Cảnh nhếch nhác trong bệnh viện đã “cứu sống” rất nhiều bệnh nhân và thân nhân của họ |
Người ta vẫn gọi bệnh viện là nhà thương, bởi ở nơi ấy chất chứa nhiều đau thương. Nhưng trên cả đau thương là tình thương. Tình thương của bác sĩ với bệnh nhân, của bệnh nhân với bệnh nhân và của những người xa lạ với nhau…
Lương y như từ mẫu
Chị Nguyễn Thị Tình – y tá bệnh viện Từ Dũ tâm sự: “Gần 10 năm làm y tá ở bệnh viện, tôi đã chăm sóc cho hàng chục ngàn bệnh nhân. Có những bệnh nhân từ lúc nhập viện cho đến lúc xuất viện, lúc nào cũng khóc. Họ khóc vì bệnh tật, khóc vì tủi thân…”. Trong số hàng chục ngàn bệnh nhân mà chị từng chăm sóc, chị nhớ nhất bệnh nhân H.T.V. (35 tuổi). Bệnh nhân V. lấy chồng hơn 10 năm mới có bầu. Nhưng thật trớ trêu, đúng lúc đấy chị được bác sĩ cho hay có khối u ở buồng trứng. Thông thường với những trường hợp như vậy, bệnh nhân phải làm phẫu thuật để lấy khối u ra. Tuy vậy chị V. cương quyết không làm phẫu thuật vì sợ ảnh hưởng đến cái thai. Sự ngang bướng của chị đã khiến cho khối u mỗi ngày một lớn, thậm chí còn lớn nhanh hơn cả bào thai. Và tệ hơn là chị V. thường xuyên đau bụng. Đến khi bào thai được gần 3 tháng thì chị phải nhập viện. Lúc này chị không thể không nghe lời bác sĩ là làm phẫu thuật. Tuy nhiên do khối u quá lớn (trên 20cm), còn bào thai lại đang trong giai đoạn dễ sảy nên điều không mong đợi nhất đã xảy ra – cái thai không còn nữa. Biết chị khao khát có con nên gia đình không ai dám nói thật với chị. Một lần chị Tình đến khám cho bệnh nhân V., chị V. tha thiết hỏi: “Cô y tá ơi, ca phẫu thuật của tôi thành công chứ. Em bé không làm sao chứ”. Nghe vậy, chị Tình hiểu ngay là bệnh nhân chưa biết gì, thế là chị đành nói dối: “Em chưa gặp bác sĩ phẫu thuật cho chị nên không biết kết quả thế nào. Nhưng thấy chị khỏe thế này chắc là ca phẫu thuật thành công rồi”. Và chị Tình cứ phải nói dối liên tục cho đến ngày bệnh nhân V. xuất viện. Không chỉ chị mà rất nhiều y tá và cả bác sĩ nữa cũng phải nói dối bệnh nhân về bệnh tật của họ để tránh những cú sốc có thể xảy ra.
Thỉnh thoảng dư luận vẫn lên án việc nhân viên y tế cửa quyền, hống hách, quát nạt bệnh nhân như bà chủ quát osin. Nhưng đấy chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”. Vì có vào bệnh viện, tận mắt chứng kiến mới thấy nhiều bệnh nhân có những lời lẽ nặng nề đối với bác sĩ, y tá. Trăm sự cũng tại bệnh tật hành hạ nên bệnh nhân mới sinh ra khó tính, hay cáu gắt như vậy.
Chị Hạnh – y tá bệnh viện Nhiệt đới kể lại: “Năm ngoái tôi đã chăm sóc cho cả chục bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm cúm A/H1N1. Vì lúc ấy, cúm A/H1N1 đang rất được dư luận quan tâm nên nhân viên y tế phải chăm sóc người bệnh hết sức chu đáo. Có bệnh nhân là Việt kiều đòi ăn phở, khi chúng tôi đem phở đến thì không ăn với lý do đây không phải là Phở Lệ. Một bệnh nhân khác, nửa đêm thức dậy đòi ăn sầu riêng. Nếu chúng tôi chậm đáp ứng yêu cầu của họ, lập tức họ la hét và đòi phải cho xuất viện ngay…”.
