Sự cố bất khả kháng xảy ra liên tiếp vào các ngày 7/5 và 9/5 tại khu vực gần sân bay Tân Sơn Nhất. Mặc dù đã hạ cánh an toàn nhưng sự cố trên đã gây thiệt hại khá lớn cho Jetstar Pacific.
Thay đổi lịch bay vì đâm phải chim
Sự cố mới nhất xảy ra vào chiều tối qua, 9/5, với một chiếc máy bay của Jetstar Pacific khi đang thực hiện chặng bay Hà Nội – TP Hồ Chí Minh. Một con chim đã va phải động cơ máy bay, khiến chiếc máy bay sau khi hạ cánh phải nằm lại để khắc phục.
Trước đó, ngày 7/5, một chuyến bay của Jetstar Pacific gặp phải sự cố tương tự. Ngay trong đêm cùng ngày, hãng này đã thông báo sự cố bất khả kháng kể trên cho hành khách, đồng thời bố trí thêm nhân sự phục vụ khách chưa nhận được thông báo, giải quyết vấn đề phát sinh khác tại sân bay như thu xếp suất ăn, nước uống cho khách bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, Jetstar Pacific cũng triển khai việc thực hiện hỗ trợ và đền bù cho hành khách, tuỳ theo thời gian bị ảnh hưởng của từng chuyến bay, hành khách sẽ được đền bù khoảng 300 ngàn đồng/người. Bên cạnh đó, Jetstar Pacific cũng thông báo đến bộ phận bảo hiểm du lịch JetCover để thực hiện đền bù thêm cho những hành khách có mua sản phẩm này.
Hai sự cố nghiêm trọng khiến hãng bay phải điều chỉnh lại lịch bay ngày 10/5. Đại diện Jetstar Pacific cho biết, dự kiến hôm nay sẽ có một số chuyến bay bị ảnh hưởng bao gồm đường bay TP Hồ Chí Minh đi Vinh, Huế, Hải Phòng, Đà Nẵng; Hà Nội đi Cần Thơ và một số chuyến bay trên trục TP Hồ Chí Minh – Hà Nội.
Cũng trong ngày 10/5, Jetstar Pacific sẽ thu xếp thêm đội bay A320 để phục vụ hành khách.
Hiểm họa chết người từ những vụ va chạm chim trời
Có thể nói, sự cố chim va vào động cơ không còn là điều lạ lẫm gì với các phi công trên thế giới. Ngay tại Việt Nam, danh sách sự cố tương tự không hề ít. Chỉ riêng tại Nội Bài, từ năm 1979 đến nay đã ghi nhận không dưới 15 sự cố máy bay liên quan đến chim trời. Điều này cũng xảy ra không ít tại sân bay Tân Sơn Nhất. Thiệt hại từ những vụ việc tương tự như thế này đã lên tới hàng triệu USD.
Theo một chuyên gia trong ngành hàng không, sở dĩ chim là mối hoạ thường trực với ngành hàng không là bởi sự chênh lệch tốc độ giữa máy bay phản lực với chim trời. Các loài chim, dù lớn hay nhỏ, khi va chạm sẽ tạo ra một lực phá ghê gớm. Phần lớn vụ va chạm xảy ra khi máy bay ở gần mặt đất, thời điểm cất cánh hoặc hạ cánh. Va chạm giữa chim trời và "chim sắt" có thể biến thành tai nạn nghiêm trọng nếu các con chim lớn bị hút vào động cơ phản lực.
Kết cấu bên trong động cơ phản lực rất tinh vi, khi chim va đập, dù cho các chi tiết của động cơ không bị hư hỏng nghiêm trọng nhưng quá trình làm việc của động cơ sẽ bị ảnh hưởng nặng, thậm chí buộc phải ngừng làm việc, kết quả là máy bay có thể rơi.
Hiện, chưa sân bay nào tại Việt Nam sử dụng các loại máy xua đuổi chim trời. Có phi công của VNA từng kể rằng, lúc hạ cánh xuống sân bay có khi còn phát hiện cả một con chim bị bỏng lạnh đen thui (vì bay ở độ cao trên 10.000 m nên nhiệt độ âm) mỏ dính chặt vào mũi máy bay.
Rất may con chim này chỉ va vào mũi máy bay và dính chặt ở đó ngay từ khi máy bay cất cánh nếu không thiệt hại sẽ khó lường
Rất may con chim này chỉ va vào mũi máy bay và dính chặt ở đó ngay từ khi máy bay cất cánh nếu không thiệt hại sẽ khó lường
Phúc Hưng (dantri)
Bình luận (0)