Tuổi thơ của Huy gắn liền với các con phố, với công việc nặng nhọc thâu đêm! |
Đêm trôi dần về khuya, tiếng gõ lốc cốc càng vội vã rồi xa dần xa dần vào con hẻm vắng… Người gõ hủ tiếu thuê như sợ đêm khuya, bởi đêm càng về khuya nhà nhà tắt đèn đi ngủ, còn lại họ với nỗi lo hủ tiếu ế và bị chủ chửi mắng…
Tiếng gõ trong đêm
Đêm tĩnh lặng, những cánh cửa sắt kéo ken két, những bóng đèn điện vụt tắt, người đi đường thưa dần… Huy đi cuống cuồng, gõ lốc cốc liên hồi mong đâu đó trong con hẻm sâu tiếng ới “Hủ tiếu”! Bóng em nhỏ dần nhỏ dần rồi mất hút vào đêm sâu, chỉ trơ lại tiếng gõ lốc cốc một nhỏ dần, xa xăm… Nhìn Huy “vật lộn” với “nghề” trong tôi lại hiện lên hình ảnh đứa bé trong nhạc phẩm Đứa bé với những ca từ day dứt “Trong đêm, một bàn chân bước, bé xíu lang thang trên đường, ánh mắt buồn mệt nhoài của em, em rất buồn…”. Dáng Huy nhỏ thó và “già” hơn cái tuổi 12 của em rất nhiều. Cậu “cựu học sinh Trường THCS Phổ Cường”, Đức Phổ, Quảng Ngãi có một tuổi thơ long đong, lăn lộn với đời, với những con hẻm, với đêm khuya… Một ngày làm việc của Huy bắt đầu từ 10 giờ sáng cho đến khoảng 3 giờ sáng hôm sau. Đối với cậu bé mới vào “nghề” hơn ba tháng thì “nghề” gõ hủ tiếu thuê quả là… ám ảnh! Thức dậy lúc 10 giờ sáng cùng chủ nấu hủ tiếu, lặt rau, rửa bát đũa. 12 giờ ăn cơm xong lại chuẩn bị “hàng” lên xe, 2 giờ chiều đẩy xe hủ tiếu ra đường Nguyễn Du, quận 1 và bán đến tầm 9 giờ 30 tối. Sau khi “khai thác” hết khách ở đây, Huy cùng chủ lục đục đẩy xe qua đường Cô Giang, quận 1 và bán ở đây cho đến 2 giờ sáng rồi đẩy xe về. Về đến nhà, Huy phải dọn rửa nồi niêu, bát đũa cho đến 3 giờ sáng mới được đi ngủ. Huy cho biết “Mẹ em mất rồi, ba em thì già, chị ở nhà làm ruộng. Em đang học lớp 6 thì nghỉ học vào phụ bán hủ tiếu thuê”. Nhìn Huy nhỏ xíu bưng mâm hủ tiếu nặng oằn tay, dáng đi loạng choạng rồi mất hút vào con hẻm, không biết tương lai em sẽ ra sao?! Với Huy, tương lai là chuyện gì đó xa vời, chỉ nỗi lo bị khách quỵt tiền, hủ tiếu ế luôn ám ảnh thường trực. Em cho biết “Em bị mất tiền hoài, họ ăn rồi chạy mất, có khi còn bị họ dọa đánh. Lúc đầu về nói với chủ, ông chủ chửi, có lần đánh em. Bây giờ em biết rồi, mỗi lần như vậy em lấy tiền của em ra đưa cho chủ”. Tôi hỏi “Vậy lương em được bao nhiêu một tháng?”. Huy lắc đầu “Em không biết”. Tôi thắc mắc “Không biết? Vậy sao làm cho họ?” “Họ gửi về cho ba em, còn bao nhiêu thì em không biết. Công việc của em là dọn rửa xoong nồi, bát đũa, đi gõ kiếm khách, bưng hủ tiếu cho khách rồi đem tiền về cho chủ”. Một “đồng nghiệp” khác tên Thiên, ở Quảng Ngãi, mới 14 tuổi nhưng có 2 năm rong ruổi các con hẻm Sài Gòn với “nghề”… gõ hủ tiếu thuê. Sau khi bỏ học, Thiên “đầu quân” cho ông chủ cũng người Quảng Ngãi và “hành nghề” đến