Hội nhậpThế giới 24h

Thế giới và những gói kích cầu

Tạp Chí Giáo Dục

Xe ế tại một hãng xe ở Munich. Ngành công nghiệp xe hơi Đức hi vọng sẽ khởi sắc sau sáng kiến của chính phủ – Ảnh: Reuters

Kích thích kinh tế đang trở thành một làn sóng lan khắp toàn cầu. Báo Christian Science Monitor (CSM) cho biết trong khi chính quyền và Quốc hội Mỹ vừa đạt thỏa thuận cuối cùng về gói kích thích 789 tỉ USD do Tổng thống Barack Obama đề xuất, ít nhất 33 nước khác đã khởi động các chương trình kinh tế đầy tham vọng.

CSM cho biết tổng chi phí toàn cầu cho các gói kích thích kinh tế đã lên đến 2,25 nghìn tỉ USD, cao nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Ngân hàng UBS ước tính con số này tương đương với 2,8% tổng sản phẩm nội địa toàn thế giới.

Giới chuyên gia bình luận nếu không có các gói kích thích, nền kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào tình trạng tồi tệ hơn rất nhiều. “Nếu không có các kế hoạch kích thích kinh tế, nhiều khả năng chúng ta sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng lớn hơn cuộc đại suy thoái nhiều lần” – CSM dẫn lời ông Sun Won Sohn, giáo sư tài chính ĐH California (Mỹ), nhận định.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng chính quyền các nước vẫn cần phải chi nhiều tiền hơn, bởi chi tiêu của Mỹ và Canada chiếm tới hơn 50% của con số 2,25 nghìn tỉ USD. “Đối với nhiều nền kinh tế châu Âu, các gói kích thích sẽ tương đương 1-2% tổng sản phẩm nội địa tương tự như Nhật – CSM dẫn lời nhà kinh tế Nariman Behravesh thuộc Tổ chức Global Insight bình luận – Theo quan điểm của tôi, tại các nền kinh tế này con số đó phải lớn hơn nữa”.

Biện pháp đa dạng

Nhiều gói kích thích đặt trọng tâm vào hoạt động xây dựng và nâng cấp hạ tầng.  Tân Hoa xã cho biết mới đây chính quyền Trung Quốc đã giải ngân 19 tỉ USD trong gói kích thích 570 tỉ USD để xây dựng nhà giá rẻ, xây mới hoặc cải tạo các sân bay, tàu điện ngầm, đường sắt… Trước đó, Bắc Kinh cũng đã chi 14 tỉ USD cho các dự án hạ tầng và giao thông. Tương tự, Mỹ dự kiến chi hơn 150 tỉ USD vào việc xây dựng đường sá, sửa chữa các cây cầu, cải tạo 10.000 trường học… Còn Úc sẽ chi 18,1 tỉ USD vào các dự án xây dựng trường học, nhà cửa, đường sá trong vòng bốn năm tới.

Trong khi đó, các quốc gia châu Âu như Pháp và Đức đặt mục tiêu cứu vãn các ngành công nghiệp chủ chốt. Theo CSM, dù đầu tư cho hàng trăm dự án hạ tầng nhỏ, nhưng phần lớn số tiền trong gói kích thích 33 tỉ USD của Pháp sẽ được sử dụng để hỗ trợ Hãng chế tạo máy bay Airbus và Tập đoàn năng lượng nguyên tử Areva. Nguồn tin AFP cho biết chính quyền Paris sẽ cho Airbus và Tập đoàn mẹ EADS vay 6,6 tỉ USD để duy trì sản xuất. 

Láng giềng của Pháp là Đức có một sáng kiến độc đáo để cứu vãn ngành công nghiệp ôtô đang suy sụp. Chính phủ hỗ trợ 3.250 USD cho mỗi người bỏ ôtô cũ để mua xe mới thân thiện với môi trường hơn. Các chiếc xe mới phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro4, tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhất tại châu Âu.

Người sở hữu xe đã hơn chín năm tuổi và đăng ký tại Đức trong ít nhất một năm sẽ được hưởng lợi từ chính sách này. Hơn nữa, Hãng xe Volkswagen AG cũng đưa ra chương trình giảm giá đối với người mua xe từ tiền hỗ trợ của chính phủ.

