Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Xẻ thịt “tề thiên”

Tạp Chí Giáo Dục

Đầu khỉ được chặt ra cho vào nồi cháo, 20 phút sau, Hùng vớt chiếc sọ khỉ ra và cùng Khánh thản nhiên dùng muỗng múc óc ăn một cách ngon lành…

Vừa nhấp ngụm rượu, tôi phải phun toẹt vì lợm giọng khi chứng kiến nhân viên nhà hàng V.X (thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) mang lên một cái rổ, trong có chứa bộ lòng cùng một cái đầu khỉ còn sống, đang nhe răng, trợn mắt, đặt ngay bàn nhậu bên cạnh.
Hùng – người nhậu cùng bàn với tôi – trấn an: “Chưa đâu, đám này còn nhát, không dám ăn sống. Ông muốn thưởng thức chiêu xẻ thịt “tề thiên” thì ngày mai tôi đưa ông đi. Ở đây ăn uổng tiền vì nhà hàng phải mua qua nhiều tầng nấc. Còn mai, mình ăn tận gốc. Bao nhiêu cũng có!”.
 
Con khỉ này vừa bị thợ săn bắn hạ và sửa soạn đem mổ thịt
 
Kiểu ăn “sành điệu”!
Đúng hẹn, Hùng đưa chúng tôi vào khu rừng thuộc Ban Quản lý Rừng kinh tế Tân Lập, xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú – Bình Phước (giáp huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai).
Tại đây, Hùng giới thiệu chúng tôi với một thanh niên tên Khánh, một tay săn chuyên nghiệp. Khánh bảo: “Mấy ông ngồi đợi, khoảng giờ sau sẽ có hàng!”. Nói xong, Khánh xách khẩu súng kíp đi vào cánh rừng trước mặt.
Không lâu như Khánh nói, khoảng 45 phút sau, Khánh trở về, trên tay lủng lẳng một con khỉ đực đuôi dài nặng khoảng 15 kg. Chú khỉ bị thương nặng do lãnh hai phát đạn.
Quay sang chúng tôi, Khánh hỏi: “Ai muốn ăn óc khỉ còn sống?”. Không đợi trả lời, Khánh liền nhặt khúc gỗ đập mạnh vào đỉnh đầu khỉ. Thấy tôi quay mặt đi chỗ khác không dám nhìn, Hùng cười khanh khách: “Ông nhát quá. Đây là cách “tẩm bổ” của dân nhậu sành điệu. Giờ chỉ cần vắt chanh, cho tí muối tiêu vào hộp sọ khỉ rồi dùng muỗng múc ăn, hớp thêm ngụm rượu, sau vài phút toàn thân sẽ nóng ran lên… Như vậy mới sành điệu!”.
Không thuyết phục được tôi thưởng thức món óc sống, Khánh liền dùng đục, đục lấy chiếc nanh của khỉ, sau đó cho khỉ vào nồi nước sôi để chế biến. Riêng đầu khỉ được giữ nguyên, cho vào nồi cháo.
20 phút sau, Hùng vớt chiếc sọ khỉ ra và cùng Khánh thản nhiên dùng muỗng múc óc ăn một cách ngon lành. “Mọi thứ của khỉ đều bổ. Ăn óc thì bổ óc, ăn tay thì bổ tay… vì khỉ là loài leo trèo, chỉ ăn quả, lá rừng mà trong những loại thức ăn đó có chất thuốc”, vừa ăn, Hùng vừa giảng giải với tôi.
Liếc qua thấy tôi lấy tay lùa các miếng xương xuống đất, Hùng gằn giọng: “Ông phí quá. Nhặt xương lên để lát trộn với bộ đồ lòng nấu cao. Trong cơ thể khỉ không có gì bỏ cả, cái gì cũng quý và hiếm. Nếu không chiêu đãi ông, con này mang bán cho các lái buôn cũng kiếm được 400.000 đồng”.
Có cả đường dây xuyên quốc gia
