Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Mổ xẻ thái độ “khó đăm đăm” ở nhiều bệnh viện

Tạp Chí Giáo Dục

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Đức Kiên, để có được thái độ phục vụ như các bệnh viện của Singapore, chúng ta phải phấn đấu trong 20 năm nữa. Điều khiến ông Kiên bận tâm nhất là thái độ “khó đăm đăm” ở nhiều bệnh viện hiện nay…

Ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Đức Kiên được đưa ra trong buổi thảo luận sáng 18/4 tại Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Gia tăng quyền cho bệnh nhân
Thẩm tra dự thảo luật, Ủy ban Các vấn đề xã hội cho rằng, nên cân nhắc việc qui định qui định người bệnh có quyền được cung cấp thông tin chi tiết về bệnh tật, điều trị và chi phí trong quá trình khám chữa bệnh ở phạm vi nào, trong điều kiện nào, bởi nếu mở rộng quá sẽ khó khăn và dẫn đến quá tải nhiệm vụ của cán bộ y tế tại các bệnh viện.
Thêm nữa, trong trường hợp đối với người bị bệnh ung thư, bệnh hiểm nghèo mà lại cung cấp thông tin chi tiết về bệnh tật cho họ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tiêu cực đến tinh thần và khả năng tử vong sớm hơn rất dễ xảy ra.
Về quyền từ chối điều trị được qui định trong dự thảo, Ủy ban cho rằng, với bệnh nhân nặng và trong tình trạng tâm lí không ổn định, nếu thực hiện và chuyển tuyến, bệnh nhân cũng có thể tử vong… Vấn đề này nên qui định theo hướng, quyền của thầy thuốc được quyết định trong một số trường hợp nhằm bảo đảm sức khoẻ, tính mạng của người bệnh.
 
Bệnh nhân và người nhà luôn mong đợi tinh thần phục vụ tốt hơn của các bệnh viện (Ảnh minh hoạ: ST)
Khoản 2, điều 72 của dự thảo luật qui định khi giải quyết sai sót chuyên môn trong khám chữa bệnh, Hội đồng chuyên môn kĩ thuật phải mời người bệnh hoặc đại diện của người bệnh đã khiếu nại tham dự các phiên họp của hội đồng.
Uỷ ban Các vấn đề xã hội cho rằng, chỉ nên qui định mời người bệnh hoặc đại diện của người bệnh đã khiếu nại tham dự phiên họp hội đồng để công bố kết luận, bởi nếu để họ tham gia tất cả các phiên họp sẽ gây áp lực cho các nhà chuyên môn trong việc ra phán quyết trung thực và khoa học.
Góp ý về vấn đề này, Trưởng ban Công tác đại biểu Phạm Minh Tuyên cho rằng khi Hội đồng chuyên môn họp có thể mời người nhà đến cung cấp thông tin về bệnh nhân, thái độ của cán bộ y tế, bằng chứng về sai sót…
Tuy nhiên, khi Hội đồng thảo luận không nên để người nhà tham dự vì nội dung mang tính chuyên môn. Sau khi Hội đồng họp xong sẽ công bố kết quả với người nhà của bệnh nhân.
Không đi vào nội dung qui định về vấn đề này, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu lí giải, thực tế hiện nay, trong nhiều trường hợp có rủi ro, căng thẳng giữa thầy thuốc và bệnh nhân, người nhà bệnh nhân thường khó phân giải. Chính vì vậy, việc qui định vào luật sẽ tạo ra căn cứ để giải quyết vấn đề.
Mất tiền nhưng khó đăm đăm
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá – Thanh thiếu niên và Nhi đồng, Đào Trọng Thi tán thành với việc qui định công chức, viên chức y tế không được tham gia việc thành lập, điều hành bệnh viện tư nhân.
Theo ông qui định này sẽ tách bạch được cơ sở công lập và tư lập, bởi thực tế hiện nay đang có hiện tượng phòng khám “bám” bệnh viện, dẫn đến những vấn đề… khó nói. Chẳng hạn như việc đưa bệnh nhân từ bệnh nhân ra khám, điều trị tại phòng khám hoặc đưa bệnh nhân từ phòng khám vào bệnh viện để “tận dụng” trang thiết bị.
Hơn nữa, khi công chức viên chức vừa đảm nhận công việc, quản lí ở bệnh viện công lại vừa quản lí điều hành ở bệnh viện tư sẽ dễ bị sao nhãng.
Riêng với qui định về điều kiện, cơ sở vật chất, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Nguyễn Văn Thuận băn khoăn về vấn đề kinh khí để có thể đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Theo ông Thuận chính vấn đề cơ sở vật chất yếu kém ở các bệnh viện cấp huyện đã dồn các bệnh viện tuyến trên vào tình trạng ngày càng quá tải hơn.
Nhưng các địa phương dường như rất khó khăn trong việc tăng cường năng lực của các bệnh viện. Ông Thuận đưa dẫn chứng, bệnh viện Trung ương Huế chỉ sau một thời gian giao cho địa phương quản lí đã xuống cấp rất nhanh.
Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu trấn an, hiện Chính phủ đang đầu tư 14 ngàn tỉ đồng để cải thiện năng lực của 621 bệnh viện huyện. Người đứng đầu Bộ Y tế cũng cho rằng, việc có luật với những qui định cụ thể sẽ tạo nên sự nghiêm túc hơn trong việc xây dựng cơ sở vật chất.
Vấn đề cơ sở vật chất lại không khiến Phó Chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Đức Kiên lo ngại bằng tinh thần phục vụ tại các bệnh viện. Theo ông Kiên, có ý kiến cho rằng, phấn đấu để có được tinh thần, thái độ phục vụ như bệnh viện ở Singapore ít nhất phải mất… 20 năm.
“Vào bệnh viện của họ mất tiền nhưng người nhẹ tênh, thoải mái, trong khi ở ta cũng mất tiền nhưng khó đăm đăm”, ông Kiên phân tích. Vấn đề ông Kiên đặt ra là luật phải làm sao quan tâm đến tinh thần phục vụ, y đức trên cơ sở có chế độ với cán bộ y tế thoả đáng.
Cấn Cường (Dan tri)

Hãy đánh giá bài viết này!

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Xin lỗi vì bài viết này không hữu ích cho bạn

Giúp chúng tôi cải thiện

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

Bình luận (0)