Mục tiêu của chương trình kích cầu Đức là kích thích tiêu dùng chi phí lớn và phát triển các loại xe hơi thân thiện với môi trường, giúp nền kinh tế Đức phục hồi. Hãng thông tấn Deutsche Welle cho biết sau khi chương trình được công bố, doanh số xe hơi tại Đức tuần cuối tháng 1-2009 tăng vọt 16% sau khi liên tục giảm sút trong nhiều tháng. Mới đây, chính quyền Anh cũng tuyên bố sẽ cân nhắc một kế hoạch “bỏ xe cũ lấy xe mới” tương tự nhằm vực dậy ngành công nghiệp xe hơi. AFP cho biết tháng 1-2009, doanh số xe hơi tại Anh giảm tới 30%. 

CSM cho biết khác với Mỹ, Pháp hay Đức, các nước như Canada và Brazil lựa chọn giải pháp cắt giảm thuế cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Khoảng 30% số tiền trong gói kích thích của Mỹ cũng chi vào hoạt động giảm thuế cho doanh nghiệp và người dân. Còn Nga đang nỗ lực tái cơ cấu những khoản nợ khổng lồ mà các tập đoàn trong nước đang gánh chịu.

Những tranh cãi

Không phải ai cũng tỏ ra hoan hỉ khi hàng loạt gói kích thích tiền tỉ được đưa ra. Kế hoạch 54 tỉ USD của Nhật bao gồm một sáng kiến gây tranh cãi: chính phủ tặng 135 USD cho mỗi công dân, tiêu tốn khoảng 22 tỉ USD. Theo khảo sát mới đây của báo Mainichi, 74% người được hỏi phản đối sáng kiến này vì cho rằng quá lãng phí.

Cựu bộ trưởng dịch vụ tài chính và cải tổ hành chính Yoshimi Watanabe đã bỏ Đảng cầm quyền LDP để phản đối kế hoạch này. Nhiều chuyên gia Nhật muốn chính phủ đầu tư vào hạ tầng. “Nhật nên thực hiện các dự án hạ tầng quy mô lớn để tạo công ăn việc làm” – CSM dẫn lời nhà phân tích chính trị Minoru Morita nhận định.

Tại Pháp, tuần trước các công đoàn vừa tổ chức một cuộc biểu tình “lớn nhất trong vòng 20 năm qua” với sự tham dự của 2,5 triệu người để phản đối chính sách kinh tế của Tổng thống Nicolas Sarkozy. AFP cho biết các lãnh đạo công đoàn đang đe dọa sẽ tiếp tục đình công. Người dân Pháp cho rằng gói kích thích của ông Sarkozy có quá ít khoản giảm thuế cho các công ty, và không hỗ trợ tài chính đầy đủ cho những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong cuộc khủng hoảng tài chính.

Gây tranh cãi hơn cả là gói kích thích 789 tỉ USD của chính quyền Washington. AP cho biết hiện tại các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa vẫn phản đối quyết liệt kế hoạch của ông Obama vì cho rằng nó lấy đi quá nhiều tiền thuế của dân. Giới quan sát thì dự báo Mỹ sẽ mắc nợ thêm 2.200 tỉ USD trong năm 2009 để giải ngân cho kế hoạch giải cứu, và qua đó sẽ rơi vào cảnh nợ chồng nợ.

Hơn nữa, mới đây Liên minh châu Âu (EU), Canada và Úc đều lên tiếng phản đối mạnh mẽ điều khoản “người Mỹ dùng hàng Mỹ” trong gói kích thích của Washington. Reuters cho biết theo điều khoản này, các dự án hạ tầng lớn sử dụng tiền từ gói kích thích sẽ chỉ dùng sắt, thép và thiết bị sản xuất tại Mỹ. Các nước cho rằng đây là quy định mang tính bảo hộ thương mại và cảnh báo sẽ xảy ra “chiến tranh thương mại” nếu Mỹ áp dụng điều khoản này. Mới đây, chính quyền và Quốc hội Mỹ đã phải đồng ý hạn chế bớt điều khoản này.

HIẾU TRUNG (TTO)

Bình luận (0)