Theo Khánh và Hùng, ở Bình Phước có cả đội quân chuyên săn khỉ để cung cấp cho lái thú. Toàn bộ được các lái thú vận chuyển ra thị xã Đồng Xoài bán cho đầu nậu hoặc nhà hàng với giá từ 60.000 – 70.000 đồng/kg. Còn khỉ đuôi dài hoặc voọc (động vật quý hiếm nằm trong sách đỏ) có trọng lượng dưới 3,5 kg/con, có giá bán từ 3 triệu – 4 triệu đồng.
Sau khi mua về, các lái thú phân loại con nào còn sống sẽ được chuyển về TPHCM tập kết để những đầu nậu khác vận chuyển sang Trung Quốc bán. Những con đã chết sẽ được cung cấp cho các lò nấu cao ngay tại Đồng Xoài.
Một con khỉ sau khi đã bị xẻ thịt.
Theo chỉ dẫn của “bạn nhậu”, chúng tôi thử nhập vai lái thú ở TPHCM về để thâm nhập vựa chuyên mua bán động vật hoang dã, đặc biệt là khỉ, được cho là lớn nhất trên địa bàn phường Tân Thiện, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.
Chủ của điểm chuyên mua và bán thú rừng này là ông Bình “hoa”, khoảng 42 tuổi, nói giọng miền Bắc, nhà ở ngay mặt tiền đường Nguyễn Huệ. Tại nhà ông Bình “hoa” lúc nào cũng có đủ loại thú rừng (sống lẫn chết) để bán: từ chồn, cheo, kỳ đà, heo rừng… cho đến voọc, khỉ đuôi dài…
Để chứng tỏ với bạn hàng mới, dẫn chúng tôi vào nhà, ông Bình “hoa” mở tủ đông lạnh làm chúng tôi phải… choáng bởi có đến hàng chục con chồn hương, cheo… được xếp ngăn nắp.
Còn sau nhà, ngay cạnh hồ nuôi cua đinh là một lò mổ thú đúng nghĩa. Những con thú còn sống được chủ nhốt trong những cái chuồng bằng lưới thép đặt sau vườn nhà.
Chúng tôi bảo cần một số lượng lớn voọc và khỉ đuôi dài chở về TPHCM để… xuất khẩu, ông Bình “hoa” không ngần ngại: “Sống hay chết? Chỉ cần đặt tiền cọc trước, muốn bao nhiêu cũng có!”.
Chúng tôi lưỡng lự: “Toàn là thú quý nằm trong sách đỏ. Liệu có an toàn khi vận chuyển không?”. “Điểm của tôi được cơ quan chức năng cấp phép hẳn hoi. Yên tâm đi, nhiều người đã mua rồi (!?)”- ông Bình “hoa” nói chắc nịch.
Những lời ông Bình “hoa” nói làm chúng tôi liên tưởng đến vụ 16 con khỉ đuôi dài không rõ nguồn gốc bị Đội Kiểm lâm cơ động Chi cục Kiểm lâm TPHCM bắt giữ sáng 9/4 tại phường Thạnh Xuân, quận 12 – TPHCM, dù chủ số khỉ trên khai là mua trôi nổi trên thị trường.
Thợ săn cũng là lái thú 
Theo thợ săn Khánh, hiện nay do rừng tại huyện Đồng Phú ngày càng cạn kiệt vì bị đốn hạ với diện tích khá lớn để trồng cao su nên không còn thú, đặc biệt là khỉ. Thợ săn phải luồn rừng gần 10 km, qua tận huyện Vĩnh Cửu, tỉnh đồng Nai để săn. Thậm chí một số thợ săn như ông Thạch Riên (tức Bảy “miên”, ngụ xã Tân Lợi, Đồng Phú) kiêm luôn việc thu gom thú của cánh thợ săn ở Đồng Nai, sau đó chở ra Đồng Xoài bán cho các đầu nậu theo kiểu “mua tận gốc, bán tận ngọn”.
 Theo Bằng An
Người lao động

Hãy đánh giá bài viết này!

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Xin lỗi vì bài viết này không hữu ích cho bạn

Giúp chúng tôi cải thiện

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

Bình luận (0)