Argentina đang bất lực trước những kẻ cướp tài nguyên biển, đa phần đến từ Trung Quốc, sở hữu tàu lớn đánh bắt xa bờ.
Cuộc rượt đuổi trên biển
Cuối năm ngoái, lực lượng tuần duyên Argentina đã bắn cảnh cáo và chặn đường tẩu thoát ra lãnh hải quốc tế 2 tàu Lu Rong Yu 6177 và 6178 đánh cá bằng lưới rà của Trung Quốc. Sau khi áp tải 2 tàu vào cảng Comodoro Rivadavia, nhà chức trách thu hồi 10 tấn mực từ các tàu, theo AP. Tuy nhiên, đây chỉ là kết quả đầu tiên trong vòng 2 năm qua của lực lượng tuần duyên Argentina, sau nhiều cuộc rượt theo hàng trăm tàu đánh cá không giấy phép ngày đêm tận lực khai thác tài nguyên biển tại Nam Đại Tây Dương.
Theo Hãng thông tấn Merco Press, 2 tàu Lu Rong Yu 6177 và 6178 được xác định rời cảng nhà tại Sơn Đông vào ngày 23.10.2012. Trước khi bị rượt bắt, 2 tàu này đang câu mực ngoài khơi thành phố cảng Puerto Madryn, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Argentina. Tàu tuần duyên Argentina GC 26 Thompson được cho là đã cố gắng liên lạc nhiều lần bằng vô tuyến với các tàu Trung Quốc, nhưng các tàu cá này “giả điếc” và quay đầu bỏ chạy. Cảnh sát biển Argentina lập tức đuổi theo, đồng thời bắn cảnh cáo thì đối phương mới chịu dừng lại. Tàu Lu Rong Yu 6177 dài 41 m, rộng 7,6 m và có 19 thủy thủ, và tàu 6178 có 17 thủy thủ.
Tàu tuần duyên GC 26 Thompson đuổi theo tàu Lu Rong Yu 6177 – Ảnh: Elcomodorense.net |
“Miền tây hoang dã”
Tình trạng khai thác trộm tài nguyên biển ở Argentina trầm trọng đến nỗi vệ tinh có thể dễ dàng quan sát từ không gian. Theo đó, đêm nào trên vùng EEZ của quốc gia Nam Mỹ này cũng rực sáng ánh đèn từ các tàu đánh bắt phi pháp. AP dẫn lời Guillermo de los Santos, Chủ tịch Hội Đánh bắt mực Argentina, nói đa số ngư dân nước này không thể cạnh tranh nổi những kẻ săn trộm đến từ nơi xa. Ông cho hay chỉ tính riêng tại thành phố cảng Mar del Plata đã có hơn 20 công ty kinh doanh hải sản phải dẹp tiệm từ năm 2005. Nguyên nhân là các đội tàu nước ngoài không có giấy phép kéo nhau rầm rộ trên vùng EEZ của Argentina, chủ yếu là tàu Trung Quốc. “Trung Quốc có đội tàu cá lớn nhất thế giới, còn Argentina gần như chẳng có chiếc tàu nào trong vùng biển của mình”, chuyên gia Milko Schvartzman thuộc Tổ chức Hòa Bình Xanh nhận xét với AP.
“Ngoài kia giống như miền tây hoang dã”, ông Schvartzman nói và cho biết thêm ước tính con số thất thoát vào khoảng 300.000 tấn mực mỗi năm. Ông cho hay lúc nào cũng có trên 200 thuyền đánh cá trong khu vực và nhiều chiếc cứ thoải mái tiến vào EEZ của Argentina, phần lớn là tàu Trung Quốc. Thế nhưng, theo ông, chính quyền Buenos Aires không đủ năng lực hàng hải để thường xuyên kiểm soát vùng biển của mình. Nếu xung quanh đảo tranh chấp Falkland/Malvinas luôn xuất hiện tàu chiến và máy bay của cả Anh lẫn Argentina thì những vùng biển khác gần đó Buenos Aires gần như bỏ ngỏ. Hiện tại, lực lượng tuần duyên Argentina chỉ có 8 tàu để quản lý hơn 2,8 triệu km2 diện tích vùng biển và ngày càng có nhiều tàu đánh bắt trộm lọt lưới cơ quan chức năng. Do đó, theo các chuyên gia, nếu muốn kiểm soát được tài nguyên biển, chính phủ Argentina phải nâng cấp đội tàu lên gấp 10 lần quy mô hiện tại.
Đánh bắt phi pháp khắp nơi
Không chỉ riêng vùng biển Argentina bị tàu cá Trung Quốc đến đánh bắt, mà vào năm 2011, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã lên tiếng phản đối chính thức với Bắc Kinh về tình trạng săn trộm và chống cự hết sức liều lĩnh của ngư dân Trung Quốc khi bị truy đuổi. Theo tờ The Chosun Ilbo, trong vòng 4 năm tính đến năm 2011, Seoul đã bắt tổng cộng 1.887 ngư dân Trung Quốc đánh bắt trộm tại vùng biển Hàn Quốc. Những sự cố đụng độ tương tự cũng diễn ra trên vùng biển của Nhật Bản.
Còn Úc từng lên tiếng cảnh cáo tàu cá Trung Quốc, sau khi phát hiện chúng đang đánh bắt trộm tại vùng biển ngoài khơi nước này năm 2011, theo kênh ABC. Gần đây là sự kiện Sri Lanka bắt được 2 tàu cá của Trung Quốc. Năm ngoái, cảnh sát biển đảo quốc Palau bắn chết 1 thuyền viên và bắt 25 người trên tàu cá do hoạt động bất hợp pháp tại vùng biển nước này, theo tờ Pacific Daily News.
Theo TNO
Bình luận (0)