Bệnh viện cũng là nhà
Khi tới các bệnh viện, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh người nhà bệnh nhân trải chiếu nằm dọc hành lang, phơi quần áo đầy khuôn viên bệnh viện… Đôi lúc chúng ta cảm thấy khó chịu, bức xúc trước những hình ảnh nhếch nhác này. Tuy vậy, cái sự nhếch nhác ấy đã che chở, bao bọc hàng ngàn, hàng triệu bệnh nhân và người nhà của họ.
Chị Liên – mẹ bệnh nhân N.T.H. đang điều trị tại bệnh viện Ung bướu cho biết: “Mắc bệnh ung thư coi như là nhận bản án tử hình, nhưng còn nước còn tát. Thế nên hơn một năm nay, hai mẹ con luôn túc trực ở bệnh viện. Hoàn cảnh gia đình thì khó khăn, con mắc bệnh nan y nên tôi không thể mướn một phòng trọ để ở mà phải nằm lê la trong khuôn viên bệnh viện. Trời nắng thì nóng, trời mưa thì lạnh. Tuy vậy vẫn phải cám ơn các bác sĩ, vì họ đã không xua đuổi chúng tôi”…
“Hàng xóm” của chị Liên cũng là những người nghèo ở quê. Họ đưa người thân đến với bệnh viện Ung bướu khi bệnh tật của những người này đã ở vào giai đoạn cuối, sự sống mong manh như “ngàn cân treo sợi tóc”. Và khi sự sống của người thân chỉ còn được tính bằng ngày thì những người như chị Liên tỏ ra rất quan tâm đến nhau. Trong bữa cơm, có miếng thịt, con cá, bát canh, họ cũng san sẻ cho nhau. Hơn bao giờ hết, mọi người thấu hiểu câu tục ngữ “bán anh em xa, mua láng giềng gần”…
“Quê ở Chợ Gạo mà ngày nào cũng phải đi xin cơm”, chị Thắm – huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đang nuôi con tại khoa thận máu nội tiết bệnh viện Nhi đồng 2 bắt đầu câu chuyện. Hơn một năm trước, chị đưa con gái tới đây để chạy thận nhân tạo. “Mỗi tuần chạy 3 lần, những người ở thành phố thì về nhà, còn những người ở tỉnh thì thuê phòng trọ bên ngoài vì bệnh viện không có phòng cho những bệnh nhân chạy thận. Tôi thì không có tiền nên lấy hành lang của bệnh viện làm nhà. Ngày hai bữa xuống bếp từ thiện xin cơm, còn thức ăn thì phải mua. Mỗi ngày tôi mua một con cá kho gỡ thịt cho con ăn, còn đầu và xương mẹ ăn. Ở bệnh viện này, không chỉ tôi mà có cả trăm người đang nuôi con bệnh cũng sống như thế này. Và chúng tôi coi bệnh viện như nhà của mình”, chị Thắm tâm sự.
Tuy không đến mức phải ăn chực nằm chờ trong bệnh viện từ tháng này sang năm khác nhưng chị Hà (Q.1) cũng đã từng sống trong bệnh viện Sài Gòn gần một tháng khi mẹ chị bệnh. “Lúc đầu, vì nhiều lý do tôi và một chị cũng đi chăm mẹ ở giường bên cạnh đã gây nhau. Hai bên cứ lời qua tiếng lại, gầm ghè nhau cả tuần. Cho đến một buổi tối, lúc đó cả phòng đều đã ngủ say, mẹ tôi lên cơn đau, tôi đang loay hoay không biết làm sao thì chị này thức dậy và chạy đi gọi bác sĩ. Từ đó chúng tôi làm lành và thường xuyên giúp đỡ lẫn nhau. Tôi nghĩ nếu ở ngoài đời, chắc chúng tôi không bao giờ nhìn mặt nhau nhưng trong bệnh viện thì khác. Dường như mọi người tốt hơn, khoan dung hơn…”
Đi qua cổng bệnh viện, không ai muốn vào vì bệnh tật là một thứ rất đáng sợ. Nhưng ở đời có mấy ai chưa một lần phải vào đấy, vào rồi sẽ thấy mọi đau đớn của bệnh tật sẽ nhanh chóng qua đi khi có bàn tay chăm sóc của bác sĩ, y tá và sự chia sẻ, giúp đỡ của những người xa lạ…
Bài, ảnh: Hòa Triều
Bình luận (0)