Ngày 7-7, Công an TP.HCM lại phát hiện một vụ tổ chức “xem mắt” chọn vợ cho người nước ngoài. Những kẻ vi phạm cứ như cóc bắt bỏ đĩa do luật pháp xử phạt quá nhẹ.
Vụ “xem mắt” 50 cô gái nói trên xảy ra tại P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân. Các cô gái phải thoát y, phải chịu để cho những người đàn ông Hàn Quốc sờ soạng, kiểm tra. Theo thống kê, chỉ từ đầu năm đến nay các cơ quan chức năng đã phát hiện sáu vụ “xem mắt”, với trên 500 lượt cô gái “trình diễn” cho những người Hàn Quốc, Đài Loan lựa chọn.
“Giấc mơ chồng ngoại” và sự tủi nhục
Tiếp xúc với chúng tôi, T. (20 tuổi, quê ở Thốt Nốt, Cần Thơ) cho biết đây không phải là lần đầu cô bị phát hiện, bị lập danh sách vì đã tham gia “trình diễn”. Nhà T. trước đây cũng không đến nỗi nào nhưng năm 2006, khi gia đình cô nuôi mấy hầm cá bị thua lỗ phải vay mượn nợ và cầm cố đất, cô phải theo người dắt mối lên Sài Gòn mong kiếm chồng ngoại để giúp gia đình.
Trước nỗi nhức nhối này, Bộ Tư pháp cần cấp bách phối hợp với các bộ ngành liên quan như: Công an, Lao động – thương binh & xã hội, Ngoại giao, Hội Liên hiệp phụ nữ VN… đánh giá mức độ nghiêm trọng. Nếu cần thiết bổ sung luật để xử lý hình sự đối tượng môi giới thì có văn bản đệ trình Ủy ban Pháp luật Quốc hội xem xét. Việc này cần làm càng nhanh càng tốt, vì ngoài chuyện trái luật thì hành vi môi giới để trục lợi còn ảnh hưởng xấu đến thể diện quốc gia. Luật sư ĐẶNG TRƯỜNG THANH |
Đầu năm 2008, T. được mẹ con Vòng A Mùi (Q.Bình Tân) tiếp nhận nuôi ăn ở. Từ cô gái quê, T. học cách ăn mặc, trang điểm để bắt mắt các ông “chồng” tương lai. Mọi chi phí sinh hoạt đều được ghi nợ vào một cuốn sổ, nếu lấy được chồng ngoại Mùi sẽ trừ lại từ số tiền T. nhận được của chồng. Thế nhưng hơn một năm nay T. đã nhiều lần “ra mắt” nhưng vẫn chưa được người nào chọn. Cứ mỗi lần được “dự tuyển”, T. phải trả tiền xe ôm và phí đăng ký khoảng 500.000 đồng.
T. nói lúc mới ở dưới quê người ta nói lên đây lấy được chồng ngoại sẽ tổ chức đám cưới ở nhà hàng, được ra nước ngoài sinh sống, họ hàng nở mày nở mặt, lại có tiền trả nợ. Đến nay sau nhiều lần bị bắt, được cán bộ giáo dục, T. mới biết đó chỉ là ảo mộng.
Tôi hỏi: “Biết vậy sao cô không về quê đi?”. Im lặng một lúc T. mới nói: “Đời em đã lỡ rồi, giờ không về quê được nữa, không lấy được chồng ngoại chắc em chết mất. Cả năm nay bà chủ tính chi phí lo cho em đã gần 20 triệu đồng rồi, về quê thì lấy tiền đâu trả nợ cho người ta. Vì vậy em cứ ở đây cầu may”. Vậy là cứ mỗi lần bị phát hiện, bị đưa về địa phương T. lại bị giới chủ đón lên để chờ cơ hội tiếp.
Trong số các cô gái chúng tôi tiếp xúc, Trần Thị H. (26 tuổi, quê Vĩnh Long), người tham gia cuộc “thi tuyển” ngày 8-4 tại P.9, Q.8 đã làm chúng tôi không khỏi bất ngờ khi nói trong nước mắt: “Các anh cứ đưa hình em lên báo đi, để gia đình em biết đi lấy chồng nước ngoài đổi đời là như thế nào”. H. tâm sự rằng thật sự không muốn để người ta xúc phạm như vậy nhưng cô không thể không làm. Chúng tôi hỏi có phải vì gia đình nghèo buộc phải đi lấy chồng ngoại để đổi đời không, H. chỉ khóc tức tưởi và không trả lời.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các cô gái được “xem mắt” đều có trình độ học vấn thấp, hoàn cảnh gia đình khó khăn, bị các “chân rết” của bọn môi giới dụ dỗ bằng viễn cảnh sung sướng, đổi đời khi được ra nước ngoài. Chính những người đi trước, sống cuộc sống đầy tủi nhục vì phải làm vợ những người đàn ông nghèo khó nơi vùng sâu heo hút của nước ngoài, khi trở về cũng nói dối vì nhiều lý do. Họ dựng lên viễn cảnh tươi đẹp khiến các cô gái và gia đình tin tưởng. Các cô không hiểu rằng những người đàn ông tới VN tìm vợ kiểu này hầu hết đều nghèo khó, không đủ điều kiện để lấy một người vợ bản xứ.