nay. Cái nghề không có ngày nghỉ, ngày lễ, không có buổi tối vui chơi, giải trí. Một ngày của Thiên bắt đầu từ lúc 10 giờ 30 sáng và kết thúc lúc 3 giờ sáng hôm sau. Xe hủ tiếu Thiên bán đậu góc đường Hồ Bá Kiệm, quận 10 nhưng em phải lội bộ đi gõ ra tận trục đường CMT8. Bữa tối của Thiên là tô hủ tiếu ăn vội vàng khi rảnh. Nhưng vất vả nhất và cũng khủng khiếp nhất là sau 22 giờ đêm, khi nhà nhà lần lượt tắt đèn đi ngủ, Thiên phải đi như… chạy và gõ dồn dập, nếu không hủ tiếu ế là… có chuyện với ông chủ. Thiên cho biết “Sợ nhất là những đêm trời mưa, đi gõ mà cả người ướt mềm nhưng cũng không sợ bằng… hủ tiếu bị ế, bị chủ chửi… như chửi chó! Có khi dầm mưa đi gõ vì hủ tiếu ế nên về bị cảm không đi làm được, chủ không chăm sóc còn trừ lương mấy ngày nghỉ này nữa chứ”. Không như hai “đồng nghiệp”… trẻ em, Thành năm nay 21 tuổi, dáng mập mạp, nặng nề, là dân gõ hủ tiếu thuê ở khu vực Hiệp Bình Phước, Thủ Đức cho biết “Sợ nhất là hủ tiếu ế, bị chủ chửi, đay nghiến. Thứ hai là sợ tụi côn đồ ăn rồi quỵt tiền. Thứ ba là mấy cha cà chớn, cứ nhậu tê tê rồi kêu hủ tiếu, mấy cha ép mình phải uống thì mới trả tiền. Nhiều cha chướng vậy đó nên mình phải uống để mấy cha trả tiền. Chủ nghe mùi rượu tưởng mình không lo đi gõ mà đi nhậu nên chửi như tát nước vào mặt”. Được biết, lương của Thành là 800 ngàn đồng/tháng, trong đó Thành phải tự túc chỗ ở. Thành cho biết “Em ở chung với mấy đứa bạn ngoài quê vào đây học. Ăn với chủ nhưng toàn là ăn hủ tiếu. Có hôm khách đông phải nhịn đói đến khi về mới được ăn. Hôm ế khách thì phải đi gõ khắp các hẻm, năn nỉ mấy mối quen để họ ăn giùm”.
Nhịp gõ… nhịp đời!
Khi hỏi về dự định tương lai, từ cậu bé Huy mới 12 tuổi với hơn 3 tháng vào nghề cho đến Thiên, 14 tuổi với hai tuổi nghề hay anh chàng Thành đã 21 tuổi với thâm niên 5 năm nghề đều… lắc đầu và trả lời “không biết nữa”! Riêng Thành, khá lớn tuổi, lẽ nào theo mãi cái “nghề” gõ hủ tiếu thuê? Thành tâm sự “Nhục lắm anh ơi, nhiều đêm trời mưa, hủ tiếu ế, đâu phải do mình, vậy mà chủ cứ nhằm vào mình chửi. Nhưng buồn nhất là mình đi gõ, nghe người ta kêu “hủ tiếu”, mình quay lại thì… đớ người ra vì người vừa gọi là đứa bạn gái học cùng lớp ở quê vào đây trọ học!”. Nói về tương lai, Thiên già giặn và trầm buồn hẳn “Tết vừa rồi, lớp em họp lớp, em buồn quá nên đi trốn nhưng tụi bạn đi tìm bằng được rồi lôi em vào họp lớp. Bây giờ thì mình có tiền hơn tụi nó nhưng mình làm thuê, còn tụi bạn được học hành, sau này tụi nó sướng. Nghĩ vậy nên em buồn lắm”. Với cậu bé Huy, là… lao động chính trong gia đình bởi mẹ mất, ba già yếu. Mới 12 tuổi em đã phải thức khuya dậy sớm, nhọc nhằn mưu sinh, bán mồ hôi lẫn nước mắt để kiếm đồng tiền bát gạo cho gia đình…
Bài và ảnh: Công Việt
Bình luận (0)