Chưa nước nào chịu cho Edward Snowden tị nạn, trong khi Nga bắt đầu mất kiên nhẫn trước vị khách không mời
Nghị viện châu Âu ngày 4-7 kêu gọi hủy bỏ 2 thỏa thuận cho phép Mỹ tiếp cận dữ liệu tài chính và đi lại của người dân châu lục này cho đến khi Washington giải đáp thỏa đáng toàn bộ cáo buộc do thám châu Âu.
Các thành viên Nghị viện châu Âu bỏ phiếu thông qua nghị quyết kêu gọi bãi bỏ 2 thỏa thuận chia sẻ dữ liệu với Mỹ. Ảnh: GULF TIMES
Nghị quyết được thông qua với tỉ lệ 483 phiếu thuận/98 phiếu chống nhưng không mang tính ràng buộc. Muốn bãi bỏ 2 thỏa thuận này, gồm Chương trình Theo dõi tài chính khủng bố (TFTP) và Hồ sơ Danh tính hành khách (PNR), phải có sự thông qua của chính phủ các nước thuộc Liên hiệp châu Âu (EU) cũng như Ủy ban châu Âu (EC). Hai thỏa thuận được thông qua không lâu sau vụ khủng bố 11-9-2001, bất chấp lo ngại chúng quá ưu ái Mỹ.
Là một trong những nước châu Âu chỉ trích mạnh mẽ nhất các chương trình do thám của Mỹ nhưng Pháp phải bối rối sau khi nhật báo Le Monde đưa tin tình báo nước này đang vận hành một mạng lưới giám sát điện tử với "quy mô khổng lồ".
Theo Le Monde, Cơ quan Tình báo đối ngoại Pháp (DGSE) đã thu thập một cách có hệ thống tất cả dữ liệu điện tử của máy tính và điện thoại được gửi đi bên trong Pháp lẫn giữa Pháp với nước ngoài. Hàng chục triệu gigabyte dữ liệu được lưu trữ trong một siêu máy tính đặt tại boong-ke ngầm sâu 3 tầng ở tổng hành dinh của DGSE ở Paris. Quyền tiếp cận thuộc về DGSE và 6 cơ quan tình báo, an ninh khác như tình báo quân sự, tình báo nội địa, cảnh sát Paris, lực lượng đặc nhiệm chống tội phạm tài chính…
"Chương trình nà 1000 y nằm ngoài pháp luật và vượt khỏi bất kỳ sự giám sát nào" – Le Monde viết. Tuy nhiên, chưa rõ chương trình của Pháp có đạt tầm cỡ như PRISM của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) hay không. PRISM dường như cho phép tình báo Mỹ bóc tách thông tin từ máy chủ của những đại gia internet, còn chương trình của DGSE lưu trữ "siêu dữ liệu liên lạc", tức là thời điểm cuộc gọi và vị trí người gửi thư điện tử chứ không phải nội dung.
Trong khi đó, vòng vây có vẻ ngày càng siết chặt Edward Snowden. Ngày 4-7, cả Pháp và Ý đều từ chối yêu cầu xin tị nạn của "người thổi còi". Theo hãng tin AP, một nhóm nghị sĩ Iceland đã đề nghị quốc hội cấp quốc tịch cho Snowden nhưng ý kiến này không nhận được nhiều ủng hộ.
Phát biểu cùng ngày của Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cũng cho thấy Moscow đang mất dần kiên nhẫn sau khi vị khách không mời này ẩn náu đến ngày thứ 11. "Anh ta cần chọn nơi đến. Chúng tôi chưa chính thức nhận đơn xin tị nạn tại Nga của Snowden. Nga không thể giải quyết bất kỳ điều gì cho anh ta" – ông Ryabkov cho biết.
Theo NLĐ
Bình luận (0)