Chưa kể nhiều trường hợp các cô gái còn bị bán vào động mại dâm hay “làm vợ” cho nhiều người. Nhiều cô gái không chỉ là nạn nhân của nghèo đói, thiếu hiểu biết, thất học, mà còn là nạn nhân của chính gia đình mình. Với ảo mộng về một cuộc sống giàu có, chính cha mẹ các cô gái đã góp phần vào việc biến con mình thành món hàng để bọn môi giới trục lợi.
Phạt hành chính như gãi ngứa!
Xử phạt hành chính, buộc xuất cảnh người nước ngoài vi phạm Đối với những người nước ngoài tham gia “chọn vợ” bất hợp pháp, thượng tá Nguyễn Văn Anh, trưởng Phòng quản lý xuất nhập cảnh (PA18), Công an TP.HCM, cho biết theo nghị định 150, họ chỉ bị xử phạt hành chính từ 10-20 triệu đồng. Sau khi UBND xử phạt hành chính, nếu công an quận, huyện có yêu cầu hình thức xử lý bổ sung như buộc xuất cảnh, lúc đó PA18 sẽ ra quyết định do các đương sự này đã hoạt động trái với mục đích nhập cảnh vào VN. Trong những năm gần đây, PA18 đã buộc xuất cảnh một số người nước ngoài, chủ yếu là người Hàn Quốc nhập cảnh vào VN với mục đích du lịch nhưng đã tham gia “tuyển vợ”. |
Trung tá Phan Chí Hùng, đội trưởng Đội phòng chống tệ nạn xã hội và phòng chống buôn bán phụ nữ – trẻ em thuộc PC14, Công an TP.HCM, khẳng định: “Hiện chỉ có nghị định 150 của Chính phủ quy định việc xử lý hành chính các đối tượng này. Theo đó, các đối tượng môi giới chỉ bị xử phạt hành chính 1,5 triệu đồng/lần đầu vi phạm, đến 2 triệu đồng nếu tái phạm.
Luật hình sự chưa có điều khoản nào để xử lý nên chưa đủ sức răn đe các đối tượng môi giới. Đó là chưa tính tới các trường hợp có dấu hiệu việc buôn bán người ra nước ngoài làm mại dâm nhưng chỉ xử lý hành chính, khiến các đối tượng môi giới coi thường và tái phạm nhiều lần”. Theo hồ sơ của PC14, hiện toàn TP có 33 đối tượng tổ chức môi giới, trong đó có nhiều người bị bắt nhiều lần, nhưng do việc xử lý như gãi ngứa nên “lờn thuốc”.
Điển hình như các đối tượng tổ chức cuộc “trình diễn” tại Q.Bình Tân nói trên đã bị phát hiện, xử phạt nhiều lần. Thế nhưng lần này Công an Q.Bình Tân cho biết cũng chỉ… phạt tiền và lại “hoàn tất hồ sơ” để đưa vào diện quản lý, giáo dục tại địa phương mà thôi!? Thực tế, mỗi cuộc môi giới hôn nhân trái phép thành công người môi giới thu khoảng 10.000 USD, nhưng gia đình các cô gái chỉ nhận khoảng 500 USD. Lợi nhuận quá lớn mà mức chế tài lại nhẹ như lông hồng nên khi bị bắt, bọn chúng chỉ mỗi việc đóng tiền phạt rồi ung dung ra về.
Cần bổ sung luật
Trao đổi với chúng tôi, luật sư (LS) Nguyễn Minh Thuận cho rằng việc tổ chức những buổi “coi mắt” mà các cô gái phải thoát y, để cho người ngoại quốc sờ nắn, kiểm tra là vi phạm nghiêm trọng thuần phong mỹ tục, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người VN. Theo điểm O, khoản 3, điều 7, nghị định 150/2005/NĐ-CP ngày 12-12-2005 của Chính phủ thì hành vi này chỉ bị phạt từ 1-2 triệu đồng. Số tiền này chẳng có ý nghĩa gì đối với khoản tiền vài ngàn USD mà kẻ môi giới thu được.
LS Thuận bức xúc: “Theo tôi, cơ quan quản lý nhà nước cần sớm đánh giá lại tính chất nghiêm trọng của hành vi này để ban hành các quy định xử lý nghiêm hơn, nặng hơn, thậm chí xử lý bằng pháp luật hình sự. Có như vậy mới đủ sức răn đe, giáo dục. Tôi cũng rất bất ngờ là vấn nạn này đã xảy ra từ nhiều năm nay và tình trạng ngày một nghiêm trọng nhưng luật pháp VN lại không kịp thời điều chỉnh, bổ sung để có biện pháp ngăn chặn”.
Đồng quan điểm này, LS Đặng Trường Thanh (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng cần thiết phải nhanh chóng bổ sung luật để xử lý hình sự đối với những người môi giới nhằm trục lợi. “Hôn nhân là mang tính chất tự nguyện. Mặc dù phong tục của người Việt ta từ xưa có sự mai mối trong hôn nhân, nhưng việc làm của các ông mai bà mối ngày xưa hoàn toàn hợp đạo lý, vì hôn nhân chỉ diễn ra khi chú rể, cô dâu thấy hợp nhau và tự nguyện lấy nhau”- LS Thanh nhấn mạnh.
UBND TP.HCM cũng đã giao Sở Tư pháp phối hợp với Công an TP nghiên cứu pháp luật, điều ước và các thông lệ quốc tế tham mưu để ủy ban kiến nghị Quốc hội bổ sung hành vi trái pháp luật này vào Bộ luật hình sự.
MINH LUẬN – P.MINH ĐỨC (TheoTTO)
Bình luận (0)