng rắc – PV) là một âm thanh thu hút sự chú ý mà phải nghe kỹ mới thấy. Liên hoan này khiến người tham gia phải lắng nghe lẫn nhau một cách cẩn trọng.

Ở mỗi nhóm nghệ sĩ, chúng tôi phân công hai người hướng dẫn. Họ có nhiệm vụ kết nối, đảm bảo sự hài hòa giữa những nghệ sĩ độc tấu trong nhóm. Kết quả ở mỗi nhóm rất khác nhau, trong khi nhóm này mang hương vị âm nhạc Ấn Độ với chiếc trống tabla là tâm điểm thì nhóm kia “trưng bày” sự đa dạng của âm thanh chứa đựng màu sắc VN, nhóm khác cho thấy tính triết học từ kết cấu chặt chẽ”.

Bài học về sáng tạo

Hai buổi diễn của Cracking bamboo ở Nhà hát Lớn Hà Nội (19 và 20-9) đã thu được những tràng pháo tay vang dội. Ít ai biết trước đó, một số ít nghệ sĩ tỏ ra lúng túng trong khi làm việc chung. Họ ngập ngừng ở mỗi lần giơ tay lên trên mặt trống, khuôn mặt biểu lộ sự lo lắng. Thậm chí, một nhóm nghệ sĩ từng đề nghị người dẫn dắt của nhóm cho họ ngừng tham gia ngay trước buổi diễn quan trọng tại Nhà hát Lớn hôm 19-9.

Cả buổi chiều trước buổi diễn, người hướng dẫn phải làm việc riêng với nhóm nghệ sĩ này và sau đó cả nhóm cùng tập với nhau cho đến những phút cuối cùng trước giờ mở màn. Kết quả buổi diễn đã tốt hơn rất nhiều nhờ có sự bàn bạc và nỗ lực làm việc không ngừng nghỉ: những âm thanh hỗn loạn thỉnh thoảng xen vào giữa tác phẩm của nhóm chỉ còn rất ít và hầu như khán giả không nhận biết được.

Nhạc sĩ Vũ Nhật Tân – một nghệ sĩ có nhiều tìm tòi trong âm nhạc hiện đại, một trong những người hướng dẫn của nhóm nghệ sĩ làm việc tại Hà Nội – kể lại: “Lần đầu gặp nhau, chúng tôi không biết nhau. Đầu tiên chúng tôi phải tự giới thiệu tên gì, ở nước nào, chơi nhạc cụ nào, sau đó mỗi người chơi thử một đoạn ngắn thứ âm nhạc mà mình đã làm và muốn giới thiệu. Sau khi nghe từng người giới thiệu là đã hết một buổi.

Đến buổi chiều, chúng tôi bàn cấu trúc chương trình buổi diễn. Tổng thời gian từ lúc gặp nhau đến lúc biểu diễn chung là ba ngày. Để làm việc được với nhau, bên cạnh kinh nghiệm biểu diễn ở tầm quốc tế là khả năng linh hoạt, tương tác, có nghĩa là phải tôn trọng người làm việc chung với mình. Cố gắng hiểu những người trong nhóm thì họ cũng sẽ hiểu mình”.

Bên cạnh những kinh nghiệm về làm việc nhóm, Vũ Nhật Tân còn nhận thấy những bài học về sáng tạo: liên hoan này có thể giúp sinh viên ngành âm nhạc hiểu thêm cách dùng bộ gõ và sử dụng thêm các thiết bị điện tử để tạo nên những hiệu quả âm thanh khác nhau. Ở VN không quá thiếu thiết bị, những chiếc contact microphone (micro dán lên bề mặt nhạc cụ), bộ effect (tạo hiệu ứng âm thanh) được bày bán khá nhiều ngay trước cổng Học viện âm nhạc quốc gia nhưng không ai nghĩ đến việc sử dụng chúng bằng nhiều cách khác nhau. Trong khi đó, những nghệ sĩ trẻ từ châu Âu đã biết cách dán micro lên mặt trống và nối với bộ phận tạo hiệu ứng để tạo ra nhiều âm thanh phong phú hơn. Như vậy, vấn đề của sáng tạo bắt nguồn từ cái đầu.

UYÊN LY (tuoitre.com.vn)

Chúng tôi phn đi s ging nhau

GS Bernhard Wulf* Tại sao ông cho rằng việc kết nối những cá tính và màu sắc âm nhạc là quan trọng?

– GS Bernhard Wulf:

Chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hóa. Sẽ rất vô nghĩa nếu cả thế giới đều ăn đồ McDonald và uống Coca-Cola, bởi vậy cần phải gìn giữ những cá tính, bản sắc riêng. Những nhóm thiểu số rất cần sự hỗ trợ để gìn giữ những gì độc đáo của riêng mình, nếu không cả thế giới sẽ trở nên giống nhau.

Những gì diễn ra ở liên hoan này cho thấy chúng tôi hết sức phản đối sự giống nhau. Liên hoan là nơi những cá tính có ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhau, không phải để đánh mất bản thân, mà là để học hỏi từ nhau và tạo cảm hứng sáng tạo cho nhau.

Ví dụ ở mỗi nhóm, tất cả nghệ sĩ phải lắng nghe lẫn nhau, mỗi người đều phải có trách nhiệm trong nhóm và làm nhóm vận hành, cũng như trong xã hội vậy. Điều quan trọng để vận hành không nằm ở chỗ anh là người lớn tiếng nhất, mà vấn đề là anh phải biết lắng nghe. Chính sự kết nối làm nên kết quả đáng kinh ngạc. Thêm vào đó, các nghệ sĩ có cơ hội làm quen, kết bạn, chia sẻ… và đây là nền tảng quan trọng cho những dự án tiếp theo trong tương lai. Nếu không làm theo cách này, những gì được gọi là bản sắc của chúng ta sẽ chấm dứt “số phận” của chúng trong bảo tàng.

U.LY thực hiện

 

Bình luận (0)