Người chiến sĩ sơn pháo 75
Đến thăm người chiến sĩ Điện Biên năm xưa trong ngôi nhà 310 A trên đường Điện Biên Phủ, phường 11, quận 10. Ngắm nhìn những bức ảnh, được nghe ông kể chuyện và đọc những bài thơ do ông viết, tôi như thấy ký ức về cuộc kháng chiến “ba ngàn ngày không nghỉ” và âm vang chiến thắng Điện Biên lịch sử vẫn còn vang dội đâu đây.
Lớp phi công đầu tiên
Ông Quốc tại Lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (2004) |
Mấy hôm nay ông Ngô Ngọc Quốc rất vui vì cách đây một tháng ông vừa ra Hà Nội dự lễ kỷ niệm 54 năm thành lập phòng không – không quân Việt Nam do Bộ Tư lệnh phòng không – không quân tổ chức. Được thăm lại chiến trường xưa, ông xúc động đến rơi nước mắt khi đi trên đồi Him Lam hoặc bước chân qua cầu Mường Thanh, vì chính trên mảnh đất này cách đây hơn nửa thế kỷ ông còn là một chiến sĩ trẻ mới 22 tuổi cùng đồng đội chiến đấu để góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong dịp trở về thăm địa chỉ đỏ lần này, ông càng hạnh phúc hơn khi gặp lại một số đồng đội từng “khoét núi, ngủ hầm” với nhau sau bao nhiêu năm xa cách, bây giờ “kẻ mất người còn” với kỷ niệm xưa.
… Năm 1946, Ngô Ngọc Quốc (quê ở xã Võ Giàng, Đáp Cầu, Bắc Ninh) vừa tròn 15 tuổi. Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, cậu học sinh Trường Hàn Thuyên đành bỏ dở chuyện học hành hăm hở đi theo bộ đội lên vùng kháng chiến. Do còn nhỏ tuổi, Quốc được các chú đưa vào Đội thiếu niên tuyên truyền xung phong Huyện bộ Việt Minh huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Lúc này Yên Phong nằm trong vùng bị địch tạm chiếm, việc đi lại rất khó khăn và nguy hiểm nhưng Quốc và các bạn trong đội vẫn luồn lách rất giỏi để đưa mật thư hoặc làm liên lạc dẫn đường cho các chú cán bộ trung đoàn. Một năm sau, Quốc thật sự may mắn khi được chọn vào lớp học nghiên cứu về không quân do binh chủng không quân đào tạo. Mặc bộ quân phục xanh lá cây, đội mũ ca-lô, Quốc cùng 28 chàng trai tuổi chỉ 16, 17 tạm xa quê hương lên vùng chiến khu Việt Bắc bắt đầu cuộc đời binh nghiệp.
Trong sâu thẳm ký ức của mình, ông Quốc nhớ lại: “Lớp học đóng ở trong rừng sâu của một xã thuộc huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang bên cạnh dòng sông Gâm, cách xa vùng chiến sự đang xảy ra. Anh em chúng tôi phải tự vào rừng chặt cây để dựng lán trại, đào hầm tránh máy bay giặc Pháp. Một người do sức khỏe yếu phải quay trở về nên lớp chỉ còn 27 người”. Nhưng kỷ niệm đáng nhớ nhất của ông là hôm làm lễ bế giảng lớp huấn luyện không quân đặc biệt này. Một băng rôn được treo ngay ngắn đầu chái ngôi nhà lá đơn sơ, học viên trang phục chỉnh tề, mũ ca-lô đội lệch và mặc bộ áo quần lính đẹp nhất. Trong lòng ai cũng náo nức vì trước đó mấy ngày nghe tin Bác Hồ sẽ về dự nhưng đến giờ chót mới hay Người quá bận việc nên chỉ có Tướng Lê Quang Hòa – Tổng tham mưu trưởng có mặt.
Đưa cho tôi xem tấm ảnh chụp 27 chiến sĩ không quân của khóa học đầu tiên, ông Ngô Ngọc Quốc hồi tưởng: “Sau những giờ học lý thuyết, chúng tôi lại thực hành trên máy bay. Nói là thực hành nhưng cũng chỉ leo lên leo xuống trên một chiếc máy bay Morane cũ kỹ của Pháp đậu trong sân mà thôi. Ước mơ cất cánh giữa bầu trời quê hương để chiến đấu trên không với kẻ thù thật xa vời”.
Góp phần làm nên chiến thắng
Một sự kiện in đậm dấu ấn lịch sử mà đến hôm nay dù đã gần 80 tuổi nhưng ông vẫn còn nhớ mãi là có lần ta đã cho thử chiếc máy bay Tiger Morth cất cánh. 5 giờ chiều ngày 15-8-1949 trên bãi Soi Dung, chiếc Tiger Morth chững chạc lăn bánh ra đường, lấy đà và nhấc bổng lên trong tiếng hoan hô vang dậy của mọi người. Nghe tin nhiều người dân cũng bỏ việc chạy ra đường xem. Hàng trăm con mắt hướng lên trời nhìn một chiếc máy bay của bộ đội Việt Minh cất cánh. Khắp bản làng hôm đó không khí vui như ngày hội. Giữa bầu trời xanh lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới càng làm lòng người thêm náo nức.
Tuy đã có đội ngũ phi công đầu tiên nhưng không có máy bay nên một năm sau Quốc và các chiến sĩ được điều động về Sư đoàn pháo 351 tăng cường cho chiến dịch Điện Biên Phủ lúc này đang bước vào giai đoạn quyết liệt. Đây là những tháng ngày anh cùng các đại đội pháo vượt đèo cao, vực sâu tìm giặc mà đánh. Vũ khí của các anh là những khẩu pháo 75 ly thường gọi là sơn pháo 75 được anh vệ quốc đoàn bồng bế trên vai theo dọc chiến hào hành quân ra trận. Tuy chưa phải là vũ khí hiện đại nhưng hồi đó rất quý – ông Quốc kể – mỗi trung đội cũng chỉ được 2 khẩu. Khi di chuyển thì tháo rời từng phần ra, người khiêng bánh xe, người khiêng trục, vác nòng che kín lá ngụy trang cứ thế luồn theo giao thông hào mà đi. Mỗi khi đến gần lô cốt địch thì các anh dừng lại, lắp pháo nã đạn lên phía trước yểm trợ cho xung kích bò lên ném pháo thủ. Không chỉ gọn nhẹ, cơ động mà đường đạn của sơn pháo 75 đi thẳng chứ không đi cầu vồng như pháo lớn, nên bắn tới đâu trúng tới đó, không hề phí sức phí của.
Trong những năm kháng chiến trường kỳ và gian khổ, bước chân của Sư đoàn 351 in dấu khắp mọi miền quê Tây Bắc từ Tuyên Quang qua Mộc Châu đến Nà Sản và cuối cùng là đồi E trong lòng chảo Điện Biên. Dù trên vai chỉ là những khẩu sơn pháo 75 nhưng các anh đi tới đâu đồn thù bốc cháy tới đó, nhiều phen làm cho bọn Pháp kinh hồn bạt vía. Từ một trung đội trưởng rồi đại đội phó, ông Quốc đã trở thành người chỉ huy tài ba, quyết đoán không chỉ tham gia đánh trận mà còn dạy chữ, tuyên truyền cho các chiến sĩ trong đơn vị. Chiến công oai hùng của các đơn vị khác đều có công của Sư đoàn 351 góp phần. Tự hào hơn ông là một trong hàng ngàn chiến sĩ anh hùng của đất nước đã làm nên vòng hoa đỏ chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy.
Hương Thủy
Bình luận (0)