Tiểu thuyết nổi tiếng “Đất nước đứng lên” của nhà văn Nguyên Ngọc đã được đạo diễn Lê Đức Tiến dựng nên bộ phim cùng tên hoành tráng về Tây Nguyên. Hai nhân vật chính là anh hùng Núp, do KSo Nham, nay là Phó Tổng cục trưởng Cục Hậu cần – Bộ Công an đóng và vợ là HLiêu, do Y Panh, một thiếu nữ người dân tộc Bah Nar đóng.
Từ trung tâm thị xã Kon Tum, con đường dẫn tôi vào nhà Y Panh chỉ chừng 2 cây số. Nhà cô nằm ở cuối làng Plei Tơ Nha, thuộc phường Quang Trung. Ngôi nhà sàn vẫn mang dáng dấp nguyên sơ của tộc người Bah Nar bên lòng thị xã. Hai chị em Y Panh và Y Pơ đang sinh sống ở đây cùng với người cha tên là A Chrưl đã bảy mươi tuổi. Y Panh là em, sinh năm 1976, đóng vai HLiêu, vợ anh hùng Núp. Còn Y Pơ là chị, sinh năm 1974, đóng vai HDu là người yêu của bộ đội Cầm. Đã hơn chục năm kể từ ngày theo đoàn làm phim nhưng khi được hỏi lại, hai chị em như sống lại những giờ phút đầy ắp kỷ niệm.
Từ đời thường lên phim
Y Panh nhớ lại, ấy là vào năm 1995, hai chị em đang đi làm ở trên rẫy thì có hai người lên tận rẫy để tìm gặp (sau này cô mới biết đó chính là đạo diễn Lê Đức Tiến và nhà văn Nguyên Ngọc). Nghe nói đóng phim, hai chị em đều ngơ ngác và… vứt cuốc chạy vì sợ. Sau được cha gọi và giải thích, cả chị lẫn em mới hoàn hồn và nghe các chú kể chuyện muốn mời hai chị em đi đóng phim về Tây Nguyên. Mãi vẫn không ai chịu đi và sau đó đoàn làm phim phải nhờ đến gia đình, chính quyền, đoàn thể động viên, hai chị em mới nhận lời.
Từ làng Plei Tơ Nha, chị em Y Pơ-Y Panh tạm chia tay buôn làng đi đóng phim, khi ấy vừa bước vào tuổi 20. Hai chị em được đưa đến gặp anh hùng Núp khi ấy đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai. Đạo diễn Lê Đức Tiến chỉ vào Y Panh và hỏi anh hùng Núp: “Đây có giống HLiêu không?” Anh hùng Núp ngồi dậy săm soi nhìn Y Panh hồi lâu rồi gật đầu. Mọi người rất vui vì đã tìm được người sẽ thể hiện vai HLiêu mà được chính anh hùng Núp ưng ý lựa chọn.
Suốt hơn 2 tháng theo đoàn làm phim trên vùng đất Gia Lai, Y Pơ-Y Panh như sống trong một thế giới hoàn toàn khác lạ với buôn làng. Vui buồn đan xen hàng ngày như những kỷ niệm đẹp. Là vợ của anh hùng Núp (do KSo Nham đóng) nhưng Y Panh nhớ rằng, cả trong phim cũng như lúc tập, cô và KSo Nham không hề có những phút giây gần gũi, âu yếm… mà phải toàn tâm, toàn ý dốc sức để “vì cách mạng, vì buôn làng Tây Nguyên” như chỉ đạo của đạo diễn. Riêng Y Pơ, cô vẫn không quên những ngày ấy, nhất là khi thể hiện tình cảm của người yêu khi xa nhau không đạt bị đạo diễn Lê Đức Tiến mắng, Y Pơ đã bỏ đoàn một mạch chạy về nhà bà cô ở Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) để tránh. Gần 10 ngày sau, đoàn mới tìm được.
Khi bộ phim Đất nước đứng lên được trình chiếu rộng rãi, cuộc sống của Y Pơ-Y Panh và cả gia đình có bao thay đổi. Bà con làng Plei Tơ Nha và các buôn làng lân cận ở thị xã Kon Tum đều rất “ưng cái bụng” vì có người Bah Nar đầu tiên được lên phim. Nhà hai chị em lúc nào cũng đông khách đến thăm, chúc mừng và hỏi chuyện. Đi ra đường thì ai cũng nhìn, cũng hỏi với tấm lòng cảm mến và trân trọng.
Xong phim, trở lại đời thường
Làm xong phim, Y Pơ lại trở về với buôn làng, lại lên rẫy tỉa bắp, ra sông Đăk La bắt cá… như cuộc mưu sinh từ thuở ấu thơ. Còn Y Panh sẵn có chất giọng tốt và lòng đam mê ca hát từ nhỏ, cô xin vào làm công nhân ở Điện lực Kon Tum và tham gia vào đội văn nghệ của ngành điện. Sau đó Y Pơ kết duyên với một chàng thanh niên người Khơ Me ở mãi tận Sóc Trăng. Cô theo chồng về miền Tây nhưng tổ ấm chẳng được bao lâu thì tan vỡ và lại quay về Kon Tum; còn Y Panh lại phải lòng chàng trai quê mãi tận Hưng Yên. Chung sống được 2 năm thì lại chia tay. Hai chị em, mỗi người đều có một con trai, hiện đều sống trong một nhà với ông ngoại ở làng Plei Tơ Nha.
Trong ngôi nhà sàn thân quen ấy, người chị Y Pơ vẫn đêm ngày tần tảo như bao người phụ nữ Bah Nar khác để nuôi con ăn học và chăm bẵm cha già. Y Pơ bảo: “Mình cũng buồn lắm nhưng mà có đứa con rồi, mình chẳng có bắt cái chồng nữa đâu”. Còn Y Panh, cô vẫn đeo đuổi nghề ca hát nghiệp dư, để con ở nhà cho ông ngoại, cô đi hát cho đoàn ca múa nhạc Sao Biển của tỉnh Phú Yên (trước đây) và bây giờ vẫn rong ruổi cho các gánh hát tư nhân ở TP. Hồ Chí Minh mỗi khi họ cần đến. Lúc không có việc, Y Panh lại trở về Kon Tum, về ngôi nhà đã sinh ra cô, nuôi cô lớn lên và trưởng thành bên dòng Đăk La.
Bài và ảnh: Nguyễn Văn Chiến (suckhoedoisong.vn)
Bình luận (0)