Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Chàng trai mang tin học về làng

Tạp Chí Giáo Dục

Kră Jăn Ha Lên trong phòng dạy vi tính của mình 

Trong số 30 gương mặt thanh niên tiên tiến được biểu dương trong dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) vừa qua, hình ảnh một thanh niên gần 5 năm mở lớp dạy tin học miễn phí cho HS là con em đồng bào dân tộc cứ in đậm trong tâm trí tôi. Đó là chàng trai Kră Jăn Ha Lên (dân tộc Cill) thôn 2 – xã Đạ Sar – huyện Lạc Dương…

Năm nay tròn 24 tuổi, Kră Jăn Ha Lên lớn lên trong một gia đình khá giả nên 6 anh em Ha Lên đều được ăn học đàng hoàng. Bước ra từ một xã đồng bào dân tộc nghèo lên TP. Đà Lạt học, Ha Lên rất thương và cảm thông các em HS buôn làng không có may mắn như mình được học tập đầy đủ. Ngay từ khi còn học THPT, Ha Lên đã mơ ước nếu có điều kiện sẽ về mở lớp dạy vi tính cho các em HS dân tộc ở làng. Tâm sự của chàng trai được người chị dâu trong họ biết được và chị đã giới thiệu Ha Lên với một thầy giáo ở Trường ĐH Đà Lạt. Năm 2005, Ha Lên được người thầy giáo này hỗ trợ 4 bộ máy vi tính (cũ). Sau đó, Ha Lên đưa máy tính về và lấy nhà mình làm phòng dạy vi tính miễn phí cho HS dân tộc trong vùng. Vì máy tính ít nên lớp học đầu tiên của Ha Lên chỉ thu nhận được 10 em HS theo học.
Về phần mình, ngoài việc tích cực mở lớp dạy vi tính ngoài giờ cho HS trong làng, Ha Lên quyết tâm thi và đậu vào lớp Kế toán tin học của Trường Kỹ thuật Đà Lạt (nay là Trường Cao đẳng nghề Đà Lạt). Sau 2 năm học tập (2005 – 2007), tốt nghiệp ra trường với văn bằng trong tay, Ha Lên xin vào làm việc cho một công ty nước ngoài tại Đà Lạt. Vì lý do vừa đi làm, vừa dạy vi tính ngoài giờ cho HS tại nhà, đường sá xa xôi, vất vả nên Ha Lên quyết định chuyển về làm việc cho Công ty Florama Việt Nam (chuyên sản xuất hoa lan của Đài Loan, đóng trên địa bàn xã Đạ Sar). Ha Lên tâm sự, với nghiệp vụ kế toán thống kê trong công ty, lương tháng 1,8 triệu đồng đối với Ha Lên đã là rất tốt và được làm việc gần nhà nên Ha Lên có thời gian dạy vi tính cho HS, đó là điều làm Ha Lên thích nhất.
Niềm vui nối tiếp niềm vui, từ việc Ha Lên sử dụng 4 máy vi tính cũ ban đầu dạy học cho bọn trẻ trong làng rất hiệu quả, được dư luận quan tâm ủng hộ. Với số tiền dành dụm của mình và lại được người thầy giáo của Trường ĐH Đà Lạt tiếp tục hỗ trợ, Ha Lên trang bị thêm 10 bộ máy vi tính mới cho việc dạy học của mình. Từ năm 2007 đến nay, ngôi nhà của chàng trai Ha Lên trở thành “mái trường không tên”, nơi làm quen và bồi dưỡng trình độ vi tính, hé mở cánh cửa cho bao nhiêu HS đồng bào dân tộc bước vào thế giới của tương lai. Mỗi ngày sau giờ làm việc ở công ty, “thầy giáo trẻ” lại say sưa cùng những học trò lần đầu xa lạ với môn học này. Ngoài đa số là HS từ lớp 9 – 12 theo học, còn có những cán bộ của xã Đạ Sar cũng xin làm học trò của “thầy giáo” Ha Lên. Vui mừng trước việc làm có ý nghĩa cho con em đồng bào mình, Kră Jăn Ha Lên tâm sự: “Khi mình có điều kiện học và hiểu biết về tác dụng của tin học đối với cuộc sống, thì đa số HS dân tộc xã mình không được học. Truyền đạt kiến thức học được cho các em là niềm ao ước, hạnh phúc nhất của mình…”.
Mỗi tuần đều đặn 3 buổi, từ 17 giờ 30 đến 20 giờ 30 là thời gian “thầy giáo” Ha Lên dành cho lớp học. Do HS ban đầu tiếp cận với máy tính nên Ha Lên chỉ dạy cho các em những chương trình căn bản như Word, Excel, làm quen với Internet… và đã có trên 120 HS được học tập tại đây. Trong số đó, có nhiều em đã thi đậu vào các trường ĐH, CĐ hay đi làm đều sử dụng được vi tính. Hiện nay, Ha Lên tiếp tục dạy 2 lớp với 22 HS theo học.
Giờ đây, mỗi ngày đi qua buôn làng Đạ Sar là mỗi ngày vui và công việc của “thầy giáo” Ha Lên cũng bận rộn hơn bởi ngôi nhà của Ha Lên ngày càng “chật” tiếng nói, cười của lũ trẻ. Tiếng “thơm” về việc làm của “thầy giáo” Ha Lên cứ lan ra trở thành niềm tự hào chung cho cả xã. Với thành tích 5 năm mở lớp dạy vi tính miễn phí cho HS dân tộc nghèo, Kră Jăn Ha Lên được tín nhiệm bầu chọn tham dự Liên hoan, biểu dương “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” toàn quốc, do Trung ương Đoàn tổ chức đầu năm 2008 vừa qua.
THANH DƯƠNG HỒNG

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)