Ông Mai Thanh Minh |
Mọi người vẫn gọi người cựu tù thiếu nhi gan dạ ngày ấy bằng cái tên thân thuộc: “Mai Bốn”. Tên thật của ông là Mai Thanh Minh, hiện ông là Phó giám đốc Sở Tư pháp Lâm Đồng. Dù đã 54 tuổi và đã 38 năm trôi qua kể từ ngày bị giam cầm ở nhà tù thiếu nhi (TN) Đà Lạt, nhưng những ngày tháng “dữ dội” nhất của cuộc đời mình ông không bao giờ quên.
Mổ bụng để phản đối chế độ lao tù
Hồi tưởng lại chặng đường tranh đấu sôi nổi và những năm tháng bị giặc bắt giam cầm ở nhiều nhà lao từ Đà Nẵng, Côn Đảo, Khám Chí Hòa, Trung tâm Giáo huấn TN Đà Lạt…, người cựu tù TN gan dạ ngày ấy như thấy còn “nóng hổi” trong máu huyết của ông. Câu chuyện ông kể lại rất thật mà tôi cứ thấy như… huyền thoại! Ngay cái tên ông mang suốt 30 năm để rồi ông khắc khoải đi tìm “trả” lại cho người liệt sỹ ấy đã là điều kỳ diệu rồi…
Mai Thanh Minh (Mai Bốn) bồi hồi kể lại: Năm 13 tuổi, ông làm liên lạc cho Đại đội CK3, Tiểu đoàn T89 đặc công tỉnh Quảng Đà (cũ). Tháng 4-1969, ông được tổ chức giao nhiệm vụ cùng với hai đồng chí nữa bí mật đánh vào Kho đạn Quận 3 – Đà Nẵng. Để giữ bí mật, trước khi làm nhiệm vụ, tổ chức giao cho Mai Thanh Minh một tờ giấy khai sinh có tên là “Mai Bốn” bảo rằng “Từ giờ, anh phải nhớ tên anh là Mai Bốn, nếu bị giặc bắt khai là Mai Bốn”. Cái tên Mai Bốn đi theo Mai Thanh Minh suốt cả cuộc tranh đấu của anh. Sau trận đánh vào Kho đạn Đà Nẵng làm cho giặc điên cuồng truy quét, trong tổ chức của Mai Bốn có một tên phản bội đã khai báo làm cho toàn bộ đơn vị bị giặc bắt và giam ở Ty Gia Long. Giặc dùng đủ cực hình tra tấn, vẫn không khai thác được gì ở những người cộng sản, buộc chúng đưa các anh ra tòa quân sự vùng I chiến thuật Đà Nẵng. Trước tòa án, Mai Bốn đã dõng dạc: “Đế quốc Mỹ xâm lược nước tôi, tôi đánh Mỹ, tôi chả có tội gì cả!”... Ngày 13-1-1970, Mai Bốn bị giặc tuyên án 10 năm tù khổ sai và đày ra Côn Đảo, khi ấy ông mới tròn 15 tuổi.
Một lần, nhân có phái đoàn của Liên hiệp quốc ra Côn Đảo khảo sát tình hình tù chính trị nhỏ tuổi bị giam giữ tại đây, Mai Bốn là tù TN nhỏ tuổi nhất được chọn gặp gỡ phái đoàn. Ông đã hùng hồn trả lời các câu hỏi “ngớ ngẩn” của một người Mỹ trong đoàn và bày tỏ thái độ phản đối chế độ độc ác của nhà tù. Tháng 8-1971, Mai Bốn cùng 47 tù nhân TN chính trị khác giặc “gom” từ các nhà lao khắp miền Nam đưa về Khám Chí Hòa. Đến tháng 10-1971, giặc đưa toàn bộ số tù nhân nhỏ tuổi này về Trung tâm Giáo huấn TN Đà Lạt.
Những ngày bị giam ở trung tâm này, Mai Bốn chứng kiến sự tàn bạo, thâm độc của giặc đối với 600 tù nhân TN. Có lẽ được tôi luyện trong những năm tháng bị giặc giam ở Hầm Đá, Chuồng Bò, Chuồng Cọp… (Côn Đảo) giúp Mai Bốn trở nên một tù nhân TN gan lỳ, bất khuất khiến những cai tù khét tiếng và được trang bị vũ khí tối tân chuyên tra tấn tù nhân ở trung tâm này nhiều phen khiếp sợ. Ông tiếp tục tham gia các phong trào chống chào cờ, hát quốc ca của giặc, chống đàn áp, đòi quyền dân sinh, dân chủ, đòi giặc phải trả tự do cho những tù nhân đã hết hạn tù… với các hành động xé cờ ba que của chính phủ Việt Nam cộng hòa, đánh trả lại cai ngục tàn ác… Đặc biệt, Mai Bốn là một trong 5 tù nhân xung phong tự nguyện mổ bụng mình để uy hiếp chế độ cai quản của Trung tâm giáo huấn TN Đà Lạt. (Mai Bốn vén vạt áo, chỉ cho tôi xem vết rạch bụng bằng dao lam vẫn còn sẹo). Ông kể, đó là ngày 21-11-1971, ông và 4 người nữa: (Mai Thái Tro, Nguyễn Văn Thu, Bùi Văn Hiệp và Nguyễn Văn Út) được tổ chức bố trí tự mổ bụng để phản đối sự đàn áp tàn bạo của giặc”. Lần lượt 4 người rạch bụng, máu loang cả khoảng sân nhà lao. Mai Bốn vì rạch quá mạnh, chiếc dao lam bị gãy một nửa, ông dùng phần còn lại rạch bụng mình đến khi lòi ruột và ngất xỉu. Giặc vội vàng băng bó qua loa rồi tống các anh vào nhà giam. Những ngày sau đó, Mai Bốn và bạn bè ông tiếp tục tuyệt thực để đấu tranh. Được anh em chăm sóc bằng nước tiểu và muối dùng rửa, xát vào vết thương. Điều kỳ diệu là qua vài ngày, vết thương không nhiễm trùng mà tự lành, không một viên thuốc cầm máu, kháng sinh…
Trả lại tên cho người liệt sĩ
Năm 1999, Mai Bốn có dịp trở lại Côn Đảo, ông dò tìm phòng giam số 13, nơi ông sống những ngày khốc liệt nhất của cái tuổi 15- 16. Ông run run tìm lại được gói thuốc rê, ông để lại làm “di vật”. Một việc ân nghĩa nữa mà Mai Bốn làm được sau ngày đất nước độc lập, ông nói: đây là niềm hạnh phúc lớn nhất đời ông… Ông đã tìm và “trả lại tên” cho người mà ông đã mang trong suốt 30 năm qua. Nhờ một người quen ở Đà Nẵng, năm 2003, Mai Bốn (Mai Thanh Minh) đưa vợ và 3 con về căn nhà số 22 – Nguyễn Du – TP. Đà Nẵng. Tại đây, lần đầu tiên ông biết cái tên Mai Bốn là một liệt sỹ đã hy sinh trong chống Mỹ, là em ruột của nữ đại tá anh hùng LLVT Mai Thị Rân. Ông đặt tờ giấy khai sinh lên bàn thờ và thắp cho người đồng chí một nén nhang như là sự tri ân. Người mẹ già của Mai Bốn đã xúc động nhận Mai Thanh Minh làm con nuôi, coi như phần còn lại của đứa con trai…
THANH DƯƠNG HỒNG
Bình luận (0)